Khoa học - công nghệ phát triển, người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, làm việc kinh doanh, mua sắm. Lợi dụng khe hở này, nhiều đối tượng xấu xâm nhập vào các tài khoản riêng như điện thoại, Zalo, facebook để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng giả mạo website của Bộ Công an, các ngân hàng, các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Sau đó, dùng thủ đoạn gọi điện thông báo trúng thưởng, giải ngân khoản vay để người bị hại truy cập website, ứng dụng các liên kết giả mạo này hoặc tải các tệp tin đính kèm để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link có virus hoặc mã độc mà chúng hướng dẫn, ngay lập tức, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp... Sau đó, các đối tượng này lấy cắp tài khoản rồi nhắn tin cho người quen của tài khoản để lừa đảo, hỏi vay tiền.
Bà Trịnh Thị P ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Vừa qua, tôi cũng bị tài khoản facebook của chính con gái mình ở thành phố Hà Nội hỏi vay 2 triệu đồng và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Sau đó, tôi thấy không yên tâm và gọi điện cho con thì được biết tài khoản facebook của con gái mình đã bị người khác đánh cắp đang thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản".
Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội.
Thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
Đồng thời, có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt. Khi nhận các thư điện tử, kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư điện tử của người mình quen biết gửi đến hay không. Đặc biệt, không truy cập vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc gửi từ người đến không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm hoặc ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hoặc thẻ ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái đã phát hiện và khởi tố 2 vụ với 16 đối tượng phạm tội về sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Vũ Minh Tiến - Phó Trưởng Công an thành phố Yên Bái cho biết: "Việc đấu tranh, làm rõ các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng còn rất khó khăn do các đối tượng thường sử dụng thông tin của người khác để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài hình thức lừa đảo nêu trên, phổ biến nhất là các đối tượng lừa đảo lấy cắp tài khoản facebook hoặc các trang mạng xã hội khác của bị hại, sau đó mạo danh nhắn tin cho bạn bè, người thân của bị hại chuyển tiền vào số tài khoản khác với lý do vay, nhờ chuyển tiền hộ... Khi có người quen hỏi vay mượn tiền trên mạng xã hội, người dân phải gọi điện để xác minh, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Ngoài ra, người dân cũng cần nêu cao ý thức cảnh giác, nhất là với những cuộc điện thoại có đầu số lạ từ nước ngoài hoặc thông tin mập mờ, chưa rõ ràng để tránh "tiền mất, tật mang".
Quyết Thắng