Đây là một giải đấu nằm trong hệ thống chính thức của FAI (Hiệp hội các môn thể thao hàng không thế giới), được RASAT (Hiệp hội Các môn thể thao Hàng không Hoàng gia Thái Lan) tổ chức. Giải đấu quy tụ 36 vận động viên đến từ 11 quốc gia khác nhau.
Dù lượn Việt Nam vô địch một giải đấu quốc tế
Ở giải thi đấu ASEAN mở rộng 2019 lần này, các vận động viên (VĐV) thi đấu với nhau theo thể thức bay đường trường tính giờ.
Mỗi ngày thi, ban tổ chức sẽ ra một đề bài (gọi là "task”), gồm các toạ độ GPS cố định. Các VĐV phải lần lượt chạm vào các điểm đó rồi về đích. Thí sinh nào về được đích trong thời gian sớm nhất giành chiến thắng.
VĐV Trần Hoàng Kim đại diện Việt Nam hiện là HLV của CLB Hàng Không Phía Bắc (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân). Anh liên tục về đích trong top đầu của cả 4 ngày thi đấu (lần lượt ở vị trí #8, #3, #1, #9) và xuất sắc giành ngôi số 1 toàn đoàn, vượt qua nhiều huyền thoại dù lượn trong khu vực.
Vị trí số 2 thuộc về Lanbing Yan người Trung Quốc; số 3 là phi công Thái Lan Sarayut Chinpongsaturn. Đứng thứ 4 và thứ 5 là Oliver Thurnman (Thuỵ Điển) và Eemeli Aittokallio (Phần Lan).
Cả 4 VĐV này đều sử dụng các dù thi đấu 2-liners, với tốc độ tiến cao hơn nhiều so với dù Sigma 10 cấp độ C của HLV Trần Hoàng Kim. Thêm nữa, việc dù C chiến thắng các dù thi đấu kia trong một giải đua dù tốc độ là một việc hết sức hiếm có.
Thái Lan, Indonesia, Malaysia là các cường quốc về dù lượn ở khu vực, liên tục chia nhau tất cả các bộ huy chương môn này ở SEA Games.
Nước chủ nhà Thái Lan từng giành huy chương vàng ở đấu trường ASIAD. Có thể nói, giành vô địch giải Dù lượn ASEAN mở rộng 2019 là một chiến thắng có ý nghĩa lớn với dù lượn Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta thực hiện nó ngay trên sân nhà của Thái Lan, với đông đảo các vận động viên chủ nhà, thông thạo địa hình và khí tượng tại điểm thi đấu.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Trần Hoàng Kim vui mừng nói: "Đây không chỉ là một chiến thắng của cá nhân tôi, mà đó là chiến thắng của dù lượn Việt Nam…
Tinh thần chiến đấu của người Việt có lẽ là lý do khiến tôi giành được kết quả này. Người Việt chúng ta luôn luôn chiến đấu bất kể khó khăn và không bao giờ bỏ cuộc”.
Cánh dù Sigma 10 hạng C của Hoàng Kim
Theo HLV trẻ, một giải đấu thường kéo dài khoảng 5-7 ngày, với 5-7 đề bài khác nhau, VĐV nào có tổng điểm cao nhất sau tất cả các vòng sẽ giành chiến thắng chung cuộc.
Ở một số ngày thi đấu thăng hoa, bạn có thể về nhất chặng, nhưng ngay ngày hôm sau bạn có thể mất độ cao sớm, không về được đích và xếp ở top sau. Tính ổn định và lỳ lợm là quan trọng nhất trong một cuộc đua nhiều ngày.
"Trong quá trình thi đấu, liên tục sẽ có những khoảnh khắc không thuận lợi, cả thế giới chống lại bạn, tinh thần và tâm lý thi đấu rất dễ bị ảnh hưởng. Một phi công giỏi là một người đủ bản lĩnh để tiếp tục chiến đấu và thi đấu”, anh nhấn mạnh.
Hoàng Kim chia sẻ, ở giải đấu này, có rất nhiều lần anh cảm thấy tâm lý bị thách thức. Trong đó tệ nhất là ở ngày thi đấu cuối, khi mà anh và Sarayut đang bám đuổi nhau sát nút, Kim bị kẹt với độ cao thấp ở một khu vực đầm lầy với lực nâng rất yếu, còn Sarayut thì ung dung vượt qua trên cao.
Ở tình huống đó, nếu nôn nóng mất bình tĩnh mà tăng tốc đuổi theo ở độ cao thấp, anh sẽ càng làm tình hình xấu đi. Cách tốt nhất là phải tiếp tục bay chậm lại, lấy độ cao, chấp nhận cho đối thủ vượt lúc đó rồi tìm cách gỡ hoà sau.
Các thí sinh nhận đề bài và nạp toạ độ vào thiết bị dẫn đường
Một chiến thắng khiến cộng đồng dù thế giới nể phục
Nếu như ở các chuyến bay tự do, cấp độ dù không quá quan trọng thì ở môi trường thi đấu, cấp độ dù tác động rất lớn đến kết quả thi. Dù cấp độ cao vừa có tốc độ cao hơn, mà vừa có tỷ số lượn tốt hơn.
Cùng đi một quãng đường, dù cấp độ thấp sẽ tốn nhiều độ cao hơn, phải dành nhiều thời gian lấy độ cao hơn, chưa kể là rủi ro phải hạ cánh cao hơn.
Vì lý do an toàn, đại diện Việt Nam Trần Hoàng Kim chọn cho mình một cánh dù cấp độ C, thấp hơn 3 cấp so với tất cả các đối thủ trong top 5.
Chiến thuật thi đấu với dù C cũng phải khác rất nhiều. Dù C luôn phải cố đi về phía trước đoàn (vì nếu đã ở sau, cánh dù C đó không còn giá trị thị giác với đoàn và đoàn sẽ bay tối đa tốc độ và mãi mãi vượt qua).
Trần Hoàng Kim dẫn đầu bảng tổng sắp chung cuộc của giải thi đấu.
Một khi dù C ở phía trước đoàn đua, các dù sau thường chọn phương án bay chậm lại phía sau và quan sát. Dù C phía trước phải một mình lục lọi tìm lực nâng, và một khi tìm được, cả đoàn đua sẽ ập thẳng đến đó một cách rất hiệu suất và cùng leo cao.
Lúc này, để tiếp tục dẫn đoàn, dù C ở thấp hơn phải có kỹ năng lấy độ cao tốt hơn đoàn đua kia thì mới bắt kịp được độ cao và có cơ hội tiếp tục dẫn đoàn.
Việc một cánh dù C chiến thắng ở một giải đua tốc độ là một điều rất hiếm gặp. Nhiều phi công nước ngoài cũng đánh giá đây là một thành tích rất đáng nể phục.
Chàng HLV trẻ chia sẻ: "Trái với suy nghĩ của nhiều người, môn dù lượn thiên về chiến thuật hơn là sức mạnh thể chất. Để có được một chuyến bay xa và tốc độ, phi công phải quan sát, phán đoán, tính toán, và đưa ra cách bay phù hợp nhất để tối ưu hiệu suất đường bay: bay hướng nào, bay với tốc độ nào, khi nào nên chờ, khi nào nên tốc lực, khi nào nên giảm độ cao, đến độ cao nào thì bỏ lực nâng để "lượn”.
Các lực nâng trong thiên nhiên đều vô hình, do đó người phi công phải đưa ra các phán đoán dựa trên các manh mối gián tiếp, ví dụ như mây, chim, địa hình mặt đất...”.
Kim và đoàn VĐV Việt Nam tham dự giải Dù lượn ASEAN mở rộng 2019 tại Thái Lan.
Chiến thắng ở một giải thi đấu thuộc hệ thống FAI, Trần Hoàng Kim đang nắm cơ hội rất lớn để hướng tới đấu trường World Cup. Được đại diện và chiến đấu cho màu cờ sắc áo Việt Nam là điều anh hết sức mong mỏi và đam mê.
Năm 2020, chúng ta sẽ cùng chứng kiến tinh thần chiến đấu ấy trên đấu trường cao nhất của môn dù lượn.
(Theo Dân Trí)