Đừng để rơi vào “bẫy” lừa đảo xin việc!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/7/2021 | 10:42:14 AM

YênBái - Nắm bắt tâm lý của người dân mong muốn có được việc làm ổn định trong cơ quan Nhà nước, các đối tượng thường đưa ra các thông tin có mối quan hệ, quen biết với lãnh đạo cao cấp có thể xin được việc làm. Do nhẹ dạ cả tin nên nhiều nạn nhân đã rơi vào “bẫy” lừa đảo rồi lâm vào hoàn cảnh khốn khó.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Vi Thị Hiền sinh năm 1982 là lao động tự do, thường trú tại thôn Loan Thượng, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tạm trú tại tổ 18, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. 

Năm 2013, sau lần về thăm bố mẹ đẻ tại huyện Lục Yên, Hiền gặp cô ruột là V.T.B. Qua câu chuyện, Hiền biết C con cô B mới tốt nghiệp trung cấp y, có nhu cầu xin việc làm nên nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách giới thiệu với gia đình cô B là mình có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo cao cấp ở Bộ Y tế, sẽ xin được cho C vào làm việc tại Phòng khám Đa khoa xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên với chi phí là 30 triệu đồng. Tin tưởng, gia đình cô B chuyển hồ sơ xin việc kèm theo số tiền 30 triệu đồng cho Hiền. 

Ít lâu sau đó, Hiền điện bảo cô B số tiền xin việc quá ít, phải đưa thêm 30 triệu đồng nữa. Cô B đồng ý. Sau một thời gian, anh C vẫn chưa được đi làm, Hiền nói với cô mình là C phải thi công chức, nhưng không cần thi, cứ đưa 20 triệu đồng để Hiền lo hộ. Tiếp đó, gia đình cô B phải đóng thêm 9 triệu đồng, tiền học thuê để anh C có bằng đại học. Đến tháng 4/2017, Hiền thông báo cho gia đình cô B là anh C đã có quyết định đi làm tại Phòng khám Đa khoa xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, song phải nộp thêm 30 triệu đồng nữa, nếu không sẽ bị hủy quyết định và không lấy lại được tiền đưa trước đó.

Cùng ở thời điểm từ năm 2013, anh L ở thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên cũng vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. Biết chuyện anh C đang nhờ Hiền xin việc, L đã bảo anh C đưa đến nhà Hiền để nhờ giúp xin đi làm. Hiền hứa hẹn, xin cho L được vào làm tại một cơ sở y tế trên địa bàn huyện Lục Yên với số tiền 125 triệu đồng. 

Tin tưởng Hiền là người nhà của gia đình anh C, anh L chuyển hồ sơ xin việc và đủ số tiền cho Hiền. Đến năm 2014, bố mẹ anh L tiếp tục nhờ Hiền xin việc cho em gái của L là chị H, khi đó đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Hiền nói sẽ xin cho H làm giáo viên tại một trường học trên địa bàn huyện Lục Yên. 

Từ sau đó, nhiều lần Hiền gọi điện yêu cầu gia đình anh L, chị H chuyển thêm tiền với nhiều lý do như: thi công chức, học phí liên thông lên đại học, biên chế, thanh tra, giấy khám sức khỏe, bảo hiểm, làm bằng... và nhiều thủ tục. Hiền yêu cầu chuyển tiền cho mình tại nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh và bằng nhiều hình thức như: đưa tiền mặt, chuyển qua tài khoản ngân hàng, dịch vụ bưu điện. Riêng cá nhân anh L đã có 60 lần chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng Agribank của Hiền với tổng số tiền hơn 488 triệu đồng; gia đình chuyển tiền xin việc cho chị H nhiều lần, tổng cộng số tiền là 475 triệu đồng. Đặc biệt, Hiền dùng thủ đoạn tinh vi là cung cấp cho bị hại nhiều số điện thoại nói là của bà, của chị đang làm lãnh đạo cao cấp để hai bên liên lạc nói chuyện trực tiếp, song thực chất đó là những số máy của Hiền. Khi nhận điện thoại, Hiền giả giọng nói khác và thúc giục gia đình nộp tiền nhanh để lo việc. 

Trong các lần giao tiền, đều không được viết giấy biên nhận, song các bị hại đã ghi âm các cuộc nói chuyện trên điện thoại. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, tiếng nói của người phụ nữ được gọi "cô”, "chị”, tự xưng "cháu” trong các file ghi âm và tiếng nói của Hiền đều là của một người. Những tài liệu từ ngân hàng và chứng từ chuyển tiền qua Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam qua các lần, đều chuyển tới cho Hiền.

Ngày 25/3/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Vi Thị Hiền, tội danh phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm a Khoản 4 Điều 174; điểm n Khoản 1 Điều 51; điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự, Tòa tuyên xử phạt bị cáo Vi Thị Hiền 15 năm tù; áp dụng các khoản, Điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự buộc bị cáo Hiền phải bồi thường cho gia đình cô V.T.B 119 triệu đồng; bồi thường cho gia đình anh L, chị H là 930,910 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo Hiền còn phải nộp các khoản án phí hình sự, dân sự sơ thẩm trên 43 triệu đồng.

Vũ Đồng

Tags lừa đảo xin việc Vi Thị Hiền xã Tân Hương huyện Yên Bình hồ sơ xin việc

Các tin khác

Trong tháng 10/2020, Triệu Văn Dũng và Nông Văn Minh đã ba lần thực hiện hành vi phạm tội, đưa trót lọt 17 người từ biên giới Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhận 1.800 nhân dân tệ.

Bà Lê Thị Thanh Tuyền (SN 1967), nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM (giữa).

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an TP.HCM) đề nghị truy tố bị can Lê Thị Thanh Tuyền (SN 1967, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM) nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Chủ mỏ khai thác đá trái phép Trần Văn Bảy làm việc với cơ quan điều tra - Ảnh: CAND

Lực lượng Công an tỉnh Nghệ An tổ chức vây bắt nhiều đối tượng, phương tiện khai thác đá trắng trái phép quy mô lớn tại huyện Quỳ Hợp.

Các đối tượng tại cơ quan công an

Một ổ nhóm 4 đối tượng câu kết với nhau dàn dựng kịch bản để trộm cắp tài sản của các lái xe trên đường vừa bị Công an thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc triệt phá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục