Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN): Phát huy sức sáng tạo và tính độc lập của học sinh

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2012 | 10:23:38 AM

YBĐT- Năm học 2012 - 2013, tỉnh Yên Bái có 14 trường tiểu học được chọn để triển khai thí điểm Dự án “Mô hình trường học mới Việt Nam” (VNEN). Mô hình này ngoài việc giúp các em học sinh được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức thông qua các hoạt động theo nhóm, theo cặp thì học sinh còn được kích thích sự sáng tạo, rèn luyện tính độc lập và sự tự tin trong mọi hoạt động.

Tiết học theo mô hình mới tại lớp 3A trường tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái.
Tiết học theo mô hình mới tại lớp 3A trường tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái.

Những điểm mới

Mô hình VNEN là Dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai ở các trường tiểu học trên toàn quốc từ 6/2012 đến 6/2015.

Đây là mô hình áp dụng phương pháp giảng dạy mới thay thế phương pháp dạy truyền thống với việc học sinh sẽ giữ vai trò trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn và đồng hành với học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức. Tài liệu giảng dạy cho học sinh không phải là sách giáo khoa thông thường mà là tài liệu hướng dẫn học tập.

Tài liệu này được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên chương trình nội dung sách giáo khoa hiện hành cũng như chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng có thêm điểm mới là tài liệu được biên soạn lại, sắp xếp “ba trong một” gồm: Sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học thành một tài liệu chung.

Do đó, trong một quyển sách, học sinh có thể tự học, tự làm bài, giáo viên hướng dẫn trên đó và cả phụ huynh cũng có thể sử dụng để hướng dẫn con em mình. Tài liệu được phát miễn phí cho tất cả các em học sinh gồm: một bài học theo thiết kế của mô hình VNEN có ba hoạt động, đó là hoạt động cơ bản (học sinh tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới), hoạt động thực hành (áp dụng kiến thức đã học vào bài tập) và hoạt động ứng dụng (học sinh hiểu và vận dụng kiến thức vào cuộc sống).

Theo mô hình này, các môn học sẽ là Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên, Xã hội. Các môn học khác chuyển thành hoạt động giáo dục: giáo dục đạo đức, giáo dục âm nhạc, giáo dục mỹ thuật, giáo dục thể chất và giáo dục kỹ năng sống.

Điểm mới nữa trong lớp học của mô hình trường học mới là không gian học tập của các em không phải là dãy bàn ghế kê từ trên xuống dưới nữa mà lớp học được chia thành các nhóm học tập, các em ngồi quay mặt vào nhau và cùng tự học.

Ở giữa bàn sẽ có một thẻ “cứu trợ”, đó là thẻ được sử dụng khi các em chưa hiểu hoặc chưa biết cách làm thì các em sẽ giơ thẻ báo hiệu để các thầy cô đến giúp đỡ. Trong lớp học còn có thư viện lớp học, đủ tài liệu các môn để học sinh tham khảo; 10 bước học tập để các em thực hiện; góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm... tạo nên một môi trường học tập mới gần gũi và rất hiệu quả.
 
Phát huy khả năng sáng tạo của học sinh

Trong năm học này, tỉnh Yên Bái có 14 trường tiểu học được chọn để triển khai thí điểm Dự án “Mô hình trường học mới Việt Nam”, trong đó, thành phố Yên Bái có 6 trường, còn lại mỗi huyện, thị xã có 1 trường. Là một trong 6 trường của thành phố được chọn để thực hiện thí điểm mô hình VNEN, ngay từ đầu năm học mới, trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để 8 lớp học thuộc khối lớp 2 và lớp 3 bắt đầu thực hiện mô hình trường học mới.

10 bước học tập trong “Mô hình trường học mới”.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: “Để chuẩn bị cho những tiết học đầu tiên theo mô hình mới, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo, tuyên truyền và phổ biến nội dung để phụ huynh hiểu và tham gia đồng hành với mô hình trường học mới này.

Lúc đầu nhiều bậc phụ huynh cũng rất băn khoăn không biết khi theo học mô hình mới này con mình có thích nghi được không nhưng với bộ tài liệu “ba trong một” thì phụ huynh có thể đồng hành cùng con mình trong suốt quá trình học tập, đó là một điều kiện thuận lợi để kiểm tra kiến thức con em mình của các bậc phụ huynh”.

Là giáo viên trực tiếp chủ nhiệm, giảng dạy phương pháp học tập mới cho các em học sinh lớp 3A, cô giáo Đỗ Thuý Hường chia sẻ: “Sau khi được đi tập huấn về phương pháp giảng dạy mới cho học sinh tôi thấy đây là một mô hình rất hay bởi mô hình mới này có nhiều ưu việt hơn so với mô hình cũ, các em học sinh không bị thụ động trong việc tiếp thu kiến thức mà sẽ được chủ động, được phát huy khả năng sáng tạo trong việc tự học, các thầy cô chỉ là người trợ giúp khi các em chưa hiểu.

Với cách học này, các em không còn ỷ lại giáo viên mà phát huy hết khả năng của mình. Qua hơn một tháng áp dụng phương pháp học tập mới, các em học sinh đã bắt đầu làm quen với phương pháp tự học và đặc biệt là các em phát triển khá đồng đều vì em nào cũng có sự tương tác với nhau khi học nên có thể phát huy hết vai trò cũng như khả năng của mình, mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong việc giao tiếp”.

Em Nguyễn Thị Hoa - học sinh lớp 3A phấn khởi cho biết: “Được tham gia học tập theo mô hình mới em thấy rất thích vì chúng em được hướng dẫn tự học theo nhóm, được tự khám phá nên lớp học rất vui, các bạn hào hứng tham gia. Nhiều bạn trước đây nhút nhát nhưng khi tham gia học nhóm các bạn đã mạnh dạn và tự tin hơn trong các hoạt động học tập”.

Cần sự đồng hành của các bậc phụ huynh

Là năm đầu tiên triển khai nên lúc đầu cả giáo viên và học sinh còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng, sau một thời gian triển khai, giáo viên và các em học sinh đã thích nghi với môi trường học tập mới và đây là điều kiện thuận lợi để các em học sinh phát huy được tính độc lập, sự chủ động của mình trong việc tiếp thu kiến thức mới.

Ông Đặng Quang Khánh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: “Để mô hình trường học mới phát huy hiệu quả thì Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai tập huấn mô hình trường học mới cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để họ tiếp cận với tài liệu học tập của mô hình.

Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự làm đồ dùng dạy học, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt tại tổ, trường và cụm trường. Sau đó, các thầy cô sẽ hướng dẫn cho các em học cách học theo nhóm, tạo sự hứng khởi khi tham gia vào các bài học cho các em.

Trong phương pháp giảng dạy mới yêu cầu có sự tham gia tích cực của gia đình và cộng đồng.  Do đó, vai trò của gia đình là đặc biệt quan trọng để tạo ra môi trường thuận lợi, giúp các em phát huy tính tích cực, chủ động trong việc khám phá những kiến thức mới”.

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ngành học, sự nỗ lực của các trường đang thực hiện mô hình trường học mới, đặc biệt là sự đồng hành của phụ huynh với con em mình và sự quan tâm của toàn xã hội, tin rằng “Mô hình trường học mới Việt Nam” được thực hiện tại tỉnh Yên Bái sẽ có bước phát triển tích cực và bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh.

Thanh Chi

Các tin khác

Trong những ngày đầu tuần sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường yếu, đẩy rãnh áp thấp xuống miền Bắc, cuối tuần lại có một đợt không khí lạnh khác khá mạnh tràn về.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng tái định cư Thủy điện Sơn La. Phó Thủ tướng chỉ đạo đề án phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý II-2013.

YBĐT - Tối 20/10, tại trung tâm thành phố Yên Bái, Câu lạc bộ khiêu vũ Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái tổ chức buổi biểu diễn, giao lưu đại vũ hội giữa các tỉnh: Yên Bái, Lao Cai, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

YBĐT - Sáng 20/10 Chính phủ đã tổ chức giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về “Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2012 và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục