Tranh thủ mọi khoảng thời gian nghỉ ngoài giờ, luyện tập lời thoại… để gấp rút chuẩn bị cho ngày diễn ra phiên tòa giả định, Thành đoàn Yên Bái cùng ê-kíp các diễn viên "không chuyên” là cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái đã cùng nhau đi khắp các địa điểm: trường học, đường phố, quán xá, nhà riêng… để quay các phân cảnh phục vụ cho phiên tòa giả định.
Đồng chí Đồng Mạnh Linh - Bí thư Thành đoàn Yên Bái cho biết: "Để có được một đoạn kịch ngắn kể về câu chuyện của các đối tượng tại thời điểm vi phạm trình chiếu tại phiên tòa giả định, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian, công sức cùng với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dàn dựng dựa trên tình huống có thật nhằm đưa ra đề tài tranh luận trong buổi diễn ra phiên tòa giả định về việc chấp hành pháp luật. Đây cũng một trong những nội dung chính thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh cũng như mang lại tính hấp dẫn, sáng tạo, mới mẻ cho buổi diễn ra phiên tòa giả định”.
Bên cạnh đó, nội dung vụ án sát với thực tế, liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bị cáo là học sinh, sinh viên ham chơi, lêu lổng. Các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và "Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Tình huống cụ thể được dàn dựng là đối tượng Trần Bảo Như Vân và Nguyễn Minh Lệ Trang đang là học sinh lớp 11 có xảy ra mâu thuẫn và cãi, chửi nhau trên mạng xã hội Facebook. Sau khi đánh Trang, nhóm của Vân gọi điện thoại cho bạn ra ngồi uống nước rồi cùng đến quán karaoke.
Tại đây, khi cả nhóm đang hát thì cơ quan công an tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ tại túi quần bên trái của 1 đối tượng trong nhóm 2 gói túi nilon hàn kín 2 đầu bên trong cho chứa lá thảo mộc khô nghi là ma túy (cỏ Mỹ); 10 bóng cao su màu trắng chưa được bơm khí; 1 ba lô bên trong có 1 bình khí nén bằng kim loại, 1 chai nhựa có vòi hút tự chế.
Sau đó, phiên tòa giả định được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa như một vụ án có thật đang được đưa ra xét xử đã thu hút sự tập trung chú ý cao độ, lôi cuốn hàng nghìn học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ tham dự. Các "vai diễn”, nhất là vai "bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của các học sinh tham dự tại phiên tòa.
Em Lê Quang Anh - học sinh lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: "Trước khi diễn ra chương trình phiên tòa giả định, chúng em đã hết sức hào hứng và mong muốn được tham gia để có thêm những kiến thức pháp luật cần thiết cho bản thân. Việc được nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua những phiên tòa giả định như thế này rất lôi cuốn, dễ hiểu và dễ nhớ. Chúng em sẽ tiếp tục ủng hộ và tích cực tham gia những hoạt động ý nghĩa, thiết thực như thế này”.
Được biết, kết thúc phiên tòa giả định, các em được tham gia giao lưu dưới dạng trả lời câu hỏi trắc nghiệm về các tình huống trong vụ án. Thông qua đó, giúp các em học sinh hiểu rõ tác hại của ma túy trong học đường và hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm về ma túy.
Phiên tòa giả định nhằm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến cho thanh, thiếu niên hiểu biết về pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, tuân thủ các quy định về pháp luật; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh.
Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng môi trường học đường văn hóa, an toàn và thân thiện. Đây là hình thức tuyên truyền mới có tính trực quan, học sinh được tiếp cận giống như một mô hình phiên tòa thật thu nhỏ mang tính giáo dục cao và có hiệu quả tích cực.
Thời gian tới, Thành đoàn Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp, tổ chức các phiên tòa giả định với nhiều chủ đề phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giảm thiểu số lượng tội phạm trong độ tuổi thanh, thiếu niên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành chuẩn mực cư xử văn minh phù hợp với các quy tắc của pháp luật trong đoàn viên, thanh niên.
Mai Linh