Xử nghiêm vụ cúng bánh giầy giỗ Tổ kém chất lượng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2008 | 12:00:00 AM

Chiều 17/4, trong phiên họp thường kỳ của Thường trực Thành ủy TPHCM, lãnh đạo Thành ủy đã nghe báo cáo về dư luận báo chí đã đăng tải vụ TPHCM dâng tiến bánh giầy khổng lồ kém chất lượng về Đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương.

Mút xốp được lấy ra trong bánh giầy.
Mút xốp được lấy ra trong bánh giầy.

Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã giao cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Công ty Du lịch Phú Thọ và Công viên Văn hóa Đầm Sen khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị, làm lễ vật và vận chuyển ra Phú Thọ để rút kinh nghiệm. Nếu đơn vị làm ra chiếc bánh giầy này có sai phạm phải xử lý nghiêm.

 

Dư luận hết sức bất ngờ và bức xúc trước thông tin chiếc bánh giầy kỷ lục-trong cặp bánh chưng, bánh giầy là lễ vật đặc biệt của nhân dân TPHCM mang ra Phú Thọ cung tiến giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, khi xẻ ra thì toàn là bột và mút xốp. Báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen, đơn vị thực hiện cặp bánh, xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen - TPHCM, đơn vị làm ra hai chiếc bánh chưng, bánh giầy khổng lồ, khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ dám có hành vi lừa đảo như vậy”.  
 

  

Ông giải thích thế nào về việc chiếc bánh giầy cung tiến giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được làm bằng bột và mút xốp?

 

Trên thực tế, việc sử dụng mút xốp là để tạo hình dáng ban đầu, sau đó đắp bột nếp lên xung quanh để tạo thành bánh giầy. Chúng tôi đã có thông báo với Ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ rằng bánh chỉ mang tính tượng trưng, không nên cắt chia cho du khách thưởng thức vì đó chỉ là một khối bột nếp, muốn làm khổng lồ thì phải có khung mút xốp bên trong.

 

Dù sao thì lễ vật dâng tế ngày giỗ Quốc Tổ cũng không nên làm giả như thế. Việc chăm chăm làm bánh giầy, bánh chưng khổng lồ phải chăng chỉ nhắm đến việc quảng cáo cho thương hiệu Công viên Văn hóa Đầm Sen?

 

Bánh chưng bị vữa và lên men vì thời tiết quá nóng, lại vận chuyển xa. Bánh giầy sở dĩ làm khổng lồ vì muốn chiều cao của bánh 1,8 m, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Khi kích thước tăng thì số lượng bột nếp cũng phải tăng, ước tính hơn 500 kg. Khi làm, chúng tôi cũng đã tính đến thời tiết, do đó đã có thông báo với Ban Tổ chức không nên cắt chia cho du khách. Kích cỡ và số lượng nếp, bột của hai chiếc bánh bắt buộc phải lớn nhằm mang tinh thần tôn vinh truyền thống ngày giỗ Quốc Tổ, chứ chúng tôi không nhằm khai thác lễ vật này để quảng bá thương hiệu. Chúng tôi càng không nghĩ sẽ lập kỷ lục gì qua công việc mang ý nghĩa truyền thống hướng về cội nguồn dân tộc này.


Nếu nói Đầm Sen mong muốn hướng về cội nguồn dân tộc thì liệu có thể xem sự cố này là sự sơ suất?

 

Chúng tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc. Thông tin về sự cố này làm cho chúng tôi rất buồn. Bởi nhiều năm qua, Công viên Văn hóa Đầm Sen luôn nỗ lực góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc. Chúng tôi không bao giờ dám có hành vi lừa đảo như vậy. Hãy chia sẻ khó khăn với chúng tôi vì để có được chiếc bánh giầy phải cần có khuôn mút xốp để đắp bột lên và bánh giầy chỉ mang tính tượng trưng, không cắt ăn được. Dù sao sự việc đã xảy ra và chúng tôi xin nhận khuyết điểm.

 

Ngày 18/4: Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan

 

Xung quanh vụ bánh giầy của Công viên Văn hóa Đầm Sen đem ra Đền Hùng nhân giỗ Quốc Tổ làm bằng bột và mút xốp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận đây là một sự cố đáng tiếc, không ai mong muốn xảy ra. Bà Hà cho biết, sáng nay (18/4), bà sẽ làm việc với Sở Du lịch, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch Phú Thọ và Ban Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Khi có kết luận xử lý trách nhiệm, UBND TP sẽ công khai cho báo chí và người dân được biết.


(Theo VnMedia)

Các tin khác

Ngày 17.4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Bùi Đức Hậu (con của Phó Bí thư huyện Thủ Thừa, Long An) về hành vi chống người thi hành công vụ, đã bất ngờ bị hoãn lại vô thời hạn.

Tin từ Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội cho biết: VKS đã nhận được bản Cáo trạng số 08/VKSTC-V1A của VKSND Tối cao truy tố Bùi Tiến Dũng và 5 đồng phạm về các tội: tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Công ty của Hùng không hoạt động mà chỉ mua bán hóa đơn GTGT. Từ tháng 10/2002 đến tháng 5/2003, Hùng và đồng bọn đã xuất 95 tờ hóa đơn GTGT khống, không có hàng hóa với doanh số hơn 14,1 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT hơn 1 tỷ đồng.

Ông Huy (thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên) trình báo điện thoại của ông luôn bị một số máy quấy nhiễu bằng cách nhá máy. Sau đó, vị thẩm phán nhận được tin nhắn với nội dung đe dọa đến tính mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục