Tâm sự của những giáo viên chủ nhiệm
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2011 | 3:42:09 PM
YBĐT - Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người quản lý lớp, là đầu mối của một lớp học, hay là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Đằng sau những từ “quản lý”, “đầu mối”, “cầu nối” là những vất vả, khó khăn mỗi giáo viên chủ nhiệm phải gánh trên vai và cả những tình huống khó có thể tưởng tượng mà người GVCN chưa kể ra…
Cô giáo Nguyễn Thị Quân trò chuyện với học sinh sau giờ học.
|
Cô Nguyễn Thị Quân - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đã có 20 năm công tác và 6 năm làm chủ nhiệm lớp cho biết: “Mỗi giáo viên làm công tác chủ nhiệm được trừ 4 tiết giảng dạy nhưng ở trường nội trú gấp 2 lần nữa vẫn chưa tương xứng”.
Với cô Quân, làm giáo viên chủ nhiệm ở trường có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số cần có một tấm lòng đặc biệt yêu thương và hơn cả là sự hy sinh. Cô Quân kể, có lần học sinh bị ốm phải nhập viện, hết giờ lên lớp ra bệnh viện thấy học trò của mình nằm một mình mà rớt nước mắt. Thế là lại sấp ngửa việc nhà, việc trường để chăm học sinh ở viện.
Ở trường Dân tộc Nội trú tỉnh, việc giáo viên nấu cháo mang đến cho học sinh bị ốm hay vào mùa thi, buổi tối các thầy cô lại tay xách vài túi bim bim, vài cái bánh mang đến ký túc cho các em là một việc rất bình thường. Học sinh nội trú trọ học xa nhà, GVCN như người bảo trợ, người cha, người mẹ thứ hai của các em và với GVCN học sinh cũng như con ruột của mình vậy. GVCN còn là người để các em chia sẻ những buồn vui, là chỗ dựa tinh thần vững vàng cho các em trong cuộc sống.
“Chuyện choáng ngợp nơi đô thị, chuyện bạn bè, chuyện xúc cảm đầu đời, lúc đó mình trở thành người bạn hết sức tế nhị, nhạy cảm nhưng không kém phần cương quyết để cùng tâm sự chia sẻ, hướng các em đi đúng” - Cô Quân tâm sự.
Rồi cả những việc ăn ở, sinh hoạt của các em trong ký túc xá, GVCN cũng phải sát sao. Các em phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về học tại đây nên nhiều khi cách ăn ở sinh hoạt còn chưa phù hợp, GVCN lại là người hướng dẫn các em từ việc vệ sinh phòng ở đến những sinh hoạt chung…
Ở một ngôi trường giàu truyền thống dạy và học, các học sinh tương đối ngoan, dễ bảo như Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thầy Trần Cảnh Huy - Chủ nhiệm lớp 10 Văn cũng có nhiều phen dở khóc dở cười với học sinh. “Lớp tôi chủ nhiệm toàn là học sinh nữ mà mình lại nam giới nên có những cái khó và phức tạp riêng. Ví dụ như khi có những mâu thuẫn của con gái lúc đó mình phải gặp riêng từng người rồi tâm sự, lắng nghe các em giãi bày và tìm ra hướng giải quyết. Rồi cả chuyện học sinh ăn mặc luộm thuộm, mình cũng phải tế nhị nhắc nhở. Học sinh không muốn đi học đưa ra lý do tế nhị của con gái làm thầy bó tay. Tuy nhiên, sau đó mình tìm hiểu nguyên nhân động viên học sinh, phối hợp với gia đình” -Thầy Huy cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thành phố cho biết, việc nửa đêm đi tìm học sinh cùng phụ huynh không thường xuyên, song lại là chuyện không còn lạ lẫm. Nhiều học sinh tại đây bố mẹ bận bươn trải cuộc sống hoặc một số chưa thực sự quan tâm đến con cái nên mọi việc từ việc nhà đến việc trường GVCN cũng đều phải lo, thêm vào đó có một số ít học sinh tương đối “khó bảo”.
3 năm trước khi mới làm chủ nhiệm tại Trường THPT Bán công Phan Chu Trinh (nay là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thành phố), có nữ sinh trong lớp đến gặp cô và nói vay tiền để đi… phá thai, không muốn cho bố mẹ biết, nếu bố mẹ biết sẽ “nhừ đòn”. Chưa có kinh nghiệm và bất ngờ trước lời đề nghị của học trò, giải quyết như thế nào, phối hợp với gia đình ra sao để giáo dục học sinh, làm thế nào để học trò đó có thể rút ra được bài học từ chuyện này thật khó.
“Lúc đó mình phải đóng vai là bạn gái để tâm sự chia sẻ với em. Rồi gặp phụ huynh của các em thì mình đóng vai chị “Thanh Tâm” cùng gia đình giáo dục các em không đẩy câu chuyện theo hướng tiêu cực mà lại làm cho học sinh không tin tưởng mình” - cô Liên tâm sự.
Nhiều thầy, cô chủ nhiệm nói vui rằng: “Chủ nhiệm lớp chẳng khác nào có thêm con mọn. Không có thì trống trải vô vị, mà có thì bận bịu chẳng lúc nào yên”.
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Địa bàn rộng nên tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) những năm qua tương đối phức tạp, nhất là tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, đặc biệt là tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy luôn là nỗi bức xúc với người dân trong xã.
Từ năm 2012 hình thức thi cụm, chấm theo liên tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bị xóa bỏ và thu hẹp lại trong từng địa phương. Phương án cụ thể sẽ được chính thức công bố sau khi có góp ý, đề xuất của các trường vào giữa tháng 1/2012.
YBĐT - Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau màu da cam vẫn mãi còn đeo đẳng cuộc sống thời bình của những gia đình người lính. Không dừng lại ở những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ và thế hệ con cái của họ mà nghiệt ngã thay, di chứng tội ác chiến tranh vẫn đang còn đeo bám cả đến thế hệ thứ ba của những người lính. >> Nỗi đau còn đến bao giờ?
YBĐT - Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2008, công trình cung cấp nước sạch được xây dựng và đi vào sử dụng, đến nay, 800 hộ gia đình trên địa bàn xã đã có nước sạch để sử dụng, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch tăng lên trên 70%. Từ khi có nước sạch, đời sống sinh hoạt của các hộ được nâng lên.