Ra hồ Thác Bà nghe chuyện... đi cai

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chiếc thuyền máy rẽ sóng trên hồ Thác Bà đưa chúng tôi ra Trung tâm Cai nghiện. Hồ nước trong xanh trải dài mát rượi, nhưng không đủ làm dịu đi cái nắng thiêu đốt giữa hè. Mọc lên giữa biển hồ, xa xa hiện ra trước mắt tôi là 2 khu chữa trị của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mà mọi người quen gọi là Trung tâm Cai nghiện.

Sau khi cắt cơn nghiện, các học viên được lao động theo sở trường của từng người tại Khu B của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Sau khi cắt cơn nghiện, các học viên được lao động theo sở trường của từng người tại Khu B của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

Trung tâm có 3 khu, nhưng chỉ có khu A và khu B với diện tích gần 20 ha ở đây dành cho những người cắt cơn nghiện và lao động sản xuất. Trong câu chuyện của ông Quảng, người chạy thuyền chở khách trên hồ Thác Bà, thì đã 14 năm nay ông làm một thứ nghề thầm lặng là đưa những cuộc đời lầm lỗi đi cai tại Trung tâm. Trong số đó, có người đã thành công sau khi đoạn tuyệt với ma tuý, nhưng cũng có người đã trở lại nhiều lần. Và cũng chính mắt ông cũng chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của bệnh nhân nghiện nhiễm HIV/AIDS.

Hai lần "dứt cơn mê", ba lần lại nghiện hút

Có mặt tại khu B hơn 9 giờ sáng, người tôi gặp đầu tiên là anh Đoàn Văn Lương, cán bộ quản lý giáo dục của Trung tâm. Anh kể: Khu B là nơi dành cho những người nghiện đã cắt cơn để chuyển sang lao động sản xuất. Tính đến ngày 7/7/2008, cả Trung tâm có trên 350 học viên, trong đó khu B có 134 người. Vào thời điểm này những năm trước thì khu B có khoảng 200 học viên. Ở đây phần lớn là những đối tượng cai nghiện bắt buộc, số cai nghiện tự nguyện cũng có nhưng không đáng kể.

Qua câu chuyện với những cán bộ quản lý giáo dục nơi đây, được biết có đến hàng trăm lý do mà những người nghiện đưa ra mà lý do nào cũng đáng thương, đáng tội. Đối tượng nghiện đủ mọi thành phần: già có, trẻ có, cán bộ có, dân thường có và cả những người là dân tộc thiểu số. Khi được hỏi có học viên nữ nào nghiện ma tuý phải vào đây cai nghiện, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Lâm Ngọc khẳng định: "Chưa có". “Vậy còn những người vào Trung tâm Cai nghiện như... đi chợ thì sao?”

 - "Ôi! Nhiều đấy anh ạ".

 Lê Bá Lượng, đối tượng nghiện đã hai lần "dứt cơn mê" nhưng ba lần nghiện  lại và lần gần đây nhất là năm 2007 phải đi cai tập trung. Lượng chưa phải là người có thâm niên cai cao nhất, nhưng cũng là một điển hình trong việc đã cai nghiện thành công nhưng khi trở về địa phương lại tái nghiện. Dáng người mảnh dẻ, tuổi đời đã ngoại ngũ tuần nhưng với trách nhiệm trụ cột gia đình, anh đã không làm nổi bởi bén duyên "nàng tiên nâu" không dứt ra được.

Ngồi tâm sự với tôi, anh đọc vanh vách những năm tháng vinh quang của cuộc đời xen lẫn những ngày buồn bi đát: Năm 1975, anh đã từng là một chiến sĩ công an, năm 1981 chuyển sang làm cán bộ thuế và công tác trên huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, đến năm 1997 thì về nghỉ theo chế độ 176. Những năm tháng công tác ở vùng cao, anh đã mắc nghiện và phải đi cai bắt buộc lần đầu vào năm 1997-1998, lần thứ hai là năm 2003-2004 và lần này có thời gian lâu hơn, 2007-2009.

Còn với chàng trai trẻ Hà Tiến Thanh năm nay vừa tròn 28 tuổi thì không ai nghĩ Thanh đã 2 lần phải vào đây. Sống trong một gia đình khá giả, nhà làm kinh doanh tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nên Thanh luôn được chiều chuộng, học hành đến nơi, đến chốn với tấm bằng tốt nghiệp THPT. Sau lần vướng vào ma tuý, Thanh đã phải đi cai nghiện tập trung. Khi được hỏi về những lỗi lầm của cuộc đời, mắt Thanh đỏ hoe, nhỏ lệ: "Năm 2003-2004, em mắc nghiện phải đi cai tập trung tại Trung tâm. Sau khi cai nghiện trở về gia đình, em cưới vợ và đã có một cháu trai kháu khỉnh. Cuộc sống nơi phố phường đô hội với bao cám dỗ, khi trở về gia đình em luôn bị hàng xóm xa lánh, xã hội kỳ thị nên đã tái nghiện và vào đây lần thứ 2 từ tháng 5-2008".

Hạnh phúc hiếm hoi, trở trăn còn đó

Trong vô số những người đi cai nghiện ở Trung tâm, hạnh phúc nhất là anh Lại Xuân Bính và anh Dương Tiến Hồng ở thành phố Yên Bái. Bởi trong những lần chăm sóc cắt cơn, 2 anh đã may mắn được y tá Vũ Thị Hồng Vi và y tá Trương Kim Hiền “để mắt” đến mà sau này họ đã kết duyên nên vợ, nên chồng. Ngồi bên bàn trà ngắm mặt hồ Thác Bà tĩnh lặng, chị Hiền (nay là vợ anh Dương Tiến Hồng) tâm sự: Năm 1992 chị nhận công tác tại Trung tâm với nhiệm vụ hàng ngày chăm sóc cắt cơn cho các đối tượng nghiện hút. Năm 1993, khi đó, Hồng là đối tượng nghiện hút phải đi cai nghiện tập trung, những lúc thấy anh lên cơn vật vã vì thèm thuốc, chị thương lắm.

Nhờ có sự chăm sóc tận tình chu đáo của chị Hiền mà anh Hồng đã đoạn tuyệt với ma tuý. Năm 1996, anh chị xây dựng gia đình riêng, cả Trung tâm vui như mở hội và mừng cho đôi uyên ương xứng đôi vừa ý. Hạnh phúc nhất bây giờ đối với chị Hiền là được chăm sóc, cứu chữa cho những người đã một thời lầm lỗi đoạn tuyệt được với ma tuý để trở về sống hạnh phúc cùng gia đình và người thân. Bây giờ, trừ những ngày làm việc tại Trung tâm, mỗi tuần chị được về nhà hai lần để vui vầy cùng gia đình, chăm sóc chồng cùng đứa con đầu lòng năm nay đã 12 tuổi.

Song không phải ai cũng có được may mắn ấy. Hiện tại, số người nghiện ma tuý trên địa bàn Yên Bái mỗi ngày một tăng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi lao động, thanh thiếu niên. Được biết, hiện nay trên địa bàn Yên Bái có 2.331 người nghiện; trong đó, số trong Trung tâm Cai nghiện của tỉnh có 356 người, số trong trại tạm giam có 127 người và số ngoài xã hội là 1.848 người có hồ sơ kiểm soát, nhưng con số thực tế phải gấp 3 lần. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn rất nhiều bất cập dẫn đến tỷ lệ tái nghiện còn rất cao. Đặc biệt, số người nghiện bị nhiễm HIV/AIDS chiếm trên 50% số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh và là nguyên nhân của trên 60% số vụ phạm pháp hình sự như trộm cắp, cướp giật... Đau xót hơn cả là trong số 67 cán bộ quản lý giáo dục của Trung tâm Cai nghiện hàng ngày chăm sóc, chữa trị cho các học viên đã có 4 người bị phơi nhiễm HIV do chính những bệnh nhân của mình gây ra.

Để kiềm chế và đẩy lùi tệ nạn ma tuý, HIV/AIDS, tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma tuý, phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh giảm từ 20% đến 30% số người nghiện ma tuý so với năm 2001; 80% số xã, phường, thị trấn và 100% các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang trên địa bàn không có người nghiện và tội phạm ma tuý.

Nhưng phải làm như thế nào để những con số ấy trở thành hiện thực?

Rời Trung tâm Cai nghiện, lòng tôi nặng trĩu bao điều trăn trở, đặc biệt là khi chứng kiến cảnh bệnh nhân Mai Đức Kiên đang rên rỉ với vết đau bầm tím, sưng tướng trên bắp đùi, biểu hiện của căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Ngoài kia, chiếc thuyền của ông Quảng vẫn cắm neo nằm sát bãi cỏ bình yên nhưng xa hơn chút nữa, biết bao số phận vẫn ngóng chờ ngày đoàn tụ và đoạn tuyệt được với ma tuý.

Thái Bình

Các tin khác

Ngày 20-8, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an TPHCM cho biết, Đội 4 của cơ quan này vừa triệt phá một băng trộm xe container chở lô hàng điện tử số lượng lớn. Cơ quan công an tạm giữ 8 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng bị bắt khẩn cấp là Huỳnh Quốc Vinh và Cao Văn Sang.

Khách sạn Minh Phụng nơi phát hiện vụ việc

Một người đàn ông Hàn Quốc và Đài Loan đang chuẩn bị "coi mắt" các cô gái Việt do hai vợ chồng Văn - Hạnh tổ chức thì cảnh sát ập vào. Thấy "động" hai cặp vợ chồng này nhanh chân trốn thoát.

Liên quan đến vụ án giết người, cướp tài sản tại khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) vào tối 1/7/2008, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn tất hồ sơ, đề nghị VKS truy tố 3 bị can.

Rượu giả đóng chai đang chờ tung ra thị trường.

Ngày 18/8, Đội quản lý thị trường Tân Phú - TP.HCM cho biết, vừa phát hiện một ổ rượu ngoại giả với 700 chai, 50.000 nắp chai và hơn 200kg nhãn mác rượu ngoại các loại. Cùng thời điểm, lực lượng này còn phát hiện một nơi sản xuất bao bì rượu giả trên cùng địa bàn quận Tân Phú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục