Với những lời dụ dỗ về mức lương "khủng”, có thể lên đến vài nghìn đô mỗi tháng, kèm theo đó là các chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang Campuchia để bán vào các sòng bạc, các cơ sở trá hình...; trên thực tế đã có nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin sập bẫy.
Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, chúng tôi theo chân cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Cường, trú ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cường là người vừa được giải cứu từ đường dây lừa đảo người Việt xuất cảnh sang Campuchia lao động. Khi tiếp chuyện với chúng tôi, trên nét mặt của nam thanh niên này vẫn còn hiện nguyên vẻ hoang mang, sợ hãi.
Anh Cường cho biết, vào khoảng tháng 5 năm 2022, anh được một người bạn tên là Nguyễn Văn Hưng, trú cùng thôn giới thiệu về công việc bên Campuchia, ở bên đó có việc làm nhàn hạ mà lương thì cao (từ 800 đến 1000 USD mỗi tháng). Do đang cần tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, anh đã nghe theo lời dụ dỗ của Hưng, rồi khăn gói tìm đường sang Campuchia với mong muốn đổi đời.
Thế nhưng, khi đến nơi anh mới biết mình đã bị lừa. Tại đây, anh bị ép làm việc trong các sòng bạc trực tuyến hoặc hack Facebook của những người có tương tác cao, đối tượng nhằm vào là Facebook của người Việt Nam rồi bán cho sòng bạc. Sau khi hack Facebook, các đối tượng ép nạn nhân tìm những tài khoản Facebook tiềm năng để nói chuyện, "chăm sóc khách hàng” rồi mời đánh bạc trực tuyến. Nếu không mời được khách, không tuyển đủ chỉ tiêu vào đánh bạc trực tuyến thì sẽ bị đánh đập, tra tấn bằng nhiều hình thức. Suốt thời gian làm việc, anh cùng các nạn nhân khác đều ở tại công ty, chỉ được ra ngoài khi bị đau ốm và sẽ có người giám sát.
"Lúc ở nhà thì nó bảo sang bên đấy làm game, công việc lành mạnh, chỉ ngồi làm việc trên máy tính nhưng tiền lương thì rất cao. Nhưng khi chúng tôi sang đến nơi mới biết là nó lừa người Việt Nam sang bên đấy để bán vào các sòng bạc...
Mỗi tháng họ bắt các nạn nhân phải làm ra từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng doanh thu. Nếu không làm được, chúng tôi sẽ bị đánh đập, hành hạ dã man hoặc bị bán đi nơi khác, bán ra đảo khác... Ở trong đấy nếu mà nói to hoặc quay video thì chúng nó sẽ giết luôn", anh Cường cho biết thêm.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến nhà đôi vợ chồng trẻ Triệu Đức Trung và Vương Thị Xi, ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Do gia đình khó khăn, thu nhập không ổn định nên vợ chồng anh Trung muốn tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định để phụ giúp gia đình. Chính vì vậy, khi có người giới thiệu sang Campuchia có công việc ổn định, thu nhập cao, hai vợ chồng đã nghe và đi theo kẻ xấu vượt biên trái phép sang xứ người.
Tuy nhiên, khi sang đến nơi mới, vợ chồng anh chị mới vỡ lẽ, công việc họ phải làm hoàn toàn không giống như những quảng cáo hay những viễn cảnh tươi đẹp mà các đối tượng đã "vẽ” ra. Tất cả chỉ là lừa đảo.
Tại đây, họ bị ép lao động nặng nhọc, bị áp đặt doanh thu; nếu không đủ doanh số, người lao động sẽ phải đóng tiền phạt, thậm chí là bị giam lỏng, đánh đập và yêu cầu người nhà phải gửi tiền chuộc sang Campuchia mới để nạn nhân về Việt Nam.
"Sang bên đấy do công việc không như các đối tượng giới thiệu như khi còn ở Việt Nam, chúng tôi phải làm việc liên tục nhiều giờ trong một ngày nên rất áp lực. Khi không thể làm được, chúng tôi xin về thì chủ lao động bên đấy không cho về, nếu muốn về thì người nhà phải gửi hơn 240 triệu tiền chuộc mới thả cả hai vợ chồng về Việt Nam. Nếu không có tiến chuộc thì họ sẽ bán chúng tôi ra đảo khác hoặc bị đánh đập, hành hạ", chị Vương Thị Xi chia sẻ.
Bằng thủ đoạn lập ra các trang tuyển dụng lao động trên mạng xã hội như: Việc Làm Cambodia, Việc Làm Campuchia, Hội người Việt ở Campuchia... với những lời giới thiệu, mời chào, quảng cáo hấp dẫn về mức lương "khủng”, có thể lên đến vài nghìn đô mỗi tháng, kèm theo đó là các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, đã khiến nhiều người lao động trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng đã nhẹ dạ, cả tin và sập bẫy.
Khi phát hiện công dân Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì các đối tượng chủ động kết bạn và dụ dỗ, dẫn dắt người dân xuất cảnh bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, sau đó bán cho các chủ lao động đang thuê đất kinh doanh tại Campuchia.
Thượng tá Hoàng Kim Thanh - Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái, cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 trường hợp bị lừa xuất cảnh sang Campuchia cả đường "chính ngạch” và "tiểu ngạch”. Sau khi sang đến nơi, nhiều công dân bị ép làm các công việc trong sòng bạc, lừa đảo trên mạng xã hội…. Trước thực trạng đó, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo ban hành các văn bản tuyên truyền bà con không đi lao động trái phép mà đi theo đường hợp pháp để đảm bảo tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.
Tìm kiếm việc làm có thu nhập cao là nhu cấu chính đáng của mỗi người dân, tuy nhiên tìm kiếm việc làm ở Campuchia qua các trang mạng xã hội hay những lời giới thiệu bằng mồm tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy. Vì vậy người dân cần hết sức tỉnh táo, bởi trên thực tế chẳng bao giờ có việc lao động nhẹ mà được hưởng lương cao.
Thiên Bình (Công an tỉnh Yên Bái)