Đừng để “nếp xưa trở lại”!
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2011 | 2:54:59 PM
YBĐT - Lần này trở lại Khuôn Bổ - thôn đồng bào Mông của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) thấy thật vui bởi đời sống của 101 hộ đồng bào trong thôn đã khấm khá hơn trước nhiều lắm.
Tuy vẫn còn tới hơn 80 hộ nghèo nhưng cái nghèo của tiêu chí mới bây giờ đã khác xa tiêu chí nghèo của nhiều năm trước. Nhiều nhà đã có xe máy, ti vi, rừng trồng, có trâu bò cày kéo và máy xay xát làm dịch vụ. Trẻ em được đến trường và học lên cao nhiều hơn. Cái ăn cái mặc đã đủ đầy hơn trước. Ấy thế nhưng chuyện vệ sinh quanh nơi ăn, chốn ở của đồng bào thì còn bừa bộn và vẫn là vấn đề đáng quan tâm của các cấp chính quyền cơ sở.
Hồng Lâu là thôn vùng 2 của xã Hồng Ca nhưng so với nhiều thôn vùng 3 của các xã vùng sâu, vùng cao trong tỉnh thì điều kiện sống của người dân và cơ sở hạ tầng ở đây còn rất nhiều thiếu thốn. Hồng Ca đã ra khỏi Chương trình 135 từ năm 2007, do vậy các nguồn vốn đầu tư của Chính phủ cho địa phương này không còn nữa, trong đó có 4 thôn vùng đồng bào dân tộc Mông.
Người ở Mông Hồng Lâu sống chủ yếu nhờ trồng rừng và khai thác các phụ phẩm từ rừng. Ruộng nước cả thôn chỉ có trên 124 ha, phân tán và manh mún. Dù vậy thì đồng bào nơi đây đã yên tâm định cư xây dựng cuộc sống mới với rất nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ quan tâm ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước.
Những ngôi nhà của đồng bào đã được đầu tư xây dựng vững chắc hơn trước. Ngoài lịa gỗ xung quanh còn có thêm chương trình hỗ trợ tấm lợp phibrôximăng và xóa nhà dột nát của Chính phủ, của tỉnh, của huyện nên người dân nơi đây không còn phải lo nhà ở ngày mưa ngày bão nữa. Mấy năm trở lại đây, người Mông ở Hồng Ca đã biết thay cây lúa trên nương bằng cây quế, cây keo và cả cây tre măng Bát độ; đã biết trồng thêm cây sắn, cây màu để phát triển chăn nuôi.
Đặc biệt, khác xa với cái thời của ông bà, cha mẹ mình, các cặp vợ chồng trẻ người Mông không lo chuyện đẻ nhiều nên việc học của con em họ cũng đã được quan tâm đầu tư hơn trước. Tư duy phát triển, kinh tế của đồng bào đã và đang có sự đổi mới mạnh mẽ khi mà nền kinh tế thị trường đã theo cây gỗ rừng trồng, con trâu, con gà, con lợn vào đến tận bản, mang về cho người dân nơi đây những tiện nghi sinh hoạt hiện đại như chiếc xe máy thay đôi chân đi bộ, chiếc ti vi màu thay chiếc ti vi đen trắng với màn hình bé tẹo, hay như cái máy phun thuốc trừ sâu và nhiều phương tiện sản xuất khác mà Chính phủ hỗ trợ đã giúp đồng bào vùng cao tiết kiệm được đáng kể sức lao động, thuận lợi trong sản xuất. Nhìn nhận sự đổi thay ấy để thấy Hồng Ca đã rất thành công trong công tác vận động định canh định cư, xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào Mông hạ sơn.
Không chỉ có vậy, đồng bào Mông Hồng Ca còn được Nhà nước hỗ trợ làm các công trình sinh hoạt như hố tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Các ngành, đoàn thể rồi chính quyền thôn, chính quyền xã cùng vào cuộc vận động người dân chuyển đổi nhận thức. Nhà tiêu hợp vệ sinh đã được xây dựng; cống rãnh quanh nhà được khơi thông; người dân đã được tuyên truyền làm chuồng trại chăn nuôi ra súc gia cầm xa nơi ở...
Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn những thói quen sinh hoạt xưa lại trở về nếp cũ. Lợn mẹ, lợn con thả rông từng đàn chạy quanh nhà; công trình vệ sinh đầu tư xây xong rồi lại bỏ phí chỉ với những lý do rất đơn giản như: không quen sử dụng hoặc là không tiện dùng… trong khi môi trường sống của cộng đồng thì uế tạp, mất vệ sinh nhất là vào mùa mưa, bởi cả chất thải của người và gia súc... Đó là chưa nói đến việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, phát sinh lây truyền bệnh dịch ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...
Vẫn biết thói quen và tập tục sinh hoạt, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải kiên trì tuyên truyền, vận động “mưa dầm thấm lâu”. Song, khó như việc vận động đồng bào hạ sơn định canh định cư nhiều địa phương đã làm được thì việc vận động đồng bào thay đổi một thói quen, một tập tục sinh hoạt thường ngày chẳng lẽ lại chịu buông xuôi? Cần nhất là phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, làm thay đổi ý thức và hành vi của đồng bào. Muốn vậy, trưởng thôn, bí thư chi bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng phải là những người gương mẫu, tiên phong làm trước, có vậy mới vận động được người thân, dòng họ và cộng đồng làm theo.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Hơn 2 năm thực hiện Luật, tập thể cơ quan THADS tỉnh Yên Bái đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao, được nhận cờ thi đua của Bộ Tư pháp, bằng khen của UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác THADS năm 2011 được Cục THADS tặng giấy khen.
YBĐT - Sáng 9/12, Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miều núi (SUDECOM) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kết quả dự án về nâng cao hiệu quả công tác giảm nhẹ, phòng ngừa và ứng phó với thảm họa thiên nhiên tại xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xác định xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một trong những hướng đi nhằm tiếp cận nhanh nhất các mục tiêu giáo dục đồng thời là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.
YBĐT - Năm 2011, thành phố Yên Bái đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,91% xuống 5,54%.