Toàn tỉnh hiện có 442 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với trên 234.000 học sinh, sinh viên. Đến nay, cơ sở vật chất phục vụ GDTC và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ việc dạy học giáo dục thể chất trong các nhà trường đã được đầu tư, nâng cấp hoạt động hiệu quả với trên 180 sân chơi, sân tập luyện TDTT và hơn 200 phòng học GDTC, nhà tập đa năng. 100% trường học đều thành lập từ 2 câu lạc bộ (CLB) thể thao trở lên với các môn chủ yếu như: Bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, võ Vovinam... góp phần huy động tối đa học sinh có năng khiếu, yêu thích từng môn thể thao tham gia và tăng cường tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa, tổ chức thi đấu giữa các khối, lớp, các cụm trường vào dịp kỷ niệm ngày lễ, chủ điểm của năm học, hoạt động Đoàn, Đội…
Chương trình môn học GDTC đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng và duy trì thói quen tập luyện TDTT thường xuyên cho học sinh. Ngoài chương trình GDTC chính khóa, nhiều trường mầm non, phổ thông đã đổi mới hoạt động thể dục giữa giờ, đưa các điệu nhảy, bài dân vũ trên nền nhạc vào bài tập làm cho không khí luyện tập sinh động và thu hút hơn, giờ tập không còn nhàm chán với những động tác truyền thống theo tiếng trống mà trở thành khoảng thời gian mong đợi của nhiều học sinh. Tổ chức tập thể dục giữa giờ đã trở thành nền nếp, thường xuyên trong trường học.
Tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái các giờ học GDTC chính khóa được giảng dạy và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhiều nội dung tập luyện các môn đá cầu, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông được đưa vào các giờ học ngoại khóa góp phần tạo sân chơi thể thao sôi nổi, hấp dẫn cho học sinh toàn trường, thúc đẩy phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức nhiều giải thể thao vào dịp kỷ niệm các ngày lễ như: Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)… để giáo viên, học sinh giao lưu, nâng cao sức khỏe, đồng thời khuyến khích mọi người lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp tập luyện thường xuyên, nâng cao sức khỏe…
Em Lê Anh Tuấn - lớp 10A1 chia sẻ: "Sau giờ học trên lớp, em và các bạn tham gia môn cầu lông. Việc thường xuyên rèn luyện thể thao giúp em có cơ thể khỏe mạnh và học tập tốt”. Thầy giáo Ma Đình Khải – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: "Việc rèn luyện TDTT không chỉ nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất mà góp phần rèn luyện ý chí, kỷ luật, tạo lối sống lành mạnh cho học sinh. Nhà trường tiếp tục duy trì hiệu quả câu lạc bộ thể thao và khuyến khích mỗi học sinh lựa chọn một môn thể thao phù hợp tham gia luyện tập thường xuyên".
Một số trường học ở các huyện vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải tuy điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, công tác xã hội hóa giáo dục cho hoạt động TDTT khó khăn dẫn đến sân chơi, bãi tập chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng đã phát huy thế mạnh duy trì luyện tập những môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co... và giành kết quả cao khi tham gia các giải đấu cấp tỉnh có thi đấu môn thể thao dân tộc.
Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Giáo dục thể chất đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hoạt động TDTT học đường góp phần rèn luyện sức khỏe dẻo dai xây dựng lối sống lành mạnh cho học sinh. Để duy trì phát triển và nâng cao chất lượng phong trào thể thao học đường, hàng năm Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hội thao, giải thể thao cấp tỉnh cho lứa tuổi học sinh như: Giải Bóng đá nhi đồng, Giải Vô địch điền kinh, võ Vovinam, võ Karate, Hội khỏe Phù Đổng… Qua đó, giúp học sinh nâng cao thể lực và phát triển toàn diện cả về "đức, trí, thể, mỹ”. Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia”.
Đặc biệt vừa qua, Giải Bóng đá nhi đồng tỉnh Yên Bái lần thứ XXI, năm 2025 đã được tổ chức thành công tốt đẹp thu hút 120 cầu thủ "nhí" của 10 đội bóng đến từ các huyện, thị xã, riêng thành phố Yên Bái có 2 đội tham dự. Đây là những cầu thủ được tuyển chọn kỹ lưỡng từ cơ sở. Bên cạnh đó, các điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi; công tác y tế, an ninh trật tự đã được các ngành thành viên phối hợp chặt chẽ. Các đội bóng tham gia đều đã bố trí thời gian tập luyện và chuẩn bị chu đáo cả về thể lực và kỹ chiến thuật. Giải Bóng đá Nhi đồng tỉnh lần thứ XXI được đánh giá chất lượng chuyên môn cao với 23 trận đấu kịch tính, hấp dẫn thu hút đông đảo khán giả theo dõi và cổ vũ. Các cầu thủ nhí đã cống hiến nhiều pha bóng hay, bàn thắng đẹp mắt vỡ òa cảm xúc.
Kết quả chung cuộc, đội bóng đá nhi đồng thành phố Yên Bái 2 đã xuất sắc đoạt Cúp Vô địch. Em Lương Thế Vinh – thủ môn đội bóng đá nhi đồng thành phố Yên Bái 2 hào hứng cho biết: "Em rất vui và hạnh phúc khi cùng các bạn thi đấu tốt giành chức vô địch giải năm nay. Đây cũng là sân chơi bổ ích giúp chúng em được giao lưu học hỏi, thể hiện bản thân và rèn luyện kỹ năng, thỏa niềm đam mê môn bóng đá”.
Phát huy những kết quả đạt được, để công tác thể thao học đường phát triển hơn nữa, các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác GDTC. Tùy từng điều kiện thực tế, các trường tăng cường công tác xã hội hóa, khai thác hiệu quả các sân tập, nhà tập luyện đa năng, sân bóng đá, bóng bàn… đáp ứng nhu cầu học tập, luyện tập TDTT thường xuyên cho học sinh.
Đồng thời, các trường, đặc biệt các trường nội trú, bán trú, duy trì tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả CLB thể thao trong trường học. Ngành GD&ĐT tỉnh cũng tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều hơn nữa các giải đấu thể thao, tạo khí thế thi đua sôi nổi cho học sinh; tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường. Qua đó, thúc đẩy phong trào thể thao học đường, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đồng thời tạo nguồn tuyển chọn vận động viên trẻ tài năng cho thể thao thành tích cao của tỉnh.
Bùi Minh