Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can về các tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), ông Trần Mạnh Hà (Phó TGĐ AIC), Trần Đăng Tấn (Trưởng Văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Dương Hoa Xô (Nguyên giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở NN&PTNT TP HCM) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
8 bị can khác là cán bộ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Công ty Kiểm toán AISC, Viện xây dựng và Quản trị kinh doanh TP HCM, Công ty Thẩm định giá SEAAC, Sở KH&ĐT TP HCM… bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Có 2 người bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty AIC là người thành lập, điều hành Công ty AIC và các công ty thành viên (Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín toàn cầu).
Thông qua các mối quan hệ, bà Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với bị can Dương Hoa Xô cho AIC thực hiện các gói thầu Dự án 12 PTN, thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu. Quá trình thực hiện giai đoạn 1, bà Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.
Bà Nhàn cũng chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn phối hợp với Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á xây dựng danh mục, cấu hình, dự toán thiết bị gói thầu trước khi đấu thầu; thông đồng với Trần Vinh Vũ (Giám đốc Công ty Tư vấn Hồng Hà) lập hồ sơ mời thầu theo hướng tạo điều kiện cho liên danh AIC- Việt Á và Công ty Vimedimex (do liên danh AIC- Việt Á nhờ đứng tên) trúng 3 gói thầu.
Kết luận điều tra cũng chỉ ra rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn chỉ đạo thiết lập các công ty "quân xanh” để AIC – Việt Á trúng thầu, tránh hủy thầu.
Quá trình thực hiện giai đoạn 2, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà giao nhân viên AIC phối hợp với Chủ đầu tư thống nhất danh mục, nâng giá dự toán thiết bị, đảm bảo lợi nhuận cho AIC; Giới thiệu đơn vị tư vấn thẩm định giá, lấy báo giá cho đơn vị thẩm định để hợp thức giá dự toán theo giá đã thông đồng; Nâng khống với chủ đầu tư, bố trí "quân xanh” dự thầu, để Công ty Mopha (do bà Nhàn thành lập, điều hành) trúng 2 gói thầu, Công ty AIC trúng 1 gói thầu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 83 tỷ đồng tại 6 gói thầu.
Kết quả điều tra xác định, để Công ty AIC và các Công ty do AIC chỉ định được trúng thầu, bà Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với ông Dương Hoa Xô về việc tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu và sẽ chi tiền cám ơn ông này.
Sau khi trúng thầu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Phó TGĐ AIC và Trưởng đại diện Công ty AIC tại TP HCM đưa tiền cho ông Dương Hoa Xô và những người khác.
Theo chỉ đạo của bà Nhàn, ông Trần Đăng Tấn đã trực tiếp đưa tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Dương Hoa Xô 4 lần, tổng cộng 8 tỷ đồng.
Đến nay, ngoài bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tuấn đều đang bỏ trốn, đang bị truy nã. Nhưng CQĐT cho rằng, từ những tài liệu thu thập được, cùng với lời khai của những người liên quan, trong đó có lời khai của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bà Nhàn cùng cấp dưới.
Bản án sơ thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt bà Nhàn 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 14 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt bà Nhàn 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng hợp hình phạt 2 bản án mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang phải chịu là 30 năm tù. Bị can hiện vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
(Theo Vietnamnet)