Tuy nhiên, Thượng tá Phương khuyến cáo, cùng với nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật, mỗi người dùng mạng xã hội cũng phải luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc đăng tải, chia sẻ và tiếp nhận mỗi thông tin trên mạng.
P.V: Thưa ông, thời gian vừa qua, cùng với sự vào cuộc tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc xử lý những thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh trên không gian mạng của lực lượng chức năng diễn ra như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Thành Phương: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện một số đối tượng đã lợi dụng, đưa các thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Trước tình hình đó, lực lượng công an đã vào cuộc một cách quyết liệt, chỉ tính từ ngày 31/1/2020 đến nay, lực lượng của Phòng An ninh Chính trị nội bộ, công an các huyện Mù Cang Chải, Lục Yên và thành phố Yên Bái đã xử phạt 5 vụ với số tiền lên tới 50 triệu đồng.
Phòng An ninh chính trị nội bộ đã tiến hành xác minh, đấu tranh, tuyên truyền, răn đe cảnh cáo và yêu cầu 20 đối tượng vi phạm viết tường trình, cam kết không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Trước đó, vào năm 2019, chúng tôi đã từng xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 đối tượng với mức phạt 10 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về việc xảy ra bắt cóc trẻ em tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên.
P.V: Sau hơn một năm thực hiện Luật An ninh mạng, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Nguyễn Thành Phương: Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tạo hành lang pháp lý để nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh trật tự và xây dựng môi trường văn hóa, an toàn, lành mạnh trên không gian mạng.
Sau hơn một năm thực hiện, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến rõ rệt. Môi trường không gian mạng đang dần trở nên văn hóa, lành mạnh hơn. Nhiều thông tin, bài viết, video có xu hướng kích động, ảnh hưởng tiêu cực tới chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn chặn, xử lý; đời tư cá nhân được bảo vệ…
Luật An ninh mạng đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…
P.V: Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm của người tham gia không gian mạng?
Thượng tá Nguyễn Thành Phương: Tôi cho rằng, ngoài việc thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, các cơ quan chức năng cần phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… sẽ bị xử phạt rất nặng.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15 quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, mà cụ thể là ngành công an và ngành thông tin và truyền thông phải nắm sát, nắm chắc diễn biến tình hình, khẩn trương xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý; đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng gỡ bỏ các thông tin sai sự thật đó.
Qua đây, cơ quan công an cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như mọi người dân khi phát hiện các đối tượng tung tin xuyên tạc, sai lệch, cần thông báo cho cơ quan công an và lực lượng chức năng có liên quan để kịp thời có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh nhằm khuyến cáo người dân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống; không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, đây cũng có thể coi là một phương thuốc hữu hiệu để tạo "sức đề kháng" cho cộng đồng mạng trước các thông tin xấu độc, để mỗi công dân đủ tri thức, đủ năng lực để nhận thức, nhận diện các loại tin giả, tin xấu độc.
P.V: Ông có thể làm rõ những điều cơ bản của Luật An ninh mạng liên quan trực tiếp và thường xuyên đến hoạt động của các cá nhân khi tham gia mạng xã hội, để giúp người dân tránh được các hành vi vi phạm đáng tiếc?
Thượng tá Nguyễn Thành Phương: Điều 8 Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng, bao gồm:
Nhóm hành vi thứ nhất là: Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Nhóm hành vi thứ hai là: Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Nhóm hành vi thứ ba là: Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Nhóm hành vi thứ tư là: Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
Nhóm hành vi thứ năm là: Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Cuối cùng là: Nhóm hành vi khác vi phạm quy định của Luật này. Ngoài ra, tại Điều 9 của Luật An ninh mạng quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Cụ thể: "Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Minh Quang (thực hiện)