Ngành toà án Yên Bái: Không bỏ lọt tội phạm
- Cập nhật: Thứ năm, 21/1/2010 | 9:51:36 AM
YBĐT - Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, toàn ngành toà án tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác xét xử.
Kết quả xét xử và giải quyết các loại án đều vượt chỉ tiêu thi đua của ngành từ 8 - 10%. Chất lượng xét xử được nâng cao, việc tranh tụng tại phiên toà được thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp. Các bản án, quyết định của Toà án đều rõ ràng, dễ hiểu, có tính khả thi cao. Đặc biệt, không có án để quá hạn luật định; không có án xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Theo số liệu thống kê của toàn ngành, năm 2009, ngành toà án đã thụ lý 1.645 vụ án các loại; đã giải quyết 1.600 vụ đạt tỷ lệ giải quyết chung 97,3%. Trong đó, Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái thụ lý 188 vụ, giải quyết 187 vụ đạt tỷ lệ 99,5%; các toàn án nhân dân cấp huyện thụ lý 1.457 vụ, giải quyết 1.413 vụ đạt tỷ lệ 97%. Về án hình sự giảm 24 vụ so với năm 2008, tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn có diễn biến phức tạp, trong đó chiếm số lượng lớn vẫn là tội về chiếm đoạt tài sản với 163 vụ 254 bị cáo, chiếm 36,7%; các tội về ma tuý 177 vụ 320 bị cáo, chiếm 39,8%.
Đối tượng phạm tội phần lớn ở độ tuổi 18 - 30 với 213 bị cáo, chiếm 26,1%; số bị cáo là người dân tộc thiểu số 212 bị cáo, bằng 26%; là người nghiện ma tuý 143 bị cáo, chiếm 17,5%; là người chưa thành niên 35 bị cáo, bằng 4,2%... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội của các bị cáo, song đối tượng phạm tội là người dân tộc thiểu số và những người trẻ tuổi chiếm số lượng lớn và có chiều hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề được đặt ra đối với tỉnh.
Trong đó cấp thiết nhất là việc nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt từ trong các gia đình, nhà trường, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... để hạn chế thấp nhất những vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết, vì sự nông nổi bồng bột nhất thời của những người trẻ...
Chất lượng công tác xét xử án hình sự, tranh tụng tại phiên toà được nâng lên. Hình phạt được áp dụng đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo. Các trường hợp phạt tù nhưng cho hưởng án treo đều đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật, phần lớn là các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội do vô ý như: “Trộm cắp tài sản”, “Đánh bạc”, “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Những trường hợp này khi có Nghị quyết 33 của ủy ban Thường vụ Quốc hội phần lớn được xét miễn chấp hành hình phạt, xoá án tích hoặc ở cấp phúc thẩm thì tuyên bố không phạm tội, đình chỉ vụ án theo hướng dẫn. Trong năm, toàn ngành đã đẩy mạnh công tác xét xử lưu động, đưa ra xét xử lưu động tại địa bàn dân cư 92 vụ án. Trong đó, Toà án tỉnh xử lưu động 22 vụ, 53 bị cáo, các toà án cấp huyện xử 70 vụ.
Các vụ án được đưa ra xét xử đã triển khai kịp thời vào các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm về buôn bán phụ nữ, trẻ em; về phòng, chống ma tuý, các vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy... Các vụ án được đưa ra xét xử tại địa bàn dân cư chính là những bài học pháp luật giá trị nhất giúp nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật thiết thực và hiệu quả trong nhân dân.
Về công tác giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, so với năm 2008 số lượng án tranh chấp dân sự giảm chủ yếu vẫn là các tranh chấp liên quan đến đất đai và các tranh chấp về hợp đồng vay, mua bán tài sản; bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Song án hôn nhân và gia đình lại tăng cao với 884 vụ tăng 149 vụ. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ ly hôn là do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập, ngược đãi, do nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình.
Giải quyết các loại án này mặc dù gặp nhiều khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ song ngành đã chú trọng thực hiện tốt công tác hoà giải vởi tỷ lệ hoà giải thành, công nhận sự thoả thuận của các đương sự là 40%. Chính vì thế, tổng số các vụ án hôn nhân và gia đình đã giải quyết không phải xét xử là 695 vụ, trong đó hoà giải đoàn tụ thành 25 vụ, đình chỉ 139 vụ; công nhận sự thoả thuận của các bên đương sự 531 vụ chiếm tỷ lệ 63,5%.
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cải cách tư pháp ngành toà án cần tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà; cùng với đó là sự quan tâm của Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho hệ thống các cơ quan toà án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; có chính sách thu hút đối với cán bộ của ngành công tác ở vùng sâu, vùng xa; đảm bảo chế độ tiền lương phù hợp cho cán bộ toà án cấp huyện khi đã tăng thẩm quyền xét xử; cũng như việc tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho công tác xét xử lưu động tại các địa phương nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ngọc Tú
Các tin khác
HĐXX đã tuyên phạt: Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, quản chế 5 năm tại địa phương nơi bị cáo cư trú; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, quản thúc 3 năm; Lê Công Định và Lê Thăng Long mỗi bị cáo 5 năm tù và quản thúc 3 năm.
Ngày 19-1, Toà án nhân dân tỉnh Lai Châu đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “Hờ A Cưa cùng đồng bọn” phạm tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”.
Trong các ngày 18 và 19-1, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã mở 3 phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo: Trần Đức Thạch, Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội cùng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Ngày hôm nay (20/1), TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên xử phúc thẩm vụ án hiệu trưởng mua dâm bởi cả 3 bị cáo đều có đơn kháng cáo.