Thể thao quần chúng ở Yên Bái: Niềm vui và trăn trở
- Cập nhật: Thứ hai, 4/1/2016 | 3:39:48 PM
YBĐT -Đến nay, Yên Bái đã có 29% dân số (215.000 người) trong tỉnh thường xuyên luyện tập thể thao, trong đó có 114.000 người đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Từ xã hội hóa, phong trào thể thao quần chúng đã phát triển mạnh. Ảnh: Thanh Miền
|
Phong trào thể thao ở Yên Bái còn có điều kiện để phát triển hơn nữa nếu mỗi người dân học tập tấm gương của Bác lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp.
Dù là tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng từ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết số 08 ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2020… mà sự nghiệp thể thao nói chung và phong trào thể thao quần chúng nói riêng của Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Những kết quả ấn tượng
Quảng trường, sân vận động, bờ hồ, sân nhà văn hóa của tổ dân phố, thôn bản… giờ là nơi luyện tập thể thao của đông đảo người dân.
Lựa chọn cho mình môn đi bộ buổi sáng hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Nguyệt - một người dân ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) cho biết: “Đi bộ rất tốt cho sức khỏe. Giờ đã thành thói quen, chúng tôi tích cực rèn luyện để giữ gìn sức khỏe, giảm bệnh tật, sống vui với con cháu”.
Còn anh Phạm Văn Hải, một thành viên Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá tâm sự: “Yêu thích bóng đá nên chúng em đã thành lập CLB theo tinh thần tự nguyện, mọi người tự đóng góp kinh phí thuê sân bãi để thi đấu. Từ khi tham gia, em thấy mình khỏe lên nhiều, công việc cũng tốt hơn”.
Điều đáng mừng không chỉ tại khu vực thành phố nơi tập trung đông dân cư, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà tại khu vực nông thôn, miền núi, phong trào luyện tập thể thao của người dân cũng phát triển khá mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó chủ tịch UBND xã Tân Đồng (Trấn Yên) - một xã vừa được công nhận nông thôn mới cho biết: "Hiện nay, thôn nào ở Tân Đồng cũng có đội bóng đá, cầu lông và bóng chuyền. Phong trào rất khá, mọi người thường xuyên luyện tập để rèn luyện sức khỏe".
Theo số liệu của ngành văn hóa-thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Yên Bái, đến nay đã có 29% dân số (215.000 người) trong tỉnh thường xuyên luyện tập thể thao, trong đó có 114.000 người đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; toàn tỉnh có 11% số hộ gia đình (21.390 hộ) đạt chuẩn gia đình thể thao. Hiện cả tỉnh có 500 CLB TDTT cơ sở, 5 Liên đoàn Thể thao cấp tỉnh và 58 Hội thể thao…
Cùng phong trào, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT cũng đã được quan tâm, đầu tư. Đến nay, các huyện, thị, thành phố đều có sân vận động, nhà tập thể thao đơn giản đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân.
Trong đó, cấp tỉnh đã có 3 nhà tập luyện và thi đấu, 2 sân vận động, 6 bể bơi, trên 20 sân quần vợt; hầu hết các cơ quan, đơn vị đều có sân cầu lông, bóng chuyền… Đặc biệt, qua xã hội hóa, nhiều cá nhân đã đầu tư xây dựng sân bóng đá nhân tạo, địa điểm tập thể hình, bể bơi... phục vụ nhu cầu các đối tượng.
Kết quả ấn tượng trên, theo ông Phạm Văn Dương - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL là do phong trào đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, với vai trò của mình, ngành VH-TT&DL đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phát động phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Qua đánh giá, dù khó khăn nhưng Yên Bái là tỉnh có phong trào thể thao xếp vào tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhiều môn thể thao truyền thống được duy trì thi đấu tại cơ sở.
Còn đó những trăn trở
Phong trào đã phát triển, tuy nhiên, như nhiều địa phương khác trong khu vực, thể thao quần chúng của Yên Bái phát triển chưa toàn diện, chất lượng chưa cao, mới tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi - đây chính là trăn trở của những người có trách nhiệm của thể thao tỉnh nhà.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, ở cấp tỉnh và huyện, nơi kinh tế - xã hội phát triển thì cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện, thi đấu tương đối hoàn thiện, tuy nhiên ở cấp xã, phường, nhất là các xã vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn cơ sở vật chất như sân bãi, nhà thi đấu để người dân có điều kiện luyện tập còn rất thiếu.
Về vấn đề này, ông Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Văn hóa huyện Lục Yên cho biết: “Nhiều xã tại Lục Yên chưa có sân bãi chuẩn để mọi người có chỗ luyện tập thể thao, đơn cử như các môn thể thao mang tính quần chúng như bóng đá, bóng chuyền, chứ chưa nói đến hệ thống nhà thi đấu. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho thể thao rất hạn hẹp. Đối với cấp huyện chỉ từ 90 - 100 triệu đồng/ năm; cấp xã trên dưới 2,5 triệu đồng/ năm. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, xã hội, cá nhân còn hạn chế nên tổ chức các hoạt động thể thao ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn”.
Cùng khó khăn về kinh phí, theo ông Phạm Văn Dương - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL, phong trào chưa phát triển còn có các nguyên nhân khác như: một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị, ban, ngành nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của TDTT trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, do đó công tác chỉ đạo, phối hợp còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất.
Dù đã được đẩy mạnh, nhưng công tác tuyên truyền để khơi dậy phong trào còn chưa thực sự sâu rộng dẫn đến sự ủng hộ đối với phong trào còn hạn chế; công tác tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT còn nhiều bất cập dẫn đến việc thu hút lực lượng vận động viên tham gia chưa nhiều…
Đưa phong trào thể thao quần chúng phát triển
Để phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển, nâng cao sức khỏe người dân, ông Phạm Văn Dương - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết các giải pháp của ngành VH-TT&DL trong thời gian tới là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với phương châm: Mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp, một hình thức tập luyện để rèn luyện nâng cao sức khỏe.
Theo ông Dương, năm 2016, ngành sẽ tiến hành tổng kết chương trình phối hợp với 24 ngành, đoàn thể cấp tỉnh và ký kết phối hợp giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp tổ chức 18 đến 20 giải cấp tỉnh; tổ chức tốt Ngày chạy Olimpic vào Ngày Thể thao Việt Nam (27/3) với mục tiêu thu hút 70 ngàn lượt người tham gia, trong đó quy mô cấp xã từ 500 - 1.000 người; cấp huyện 1.500 - 2.000 người; cấp tỉnh 5.000 người.
Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng với sự nghiệp phát triển TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thể thao…
Trên thực tế, thể thao thường gắn liền với điều kiện kinh tế - xã hội, nơi nào kinh tế phát triển, cơ sở vật chất đầy đủ, người dân có điều kiện kinh tế thì thể thao phát triển và ngược lại.
Điều này đúng nhưng chưa đủ. Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe.”
Từ câu nói của Bác để thấy rằng, phong trào thể thao ở Yên Bái còn có điều kiện để phát triển hơn nữa nếu mỗi người dân học tập tấm gương của Bác lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp.
Qua luyện tập, ai ai cũng có sức khỏe để lao động và học tập, góp phần vào mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
Đình Tứ
Các tin khác
Đội tuyển Futsal (bóng đá trong nhà) Việt Nam gồm 20 cầu thủ, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) trưởng Bruno Formoso Garcia đã tập trung tại TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho đợt tập huấn trong nước kéo dài 1 tháng trước khi bước vào Vòng chung kết Futsal Châu Á 2016.
Bảng xếp hạng cầu lông thế giới vừa được công bố cho thấy tay vợt Nguyễn Tiến Minh bước sang năm 2016 với vị trí 40 thế giới, kém 20 bậc so với cuối năm 2014.
Bộ Tư pháp và Cảnh sát Thụy Sĩ (FOJ) ngày 30/12 cho biết đã chuyển giao cho Mỹ gói tài liệu đầu tiên về vụ tham nhũng tại Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Sau 11 ván đấu, Nguyễn Anh Khôi vô địch bảng đấu dành cho nam với bảy điểm, Nguyễn Thị Mai Hưng vô địch bảng nữ với chín điểm.