Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh muốn bán tài sản để nộp lại 14 tỷ nhận hối lộ

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/10/2023 | 8:20:51 AM

Ngày 10/10, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử vụ án “Đưa - nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến các gói thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh muốn trả lại 14 tỷ nhận hối lộ để hưởng khoan hồng.
Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh muốn trả lại 14 tỷ nhận hối lộ để hưởng khoan hồng.

Phiên tòa có 17 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có các bị cáo: Vũ Liên Oanh (cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh); Ngô Vui (cựu Trưởng phòng KH-TC Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh); Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh (cùng là cựu Phó phòng KH-TC Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài tội danh trên, Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long còn bị truy tố thêm tội "Nhận hối lộ”.

Đối với nhóm bị cáo là doanh nghiệp có: Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty NSJ); Trần Ngọc Thắng (Tổng Giám đốc Công ty MQF), Trần Thị Thanh Xuân (Tổng Giám đốc Công ty MQF), Ngô Mạnh Hùng (Phó Tổng Giám đốc Công ty MQF)… và một số bị cáo khác.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Công ty NSJ Group) bị cáo buộc "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và "Đưa hối lộ”. Các bị cáo còn lại bị truy tố và đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.


Bị cáo, Hoàng Thị Thúy Nga từng bị tuyên phạt tổng 20 năm tù ở những vụ án trước đó.

Trong số các bị cáo, Hoàng Thị Thúy Nga từng là Phó tổng giám đốc Công ty AIC và đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù trong vụ án vi phạm đấu thầu tại Đồng Nai. Bà Nga còn bị TAND TP.Cần Thơ phạt 8 năm tù vì vi phạm đấu thầu tại Sở Y tế tỉnh này.

Trong vụ án tại Quảng Ninh, Hoàng Thị Thúy Nga bị cáo buộc thông đồng với lãnh đạo Sở GD-ĐT Vũ Liên Oanh và nhận sự "tạo điều kiện”. Bà Nga cùng thuộc cấp sau đó được tự lập 6 dự án cho Sở GD-ĐT rồi tham gia và trúng cả 6 trong giai đoạn 2016-2019.

Theo cáo trạng, các gói thầu này đều cung cấp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Ninh với tổng trị giá hơn 636 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vật tư bị "nâng khống” nên gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng.


Phiên tòa có 17 bị cáo bị đưa ra xét xử vì có liên quan đến các gói thầu của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Sau đó, Nga thường tìm gặp Vũ Liên Oanh trong các dịp tết từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2020; mỗi lần biếu từ 1 - 5 tỷ đồng, tổng cộng 14 tỷ đồng. Trong 4 lần đưa tiền, có 3 lần Nga đến phòng làm việc của Oanh và một lần tới nhà riêng; khi đưa tiền Nga nói "Em cảm ơn và chúc tết chị”.

Việc điều tra đã xác định giữa Oanh và Nga không trao đổi, bàn bạc, thống nhất về việc đưa tiền; bà Oanh không đòi hỏi, ép buộc việc này và chỉ biết số tiền mỗi khi được biếu. Cựu Giám đốc sở muốn được khắc phục, trả lại số tiền trên để được hưởng khoan hồng.

Vì trước đó, Oanh khai nhận sử dụng số tiền 14 tỷ đồng nhận từ bà Nga để mua bất động sản. Cơ quan điều tra đã kê biên 8 ô đất đứng tên hai vợ chồng bà Vũ Liên Oanh, trong đó 1 ô đất Oanh nhờ mẹ đẻ đứng tên hộ. Oanh muốn bán những tài sản trên để nộp lại 14 tỷ mong muốn khắc phục hậu quả để được hưởng sự khoan hồng.

Hai cán bộ Sở GD&ĐT Quảng Ninh khác cũng nhận hối lộ từ Nga là Ngô Vui nhận 14,8 tỷ đồng và Hà Huy Long nhận hơn 1,8 tỷ đồng. Cả hai người cũng muốn nộp lại để khắc phục hậu quả.

Cũng trong ngày 10/10, Bộ Công an phát đi thông báo kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC và 3 cá nhân khác liên quan đến sai phạm tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ra đầu thú.

Trước đó, ngày 31/8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh thụ lý vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan.

Đến ngày 25/9/2023, TAND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định đưa vụ án ra xét xử số 98/2023/QĐXXST-HS. Phiên tòa dự kiến mở vào ngày 23/10 và diễn ra trong 3 ngày.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử lần này gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC), Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc AIC), Trương Thị Xuân Long (Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC) và Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha) cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra còn có 10 bị cáo khác bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 2 bị cáo bị truy tố về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, hiện 4 bị cáo Nhàn, Sơn, Long và Tích vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã.

Bộ Công an yêu cầu các bị cáo tự giác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Nếu vắng mặt, TAND tỉnh Quảng Ninh vẫn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật.

(Theo TPO)

Các tin khác
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Cơ quan tố tụng yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC cùng các đồng phạm tự giác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.

Bà Vũ Liên Oanh thời điểm chưa bị bắt

Hôm nay (10/10), TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, xảy ra tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh và Công ty NSJ.

Một chủ cơ sở sản xuất ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vừa bị khởi tố hình sự về hành vi sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn.

Phạm Viết Trung tại Cơ quan điều tra.

Từ tháng 5-2022 đến nay, Trung và đồng bọn đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 50 tỉ đồng của hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục