Bà chủ tọa phiên tòa cất giọng khúc chiết:
- Trước khi anh chị lấy nhau, có bị ép buộc gì không?
Nguyên đơn ly hôn ấp úng:
- Thưa không, chúng tôi rất yêu nhau ạ!
- Trước khi cưới, anh chị tìm hiểu được bao nhiêu thời gian? - chủ tọa tiếp lời.
- Hơn hai tháng ạ! - cả bị đơn và nguyên đơn cùng xác nhận.
Chủ tọa nói tiếp:
- Theo đơn trình bày, anh chị vừa mới đăng ký kết hôn được hơn 3 tháng, tại tòa cả hai anh chị đều xác nhận là có yêu nhau, có tìm hiểu và không bị ép buộc gì, thế mà giờ lại cương quyết chia tay vì lý do không hợp...
Đoạn đối thoại kể trên được chúng tôi ghi lại trong một phiên xử ly hôn tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Văn Chấn vào một ngày cuối năm 2018. Tình trạng yêu nhanh, cưới vội rồi sớm ly hôn giờ trở nên phổ biến và Văn Chấn - một huyện vùng cao cũng không phải ngoại lệ.
Thống kê của TAND huyện Văn Chấn cho thấy, từ ngày 1/10/2017 đến ngày 28/10/2018, đơn vị này đã thụ lý tổng số 300 vụ xin ly hôn; trong đó, công nhận thuận tình ly hôn 226 vụ, xét xử 24 vụ, 10 vụ không công nhận vợ chồng và chỉ hòa giải đoàn tụ được 40 vụ.
Cũng theo thống kê của TAND huyện Văn Chấn, ngoài những nguyên nhân như: bạo lực gia đình, ngoại tình, những nguyên nhân khác liên quan đến ma túy, rượu, cờ bạc, vợ hoặc chồng đang chấp hành án hình sự thì nguyên nhân... "không hợp” đúng hơn là... không có nguyên nhân gì thực sự lại chiếm tỷ lệ phần lớn. Độ tuổi ly hôn cũng là vấn đề đang được quan tâm.
Trong tổng số 300 vụ ly hôn được TAND huyện Văn Chấn thụ lý thời gian qua thì có tới 153 vụ mà độ tuổi của vợ và chồng từ 18 đến 30 tuổi; đặc biệt, có 136 cặp vợ chồng có con nhỏ dưới 7 tuổi. 136 cặp vợ chồng có con dưới 7 tuổi chia tay cũng là 136 câu chuyện đau xót.
Những đứa trẻ còn quá thơ dại hoặc sẽ vắng mẹ hoặc thiếu cha; có anh, có em thì gần như phải chia tách. Ai dám chắc những đứa trẻ đó sẽ phát triển bình thường khi đã tổn thương về mặt tình cảm, ai bảo đảm chúng sẽ có tương lai tốt đẹp?
Ngồi ghế chủ tọa hàng trăm phiên xử, ký hàng nghìn bản án ly hôn, chứng kiến bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt, đồng chí Đào Thị Minh Hải kể lại: "Giờ bọn trẻ yêu nhanh, cưới vội rồi ly hôn sớm quá nhiều rồi! Kể không hết được những cặp đôi quen nhau được vài tháng, đưa nhau ra UBND đăng ký luôn, rồi về cưới hỏi đúng tập quán dân tộc, thế mà sống chung được vài tháng cả hai nằng nặc đòi ly hôn, hòa giải sao cũng không thành. Có những cặp đôi yêu nhau tha thiết, mới đăng ký xong, chưa kịp tổ chức đám cưới đã vội ra tòa ly dị. Trường hợp khác thì yêu nhau mấy năm trời, thề non, hẹn biển, gia đình ngăn cấm, thế mà cưới nhau được vài ba tháng xin được ly hôn”.
Mới đây, TAND huyện Văn Chấn xét xử một vụ ly hôn, phần phân chia tài sản không hề khó khăn gì nhưng phần "chia” con thì lại phức tạp.
Anh Hoàng Văn N ly hôn với chị Lò Thị P. Chuyện là họ có đứa con chung nhưng cả hai đều... không nhận nuôi.
Do đứa trẻ còn khá nhỏ tuổi nên tòa khuyên chị P nuôi con, anh N có trách nhiệm chu cấp tiền hàng tháng. Thấy có vẻ khó khăn, chị P xin được tách riêng anh N để có vấn đề cần trao đổi và chủ tọa phiên tòa đã đồng ý.
Được nói riêng với chủ tọa, chị P cho biết, mình đã mắc bệnh ung thư, thời gian sống không còn được bao lâu nữa nên cháu nhỏ sẽ phải sống với nhà dượng (chị P chuẩn bị lấy chồng mới).
Thấy chị P trình bày có lý, có tình, chủ tọa yêu cầu chị cung cấp bệnh án chứng minh mình bị ung thư để Tòa có cơ sở giải quyết. Rồi chị chẳng có bệnh án hay phiếu xét nghiệm nào để cung cấp cho Tòa, thực tế là chị đã tự bịa ra lý do mình mắc bệnh hiểm nghèo để thoái thác việc nuôi con.
Rất may, cha của đứa trẻ đã nhận ra trách nhiệm, đồng ý nuôi con thay cho bà mẹ "ung thư giai đoạn cuối” nếu không các cán bộ TAND huyện Văn Chấn cũng chẳng biết phân xử thế nào.
Còn biết bao câu chuyện bên hành lang tòa án, những câu nói "Gia đình là số một”, "Hạnh phúc là sẻ chia”... có vẻ như xa vời với nhiều cặp vợ chồng.
Đồng chí Đào Thị Minh Hải - Phó Chánh án TAND huyện Văn Chấn:
"Vận động được cặp đôi nào đoàn tụ, chúng tôi rất vui mừng bởi xã hội sẽ bớt đi một gia đình ly tán, con thơ sẽ không phải chịu cảnh được mẹ, mất cha. Tiếc rằng, tỷ lệ hòa giải đoàn tụ trong tổng số vụ còn quá thấp”. |
Lê Phiên