Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều ngày 6/11, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết từ thông tin phản ánh báo chí về việc trên mạng xã hội tồn tại nhiều nhóm trên Facebook hướng dẫn "bùng nợ", cách vay tiền lừa đảo hay cách lừa đảo bằng thế chấp tín dụng, cơ quan quản lý đã rà quét và yêu cầu Facebook ngăn chặn 47 nhóm về nội dung này.
Đến nay, Facebook đã ngăn chặn 43/47 group mà Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu. Bốn group còn lại chưa xử lý, ngăn chặn do hành vi vi phạm chưa rõ”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do thông tin và cho biết thêm, ngay sau khi báo chí thông tin phản ánh tình trạng nhiều hội nhóm trên mạng xã hội hướng dẫn các đối tượng trong đó có trẻ em cách thức tự tử, Cục đã liên hệ với báo để xác định 8 hội nhóm này.
Thực hiện yêu cầu từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, chỉ trong 1 ngày mạng xã hội Facebook đã chặn 8 nhóm hướng dẫn cách tự tử, với mỗi nhóm thường có hàng chục nghìn thành viên tham gia.
Từ những kết quả ngăn chặn xử lý các hội nhóm thông tin vi phạm quy phạm pháp luật, xấu độc kể trên đã cho thấy vai trò sự hợp tác, phối hợp giữa báo chí và cơ quan quản lý nhà nước trong việc góp phần làm sạch không gian mạng.
Cục trưởng Lê Quang Tự Do đề nghị các cơ quan báo chí trong thời gian tới, khi phát hiện trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện những nội dung sai phạm thì thông tin về Cục. Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ xử lý nhanh những vấn đề này.
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Đến nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đều tích cực phối hợp để xử lý các yêu cầu từ cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng.
Thông tin về việc đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tháng 10/2023 vừa qua, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm (đạt tỷ lệ 90%); Google đã gỡ 480 video vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 92%). Trong khi đó, TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (tỷ lệ 95%), trong đó, nền tảng này xóa 44 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ.
Liên quan đến Tiktok Việt Nam, Cục phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đã làm việc với đại diện TikTok Singapore, đại diện TikTok Việt Nam và Công ty TikTok Việt Nam sau cuộc kiểm tra toàn diện của Bộ Thông tin và Truyền thông với nền tảng mạng xã hội này.
Phía TikTok Singapore đã gửi văn bản cam kết thực hiện tới Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng Bộ yêu cầu bổ sung thêm phụ lục, có thời gian, tiến độ triển khai thực hiện. TikTok cam kết tuân thủ theo các nội dung Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu quản lý nội dung, nhất là các nội dung về trẻ em. Đối với các hành động cụ thể theo yêu cầu, TikTok sẽ có phụ lục để cụ thể hóa chi tiết cách thức thực hiện. Ông Do cho biết đơn vị đang giám sát việc thực hiện của TikTok.
Những tháng gần đây, thông qua các công cụ giám sát của Cục phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xác định nền tảng Tiktok đã có chuyển biến tích cực về nội dung, các nội dung độc hại đã giảm nhiều. Khi Bộ Thông tin và Truyền thông gửi yêu cầu xoá thì xử lý rất nhanh, tập trung vào việc chặn tài khoản chứ không chỉ còn xóa video clip đơn lẻ như trước đây.
(Theo VnEconomy)