Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan. VKSND Tối cao phân công VKSND TP HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.
Thủ đoạn tinh vi
Các bị can bị truy tố về các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành mà thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Bị can này cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi vi phạm. Cụ thể như tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bản thân; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ...
"Từ đó, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn" - cơ quan tố tụng đánh giá.
Đưa hối lộ triệu đô
Cáo trạng xác định từ ngày 1-1-2012 đến 7-10-2022, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ 132.247 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi trên đã gây hậu quả SCB bị thiệt hại số tiền hơn 64.621 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ ngày 9-2-2018 đến 7-10-2022, bị can này chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để từ đó tham ô, chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.096 tỉ đồng.
Để che giấu thực trạng tài chính yếu kém, các sai phạm có thể bị phát hiện qua thanh tra cũng như để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và được tiếp tục tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã gặp, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước; là trưởng đoàn thanh tra hoạt động ngân hàng này. Cùng với đó, chỉ đạo cấp dưới tiếp xúc đặt vấn đề đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên đoàn thanh tra.
Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 4-2016 đến ngày 1-10-2018, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB với tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỉ đồng). Bà Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ của SCB với số tiền 5,2 triệu USD. Các thành viên đoàn thanh tra nhận tiền của SCB từ 1.000 - 21.000 USD cùng nhiều lợi ích vật chất khác.
Sau khi nhận tiền, trong báo cáo về kết quả thanh tra tại SCB của Ngân hàng Nhà nước trình bày với Chính phủ, 2 bị can Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo thành viên đoàn chỉ nêu chung chung, không ghi số liệu trung thực, không đưa thực trạng tài chính yếu kém của SCB. Mục đích để giảm nhẹ, "làm mờ" cho các sai phạm của SCB...
Trong số các bị can có 41 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước...
"Cao thủ gặp cao thủ"
Bị can Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella, bị truy tố tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Trí nhiều lần nhận tiền của bị can Trương Mỹ Lan, gần 1.000 tỉ đồng, thông qua 3 hình thức là chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, sau khi bị can Trương Mỹ Lan bị bắt, bị can Nguyễn Cao Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó. Mục đích làm việc này là nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tại Công ty Văn Lang của bị can Lan để chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng. |
(Theo NLĐO)