Theo số liệu của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 16.000 vụ lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều đáng báo động là các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó nhận diện, nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau từ học sinh, sinh viên đến người cao tuổi.
Những hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng, bao gồm: lừa đảo tài chính qua các giao dịch trực tuyến (lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo giả mạo doanh nghiệp uy tín để rao bán hàng hóa với mức giá hấp dẫn. Khi nạn nhân chuyển tiền, chúng lập tức cắt đứt liên lạc hoặc gửi hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nhiều người còn bị lừa khi tham gia các ứng dụng đầu tư, tài chính với cam kết lợi nhuận cao nhưng thực chất chỉ là những mô hình đa cấp trá hình); mạo danh cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm soát gọi điện thông báo nạn nhân có liên quan đến các vụ án hình sự hoặc rửa tiền.
Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền để "xác minh" và từ đó chiếm đoạt tài sản; lừa đảo qua email, tin nhắn giả mạo (các đối tượng lừa đảo thường gửi email hoặc tin nhắn giả danh ngân hàng, các tổ chức tài chính thông báo tài khoản bị khóa, yêu cầu đăng nhập vào đường link giả mạo để cập nhật thông tin.
Khi nạn nhân nhập thông tin cá nhân, chúng sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp); lừa đảo việc làm online (nhiều người bị dụ dỗ bởi những lời mời làm việc nhẹ nhàng, thu nhập cao trên mạng. Tuy nhiên, để bắt đầu công việc, họ được yêu cầu đóng phí tham gia hoặc đặt cọc một khoản tiền. Khi đã nộp tiền, họ không nhận được việc làm như cam kết và cũng không thể liên hệ với bên tuyển dụng giả mạo)…
Chị Nguyễn Thị Hằng - người dân tổ 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi thấy một trang Facebook bán hàng giảm giá sốc, liền đặt cọc mua một chiếc điện thoại. Khi nhận hàng thì đó chỉ là một chiếc điện thoại đồ chơi. Tôi gọi lại số điện thoại người bán nhưng không thể liên lạc được”.
Theo thống kê, có đến 60% số vụ lừa đảo thương mại điện tử xuất phát từ các nền tảng mạng xã hội và nạn nhân chủ yếu là người lao động tự do, người trung tuổi và cao tuổi, người đã nghỉ hưu.
Đề phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan công an khuyến cáo mọi người cần nâng cao nhận thức và cảnh giác. Người dùng mạng cần tỉnh táo trước những lời đề nghị hấp dẫn trên mạng.
Không nên tin tưởng tuyệt đối vào các quảng cáo, tin nhắn, cuộc gọi không rõ nguồn gốc; phải biết bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả những người tự nhận là nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan chức năng; xác minh thông tin trước khi thực hiện giao dịch, trước khi mua hàng hoặc đầu tư tài chính, người dùng nên kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp, đọc đánh giá từ những người mua trước để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
Khi phát hiện các hành vi đáng ngờ, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng hoặc các nền tảng mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn và xử lý. Năm 2023 đã có hơn 10.000 tài khoản mạng xã hội lừa đảo bị chặn hoặc xóa bỏ.
Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng trở nên tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và an toàn thông tin cá nhân của người dùng. Để bảo vệ bản thân, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức về an toàn mạng, nâng cao cảnh giác và chủ động kiểm tra thông tin trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Chỉ khi chúng ta nâng cao nhận thức thì mới có thể tạo ra một môi trường mạng an toàn, minh bạch và đáng tin cậy.
Hồng Oanh