Tranh tụng tại phiên tòa có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ là sự đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn có tác dụng đối với chính giai đoạn xét xử; là cơ chế tối ưu nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo, đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo quyền con người trong tố tụng hình sự, góp phần khắc phục tình trạng để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, việc hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự nói chung và tranh tụng trong xét xử nói riêng ngày càng đòi hỏi cao hơn, đổi mới hơn trong tổ chức phiên tòa xét xử theo hướng xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, công khai, dân chủ, nghiêm minh.
Đây được coi là khâu đột phá của hoạt động cải cách tư pháp. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện những chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định.
Để làm tốt những yêu cầu trên, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Hiện, 100% các phòng xử án sắp xếp vị trí của kiểm sát viên ngang hàng với vị trí của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tranh tụng tại phiên tòa.
Trong quá trình xét xử, TAND hai cấp tỉnh luôn đề cao nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Tại đây, Tòa án giữ vị trí trung tâm, thể hiện qua vai trò của thẩm phán – chủ tọa phiên tòa thực hiện việc điều hành toàn bộ hoạt động tranh tụng, tạo điều kiện để kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình, tranh luận bình đẳng, dân chủ trước Tòa.
Hội đồng xét xử cũng thể hiện tính khách quan, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cả những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, bày tỏ quan điểm khác nhau, cùng tranh luận xác định sự thật khách quan của vụ án.
Thông qua tranh tụng, Hội đồng xét xử đã xem xét đầy đủ, toàn diện, các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ để định tội, để quyết định hình phạt và các vấn đề khác. Có thể nói, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng cho công tác xét xử án hình sự của TAND hai cấp tỉnh trong những năm qua, không để xảy ra bất cứ vụ án oan nào.
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của TAND hai cấp tỉnh đã đạt được nhiều thành tích quan trọng; tiếp thu có chọn lọc nhiều giá trị phổ biến của các nền tư pháp hiện đại; đặt nền tảng và tạo đà cho sự phát triển tiệm cận gần hơn với nền tư pháp tiên tiến trên thế giới.
Phát huy kết quả đó, thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; gắn việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong cải cách tư pháp với công tác của cơ quan; cấp ủy Đảng tăng cường vận dụng sáng tạo và đề ra những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với thực tiễn đơn vị; nâng cao nhận thức về nguyên tắc tranh tụng trong cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ các chức danh tư pháp trong hoạt động xét xử.
Bồi dưỡng kỹ năng điều khiển tranh tụng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật tố tụng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án; tổ chức tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng; đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa…
Mai Linh