Chính quyền lâm thời xã Động Quan chống giặc dốt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2011 | 9:42:31 AM

YBĐT - Với nhiều cách làm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương nên chỉ sau một thời gian, phong trào chống giặc dốt ở xã Động Quan đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thầy và trò Trường THCS xã Việt Hồng (Trấn Yên) thăm di tích Sở chỉ huy du kích Chiến Khu Vần-Dọc. (Ảnh: H.N)
Thầy và trò Trường THCS xã Việt Hồng (Trấn Yên) thăm di tích Sở chỉ huy du kích Chiến Khu Vần-Dọc. (Ảnh: H.N)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, một thời kỳ phát triển lịch sử mới cho cách mạng Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cách mạng Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, cùng lúc phải chống ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và chủ trương đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm để xây dựng chính quyền và bảo vệ thành quả cách mạng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Lê Lợi (sau cách mạng, châu Lục Yên đổi thành huyện Lê Lợi thuộc tỉnh Tuyên Quang; Ủy ban Cách mạng Lâm thời do Ủy ban Khởi nghĩa cử ra để điều hành công việc hành chính; cấp huyện có 5 ủy viên do ông Hoàng Văn Đoàn - thân sĩ quê ở xã Khánh Thiện làm Chánh ban huyện, ông Hoàng Văn Lợi - thân sĩ xã Mường Lai làm Phó ban - theo Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên), chính quyền cách mạng lâm thời các xã sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dần được thành lập và lãnh đạo nhân dân chống thù trong, giặc ngoài.

Ở xã Động Quan (lúc này có tên là xã Long Minh), được sự hậu thuẫn vững chắc của đại diện Mặt trận Việt Minh, chính quyền lâm thời xã Động Quan được thành lập và chỉ định ông Trần Đình Luận làm Chánh ban Ủy ban Cách mạng lâm thời, ông Lý Việt Lực làm Phó chánh ban Ủy ban Cách mạng lâm thời, trực tiếp chỉ đạo nhân dân trong xã giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách mà cách mạng yêu cầu.

Trong lĩnh vực chống giặc dốt, xã tổ chức các lớp học bình dân học vụdạy học cho nhân dân. Thầy giáo đứng lớp do nhân dân cử ra, có ông Nguyễn Văn Khu (thường gọi là chú Tư) dựng trường lớp và dạy học ở thôn Nà Hốc, sau đó có thêm ông Vi Đình Chiến làm Trưởng ban Bình dân học vụ xã. Chương trình giảng dạy do Bộ Giáo dục biên soạn, nội dung học tập: làm những phép tính đơn giản, tập đánh vần và ghép các chữ cái; đồ dùng học tập: phấn viết là đất sét phơi khô và giấy dó, thanh tre, miếng gỗ là những vật dụng được dùng để viết.

Trước sự tuyên truyền, vận động của chính quyền lâm thời, các lớp Bình dân học vụ thu hút nhân dân tham gia rất đông, không phân biệt già trẻ, gái trai. Các lớp học được tổ chức ở nhà dân và học chủ yếu vào buổi tối hoặc trưa vì ban ngày nhân dân còn tranh thủ đi làm đồng, làm nương rẫy. Mặc dù điều kiện, phương tiện giảng dạy thô sơ, thiếu thốn nhưng với tinh thần người biết chữ dạy cho người không biết chữ nên nhân dân hưởng ứng tích cực, không khí các lớp học rất sôi nổi.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã dựng “cổng xóa mù” ở ngay cửa Ngòi Tại (nhân dân phải qua Ngòi Tại mới đi chợ Trần Phú - Tân Lĩnh ngày nay). Ở đây có điếm canh, nếu ai không đọc được bảng chữ treo ở cổng (chủ yếu là các chữ cái a, b, c, d…) thì phải chui qua “cổng mù” mới được đi chợ, bằng không thì phải quay về.


Xuất phát từ phong trào Bình dân học vụ, trong nhân dân đã truyền miệng những câu ca nhằm khích lệ, động viên mọi người cùng đi học: “Chồng người biết chữ thì vui/ Chồng em mù chữ phải chui cổng mù”, “Người ta đi chợ thì vui/ Tôi nay đi chợ phải chui cổng mù”, “Học tập là khóa, văn hóa là chìa”. Bên cạnh đó là khẩu hiệu “Người người đi học, nhà nhà đi học, toàn dân đi học chữ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.

Nhân dân cũng luôn truyền miệng nhau bài hát tiếng Tày:

Phạ rung giá, phạ rung giá, chùa căng tứn, chùa căng tứn…
Men tứn lố, pây thâng trường, men tứn lố, pây thâng trường
Chạu pây thâng trường, chạu pây thâng trường… học hết sức, học hết sức
Thướng lai pi noọng ơi, sung sướng lai pi noọng ơi… pây học pây… pây học pây…
Nhanh học pây, nhanh học pây, học chắc chữ, học chắc chữ, sung sướng lai pi noọng ơi, sung sướng lai pi noọng ơi!”.

Dịch nghĩa: “Trời sáng rồi, rủ nhau dậy, dậy mau lên, đi đến trường, sáng đi đến trường, học hết sức, sung sướng nhiều anh em ơi, nên học đi, nhanh học đi, học biết chữ, nhanh học đi, sung sướng nhiều anh em ơi!”.

Với nhiều cách làm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương nên chỉ sau một thời gian, phong trào chống giặc dốt ở xã Động Quan đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đồng thời, xã còn vận động nhân dân chống giặc đói, giặc ngoại xâm, đặc biệt là bọn phỉ, góp phần củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng lâm thời, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đạt được.

Hà Ngọc Đông

Các tin khác

Từ năm học 2011-2012, trên cơ sở rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình, sách giáo khoa THCS, THPT, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy các môn học theo hướng tinh giảm.

Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ gửi Công điện số 1439/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành chủ động khống chế và ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng lây lan.

Phó Tổng biên tập Báo Yên Bái tặng máy vi tính cho xã Nà Hẩu.

YBĐT - Ngày 16/8, đoàn công tác Báo Yên Bái, do đồng chí Phí Văn Nam - Phó tổng biên tập làm trưởng đoàn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại xã Nà Hẩu (Văn Yên).

YBĐT - Xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái có 13 thôn với 1.287 hộ. Địa bàn có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đó cũng là điều kiện dễ phát sinh các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, trộm cắp vặt, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục