Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn mà thủ phạm liều lĩnh xông thẳng vào trụ sở ngân hàng để uy hiếp, cướp tiền. Thời điểm cuối năm, tình hình an ninh trật tự thường có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng và tiệm vàng vì thế có thể gia tăng.
Trao đổi phóng viên, Đại tá Lê Khắc Sơn, trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an cho biết, dịp này các ngân hàng cần nâng cao cảnh giác, trang bị hệ thống an ninh đầy đủ. Đại tá Lê Khắc Sơn cũng khẳng định, tất cả các vụ cướp ngân hàng trong thời gian gần đây nếu không bị lực lượng bảo vệ bắt giữ tại chỗ thì cũng bị cơ quan Công an truy bắt chỉ trong thời gian từ 1-2 ngày.
Đối tượng cướp sẽ bị lực lượng chức năng bắt sau 1-2 ngày gây án
PV: Xin ông cho biết tình hình tội phạm cướp ngân hàng thời gian qua?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Sau đại dịch COVID-19, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng trở lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, khi xã hội trở lại hoạt động bình thường. Từ đó, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng, cướp giật tài sản, có chiều hướng gia tăng.
Đại tá Lê Khắc Sơn - Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an.
Theo thống kê của ngành công an, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 13 vụ cướp tài sản tại các phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng. Trong khi đó, năm 2021, cả nước chỉ xảy ra 4 vụ cướp ngân hàng.
Gần đây nhất, trong 2 ngày 14,15/11/2022 tại Thái Nguyên và Đồng Tháp đã xảy ra 2 vụ cướp tài sản tại các ngân hàng với hành vi manh động, liều lĩnh, sử dụng vũ khí để đe dọa, khống chế nhân viên, bảo vệ ngân hàng.
Trước đó, phải kể đến một số vụ như cướp ngân hàng ACB tại Mỹ Tho, Tiền Giang, cướp ngân hàng Viettinbank tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cướp ngân hàng Vietcombank tại Hạ Long, Quảng Ninh; vụ cướp ngân hàng Agribank tại thành phố Thái Nguyên; vụ cướp ngân hàng BIDV tại Bàu Bàng, Bình Dương, vụ cướp ngân hàng Viettinbank tại Ngô Quyền, Hải Phòng,….
Tuy chưa xảy ra các vụ cướp tài sản tại các phòng giao dịch ngân hàng do băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng hoạt động chuyên nghiệp gây ra, nhưng các vụ án trên thường được dư luận quan tâm, đòi hỏi lực lượng công an phải huy động nhiều lực lượng để tập trung truy xét nóng, bắt giữ đối tượng trong thời gian sớm nhất.
PV: Thủ đoạn của các đối tượng này là gì khi thực hiện các vụ cướp, thưa ông?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Thủ đoạn của các đối tượng thường lợi dụng các thời điểm vắng khách, nhân viên ngân hàng và bảo vệ lơ là mất cảnh giác để gây án.
Đối tượng thường có các hành vi bất thường như thay đổi trang phục, đội mũ, che khẩu trang, đeo găng tay, xách ba lô đi thẳng vào quầy giao dịch sử dụng vũ khí, hung khí đe dọa bảo vệ và nhân viên ngân hàng yêu cầu đưa tiền. Phần lớn là vũ khí giả, bom giả, có ít trường hợp đối tượng có súng đạn cao su, súng tự chế. Sau khi lấy được tiền vội vàng lên xe tẩu thoát.
PV: Từ thực tế các vụ cướp trước đây, các đối tượng cướp ngân hàng thường bị bắt ngay sau khi gây án, nhiều đối tượng còn chưa kịp tẩu tán số tiền cướp được. Ông có thể lý giải vì sao các đối tượng cướp ngân hàng ở Việt Nam đều bị bắt giữ trong thời gian rất ngắn?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Trong các vụ án này, hệ thống báo động của ngân hàng sẽ báo động ngay lập tức. Tất cả các vụ cướp ngân hàng trong thời gian gần đây nếu không bị lực lượng bảo vệ bắt giữ tại chỗ thì cũng bị cơ quan Công an truy bắt chỉ trong thời gian từ 1-2 ngày.
Tôi khẳng định rằng, cướp bình thường đã khó, cướp ngân hàng là nơi có hệ thống, nhân viên bảo vệ tốt nhất, kết nối đến Công an gần nhất nên dễ dàng bị bắt.
Hiện nay, hệ thống camera được trang bị khắp nơi. Ngay cả trước khi có vụ cướp ngân hàng xảy ra, mọi di chuyển, đặc điểm đối tượng được ghi lại. Rất nhiều thông tin ngay lập tức sẽ báo về cơ quan công an. Hình ảnh được lan truyền rất nhanh, xã hội quan tâm, cùng truy tìm.
Lãnh đạo Bộ Công an sẽ chỉ đạo tất cả lực lượng nghiệp vụ từ Bộ đến xã, ở tất cả các địa phương sẽ xác minh, đón chặn, truy tìm bắt giữ đối tượng. Số đối tượng có nguy cơ cao như đang làm ăn thua lỗ, khó khăn tài chính, quẫn bách, nợ nần, cờ bạc, tệ nạn xã hội,… sẽ được rà soát.
Kết hợp với các nguồn tin, biện pháp nghiệp vụ, hình ảnh từ hệ thống camera, chúng tôi có thể theo dấu đối tượng và nhanh chóng bắt giữ.
Ví như, khi xảy ra các tình huống cướp ngân hàng, tiệm vàng tại cơ sở có hệ thống báo động, và hệ thống báo động này gắn đến công an cấp xã, công an huyện và cảnh sát hình sự cấp tỉnh, và tất cả các vụ án xảy ra chúng tôi điều lượng lực nhanh nhất, kịp thời nhất và địa bàn chúng tôi đã có sơ đồ, có vị trí, kể cả các đối tượng có cố thủ đến đâu chúng tôi đều có biện pháp xử lý ngay tức khắc.
Đó là lý do vì sao các đối tượng cướp ngân hàng ở Việt Nam dù có che giấu nhận dạng đến đâu cũng đều bị phát hiện, bắt giữ, thậm chí chỉ 1-2 ngày.
Bộ Công an đã tập huấn cho các các địa phương với tình huống đặc biệt
PV: Như ông vừa nói, thực tế các vụ án thời gian qua chủ yếu là các vụ án nhỏ lẻ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sẽ có các vụ án lớn, cướp có vũ khí. Ông có thể nói gì về các vụ việc này và cách phòng tránh?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Điều này lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự, công an các địa phương đã nhận thức được và không loại trừ khả năng sẽ có những vụ cướp có vũ trang.
Trong từng tình huống lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự, công an các địa phương có các phương án, tình huống cụ thể.
Ví dụ, Bộ Công an đã kịp thời xây dựng phương án 06, đó là giải quyết các tình hình cấp bách khi xảy ra các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục và thường xuyên kiểm tra đến công an cấp cơ sở, xã phường để các đơn vị chủ động tập huấn, phòng ngừa, làm sao đảm bảo an toàn tới hệ thống ngân hàng và người dân.
PV: Đối với các trụ sở ngân hàng lớn thì như thế, nhưng các phòng giao dịch nhỏ tại địa phương ông có khuyến cáo gì?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Trước tiên các ngân hàng, các cơ sở kinh doanh phải tự bảo vệ tính mạng, tài sản cho bản thân mình. Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an. Thứ 3, thực hiện nghiêm các khuyến cáo mà lực lượng công an đã đưa ra.
Và những khuyến cáo này của chúng tôi đã có tờ rơi, tập huấn, hướng dẫn. Thậm chí chúng tôi đã cử lực lượng xuống tận cơ sở, tận địa bàn kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng ngừa, xử lý tình huống vi phạm pháp luật liên quan cơ sở này. Tôi cũng đề nghị Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với công an để phòng ngừa tội phạm.
PV: Càng giáp tết, nguy cơ xảy ra cướp ngân hàng diễn biến phức tạp, vậy ông có khuyến cáo gì để đối phó với loại tội phạm này?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Qua điều tra, phần lớn các đối tượng gây án do túng quẫn tài chính, nợ nần, vướng vào tệ nạn xã hội nên nảy sinh ý định cướp ngân hàng.
Thời điểm cuối năm là thời điểm nhu cầu tài chính tăng cao, bên cạnh đó tình trạng mất việc, nợ lương, cờ bạc, cá độ bóng đá…. Có thể dẫn đến một số đối tượng nảy sinh ý định cướp tài sản. Đối với các khoản nợ lớn, khi bị dồn ép, các đối tượng sẽ bất chấp hậu quả, nhắm đến các phòng giao dịch ngân hàng để cướp tài sản.
Chính vì vậy, trong thời điểm cuối năm, các cơ sở kinh doanh cần tập trung lượng tiền mặt lớn, có tài sản có giá trị cao như các trụ sở giao dịch của các ngân hàng, quỹ tín dụng, các điểm thu đổi ngoại tệ, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý, cửa hàng tiện ích, mua bán thiết bị điện tử phải hết sức cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, lựa chọn, bổ sung lượng nhân viên bảo vệ đảm bảo tiêu chuẩn, tăng cường lắp đặt camera an ninh, chú ý các quy trình, quy định tiếp khách, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện bất thường như trang phục không bình thường, đội mũ, che khẩu trang, đeo găng tay, xách ba lô đi thẳng vào quầy giao dịch để cảnh giác, ngăn chặn. Lắp đặt hệ thống báo động khẩn cấp đến cơ quan công an để kịp thời truy bắt các đối tượng.
PV: Tội phạm cướp ngân hàng bị xử lý thế nào, thưa ông?
Đại tá Lê Khắc Sơn: Người cướp ngân hàng thường xác định cướp số tiền rất lớn, từ vài trăm đến hàng tỷ đồng, do vậy hành vi cướp ngân hàng có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân; thậm chí việc lên kế hoạch, chuẩn bị mặc dù chưa đi cướp cũng bị phạt tù đến 5 năm.
Ngoài ra còn có thể xử lý về tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, đe dọa giết người, giết người, cố ý gây thương tích… Đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy pháp luật sẽ trừng phạt rất nghiêm khắc để răn đe, kể cả những người che giấu, không tố giác tội phạm, chứa chấp, tiêu thụ tiền cướp từ ngân hàng có thể phạt tù đến 7 năm, thậm chí chịu mức phạt tương đương với đối tượng cướp ngân hàng nếu có các hành vi đồng phạm, giúp sức. Vì vậy, chúng tôi cảnh báo các đối tượng có ý định cướp ngân hàng ở Việt Nam rằng: "trốn không quá 3 ngày, tù không dưới 20 năm”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo VOV)