Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1) đã ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Che giấu tội phạm xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2 vụ "đại án” chuyến bay giải cứu, VKSND tối cao truy tố cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Trần Tùng về hai tội: "Nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, vào khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (bị can giai đoạn 1 vụ án) liên hệ với ông Nguyễn Đình Việt (Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại Thái Nguyên, ông Việt cho ông Nam số điện thoại của Trần Tùng để ông Nam liên hệ.
Qua trao đổi, Trần Tùng cho biết đang cách ly cho chuyên gia nước ngoài, khi nào có khách sạn trống sẽ thông báo cho ông Nam biết. Đầu tháng 3/2021, Trần Tùng chủ động gọi điện cho ông Vũ Hồng Nam thông báo đã có địa điểm cách ly và đề nghị ông Nam gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên.
Trước khi gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Nam đã giới thiệu và cho Lê Văn Nghĩa (bị can giai đoạn 1 vụ án, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh, viết tắt là Công ty Nhật Minh) số điện thoại của Tùng để Nghĩa liên hệ thủ tục xin cách ly cho công dân ở tỉnh Thái Nguyên.
Lê Văn Nghĩa gọi điện thoại liên hệ với Trần Tùng đặt vấn đề cho Công ty Nhật Minh của Nghĩa được tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại Thái Nguyên.
Trần Tùng hẹn gặp Nghĩa tại nhà hàng ở thành phố Thái Nguyên. Tại cuộc gặp này, Trần Tùng yêu cầu Nghĩa trao đổi để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có văn bản gửi tỉnh Thái Nguyên xin chủ trương cách ly (do tỉnh Thái Nguyên không giải quyết đề nghị xin cách ly của doanh nghiệp), còn lại Tùng sẽ lo mọi thủ tục để UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly.
Đồng thời, Trần Tùng yêu cầu Nghĩa cho Công ty Sen vàng Đất Việt do Trần Thị Quyên làm Giám đốc thực hiện việc cách ly với chi phí trọn gói là 18 triệu đồng/1 khách (gồm chi phí khách sạn, ăn ở, chi phí test Covid, xe vận chuyển, chi phí khác như việc xin văn bản chấp thuận cách ly được thuận lợi), nhưng khi ký hợp đồng với Công ty Sen vàng Đất Việt chỉ thể hiện từ 10-12 triệu đồng/1 khách cách ly, số tiền chênh lệch từ 6-8 triệu đồng còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên để chuyển lại cho Tùng.
Do chi phí trọn gói (trong đó có việc chi phí xin văn bản chấp thuận) mà Tùng đưa ra quá cao nên Nghĩa xin giảm nhưng không được Tùng đồng ý nên buộc Nghĩa phải đồng ý theo yêu cầu của Tùng.
Sau khi thỏa thuận xong với Lê Văn Nghĩa, Trần Tùng gọi điện để Trần Thị Quyên đến gặp Nghĩa cùng trao đổi về việc tổ chức cách ly. Tại cuộc gặp này, cả 3 cùng thống nhất về việc Quyên lo trọn gói các thủ tục cách ly cho khách tại Thái Nguyên (gồm khách sạn, ăn uống, đi lại, test Covid…); Nghĩa sẽ chuyển toàn bộ tiền trong hợp đồng và ngoài hợp đồng như thỏa thuận nêu trên cho Quyên.
Nghĩa sẽ trao đổi để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận công dân từ Nhật Bản về nước được cách ly.
Kết quả Công ty Nhật Minh đã được tổ chức 3 chuyến bay, đưa tổng số 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Quá trình tổ chức thực hiện 3 chuyến bay, theo thỏa thuận, Lê Văn Nghĩa đã chuyển tổng cộng hơn 11 tỉ đồng cho Trần Thị Quyên (trong đó, chuyển theo 3 hợp đồng đã ký với Quyên là hơn 6,6 tỉ đồng; chuyển ngoài hợp đồng vào tài khoản cá nhân của Quyên và tài khoản do Quyên chỉ định là hơn 4,4 tỉ đồng).
Theo chỉ đạo của Tùng, sau khi Trần Thị Quyên nhận được tiền từ Lê Văn Nghĩa, đã chuyển cho Tùng hơn 2,4 tỉ đồng thông qua tài khoản ngân hàng của em Tùng và bạn Tùng; chuyển hơn 1,9 tỉ đồng cho một số cá nhân và sử dụng phục vụ cách ly.
Khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án giai đoạn 1, Trần Tùng đã nhờ em trai là Trần Quyết chuyển hơn 1,2 tỉ đồng để Quyên hợp thức việc để tiền ngoài hợp đồng với lý do nộp tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên.
Như vậy, Trần Tùng đã nhận hối lộ 3 lần của ông Lê Văn Nghĩa qua Trần Thị Quyên, tổng cộng hơn 4,4 tỉ đồng; Trần Thị Quyên đã giúp sức cho bị can Trần Tùng thỏa thuận, nhận hối lộ giúp Trần Tùng hơn 4,4 tỉ đồng từ Lê Văn Nghĩa, chuyển số tiền hơn 2,4 tỉ đồng cho Trần Tùng, hưởng lợi 300 triệu đồng khi tổ chức cách ly cho công dân theo đề nghị của Trần Tùng.
Quá trình điều tra, bị can Trần Tùng và gia đình đã nộp 700 triệu đồng và bị can Trần Thị Quyên đã nộp 160 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Cáo trạng của VKSND tối cao cũng làm rõ, hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Trần Tùng.
Vì động cơ vụ lợi, bị can Trần Tùng lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỉ trong việc thực hiện 7 chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện 7 chuyến bay, các đối tượng chuyển tiền cho cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Trần Tùng thông qua người thân, vợ của bị can. Cụ thể, bà Bùi Thị Kim Phụng (Đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản) nhờ chị gái chuyển 1,4 tỉ đồng cho Trần Tùng (qua tài khoản của em trai là Trần Quyết); Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt) đã chuyển cho Trần Tùng hơn 1,6 tỉ đồng (qua tài khoản của Trần Quyết và Dương Thị Hà là vợ Trần Tùng).
(Theo Bảo vệ pháp luật)