Tuyên án cựu giám đốc CDC Hà Nội vụ đấu thầu kit xét nghiệm của Việt Á

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/3/2024 | 9:15:09 AM

Cựu giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt và cấp dưới được tòa cho hưởng án treo nhằm tạo điều kiện để cả hai được tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Bị cáo Trương Quang Việt, cựu giám đốc CDC Hà Nội (trái) và bị cáo Lê Minh Tuyến nghe tòa tuyên án.
Bị cáo Trương Quang Việt, cựu giám đốc CDC Hà Nội (trái) và bị cáo Lê Minh Tuyến nghe tòa tuyên án.

Ngày 6-3, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trương Quang Việt (cựu giám đốc CDC Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Lê Minh Tuyến (cựu trưởng phòng Tài chính, CDC Hà Nội) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Gây thiệt hại ngân sách nhà nước 9,1 tỉ đồng

Theo hồ sơ, năm 2020, CDC Hà Nội thực hiện gói thầu số 5 với hình thức đấu thầu rộng rãi mua 28.300 kit xét nghiệm, tổng số tiền là 13,1 tỉ đồng.

Khoảng tháng 6-2020, ông Trương Quang Việt và ông Lê Minh Tuyến mời Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (phó giám đốc Công ty Việt Á) đến trụ sở CDC Hà Nội để họp, thống nhất trả tiền mua 61.000 kit xét nghiệm Việt Á ở giai đoạn trước (khi ông Nguyễn Nhật Cảm làm giám đốc). Trong cuộc gặp có đề cập nội dung làm thế nào để đảm bảo Công ty Việt Á trúng thầu.

Khi CDC Hà Nội thực hiện gói thầu số 5, ông Việt hướng dẫn bà Đỗ Thị Thu (phó khoa Dược và vật tư y tế, CDC Hà Nội) xây dựng hồ sơ mua sắm dựa trên sinh phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất để đảm bảo cho công ty này tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Sau đó, CDC Hà Nội mua 28.300 kit xét nghiệm với số tiền 13,1 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 9,1 tỉ đồng.

Sau khi được CDC Hà Nội thanh toán tiền, Phan Quốc Việt chỉ đạo chi hơn 1,1 tỉ đồng "hoa hồng” cho các cán bộ tại đơn vị này. Trong đó, bị cáo Việt được 500 triệu đồng, Tuyến 200 triệu đồng, Thu 30 triệu đồng. Số tiền còn lại, theo chỉ đạo của bị cáo Việt, bị cáo Tuyến chia cho một số cán bộ tại CDC Hà Nội.

Tại phiên tòa, cựu giám đốc CDC Hà Nội cùng cấp dưới thừa nhận hành vi sai phạm, thừa nhận việc truy tố là phù hợp, không có ý kiến gì. Về số tiền 500 triệu đồng của Công ty Việt Á, bị cáo Việt khai sau khi nhận vẫn để ở nhà, không sử dụng vào việc gì.

Tạo điều kiện cho bị cáo tiếp tục cống hiến

HĐXX nhận định hành vi vi phạm của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách, ảnh hưởng đến tính minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu.

Các bị cáo là người có năng lực, nhận thức rõ hành vi của mình vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Trong đó, bị cáo Việt có vai trò cao hơn, là người dẫn dắt; bị cáo Tuyến giúp sức tích cực.

Sau khi được CDC Hà Nội thanh toán tiền, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo chi hơn 1,1 tỉ đồng "hoa hồng”, trong đó bị cáo Việt được 500 triệu đồng, Tuyến 200 triệu đồng…

Vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á và một số bộ, ngành liên quan, đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vừa qua. Vì thế, khi cân nhắc hình phạt đối với hai bị cáo, tòa sẽ cân nhắc trong bối cảnh tổng thể, tương quan với vụ án đã xét xử trước đó.

Hai cựu cán bộ CDC Hà Nội đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, có nhiều thành tích. Các bị cáo cũng có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính, có nơi cư trú rõ ràng...

Sai phạm của các bị cáo diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, các bị cáo thực hiện việc mua sắm với mong muốn có sản phẩm kit xét nghiệm để phục vụ cho phòng, chống dịch. Hơn thế, CDC Hà Nội cũng có đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho cả hai.

Với cựu giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt, tòa ghi nhận bị cáo được đào tạo chuyên ngành tim mạch, từng có thời gian chuyên trách theo dõi sức khỏe cho lãnh đạo, có nhiều đóng góp cho ngành y tế nói chung và CDC Hà Nội nói riêng, được Thủ tướng, Bộ Y tế tặng bằng khen...

Từ những nhận định trên, HĐXX cho rằng việc tuyên án treo đối với các bị cáo là phù hợp, nhằm tạo điều kiện để cả hai được tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Về trách nhiệm dân sự, do đã được giải quyết trong bản án trước đó của TAND TP Hà Nội nên tòa không xem xét.

Riêng với trường hợp bà Đỗ Thị Thu (phó khoa Dược và vật tư y tế, CDC Hà Nội), cơ quan tố tụng cho rằng bà Thu nhận tiền (30 triệu đồng) nhưng không biết đó là tiền của Công ty Việt Á. Bà Thu làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, không có động cơ vụ lợi, đã khai báo thành khẩn và tự nguyện giao nộp tiền nên không xử lý hình sự.

(Theo PLO)

Các tin khác
Công an xã Tô Mậu làm việc với anh K về hành vi

Chủ tịch UBND xã Tô Mậu, huyện Lục Yên vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh M.T.K trú tại thôn Làng Mường, xã Tô Mậu vì hành vi “Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".

Trong quá khứ, Facebook đã nhiều lần xảy ra lỗi trên toàn cầu.

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo "ăn theo" sự cố sập Facebook toàn cầu vào tối 5/3.

Đối tượng Nguyễn Văn Đoàn (Ảnh: Công an Tuyên Quang).

Nguyễn Văn Đoàn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo và cùng Nguyễn Anh Tuấn làm sai lệch thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán tiền bốc xếp gạo và kê lót kho bảo quản gạo để hưởng lợi cá nhân.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà.

Trong ngày xét xử đầu tiên, an ninh phiên toà được thắt chặt, các nhà báo có khu vực tác nghiệp riêng để theo dõi diễn biến phiên toà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục