Hà Lan - Nga: Công đấu công
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/6/2008 | 12:00:00 AM
Hà Lan là quê hương sản sinh ra lối chơi tấn công tổng lực nhưng ĐT Nga dưới thời của HLV Guus Hiddink cũng đang trình diễn một lối chơi tấn công đầy quyến rũ . Chính vì vậy, cuộc đối đầu giữa hai đội đêm nay, hứa hẹn sẽ là bữa tiệc của thứ bóng đá đẹp và cống hiến.
|
Hiddink xứng đáng được gọi là "ngài có thể" bởi với tài cầm quân của ông, dường như mọi đội bóng đều thu được những thành công nhất định. Với đội bóng quê hương Hà Lan, ông đã 2 lần đưa "Cơn lốc màu cam" đến với tứ kết của Euro 96 và bán kết World Cup 98. Còn với Hàn Quốc và Australia, hai đội bóng có đẳng cấp trung bình cũng đã tận hưởng được niềm vui của kẻ chiến thắng khi cũng lần lượt lọt tới Bán kết hay vòng 2 của giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Vì lẽ ấy, việc Hiddink đưa Nga kiêu hành lọt vào tới tứ kết Euro 2008 cũng không phải là một điều quá bất ngờ.
Có thể nhận thấy dưới thời của Hiddink, bóng đá Nga đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thứ bóng đá rườm rà có phần "lắt nhắt" truyền thống ngày nào vẫn còn những có điều nó đã được chuyển hóa sang phiên bảng khác. Nga bây giờ đá ít chạm hơn, họ đan bóng nhanh bằng những đường bóng ngắn ở cự ly trung bình dựa trên một nền tảng thể lực tuyệt vời. Những pha tấn công của người Nga luôn thể hiện sức mạnh nhưng cũng không thiếu yếu tố kỹ thuật. Thứ bóng đá "có lửa" và đầy nhiệt huyết mà đội bóng Đông Âu đang trình diễn mạng đậm dấu ấn của "thầy phù thủy" Hiddink.
Lối chơi hiện nay của Nga gắn liền với thứ bóng đá tấn công của Hà Lan: đồng đều và trải dài ở cả 3 tuyến. Lẽ dĩ nhiên, trong cách tấn công ấy, người Nga chơi tập trung theo trục dọc khi tập trung khá nhiều bóng vào cá nhân của Andre Arshavin. Nếu như ở hai trận đấu đầu tiên, tiền đạo của Zenit không có mặt bởi án treo giò, thì ở trận đấu với Thụy Điển, sự trở lại của Arshavin đã khiến cho lối chơi tấn công đa dạng của Nga trở nên biến hóa hơn rất nhiều.
Con "bài tẩy" của Hiddink thực sự là trạm luân chuyển bóng gắn kết hàng công với hai tuyến còn lại. Hầu hết các đường lên bóng của Nga đều tập trung qua chân của vị trí trọng yếu này. Sau khi nhận bóng, bằng nhãn quan chiến thuật của mình, Arshavin có thể tung ra những đường chuyền vào trung lộ hoặc cũng có thể phân phối ra biên để các hậu vệ và tiền vệ cánh thực hiện những miếng đánh chồng cánh.
Chính sự đa dạng này mà đội quân của Hiddink đã khiến cho hàng thủ được mệnh danh là chắc chắn của Thụy Điển đã bị vỡ vụn trước sức tấn công dồn dập của Nga. Các hậu vệ của đội bóng Bắc Âu thường tỏ ra bị động trong những pha hãm thành của đối phương khi không thể biết được điểm đến cuối cùng của trái bóng là ở vị trí nào. Thông thường, có khá nhiều các vị trí của Nga có mặt trong những pha tấn công. Chỉ trừ có cặp đôi trung vệ Kolodin, Ignashevich, toàn bộ 8 cầu thủ còn lại rất tích cực lao lên phía trước khi có cơ hội. Trận gặp Thụy Điển là một minh chứng khi bộ đôi hậu vệ cánh Anyukov và Zhirkov thường chơi dâng coao như những cầu thủ chạy cánh thực sự. Điều này tạo ra sự khó lường trong các đợt lên bóng ít chạm ở tốc độ cao của Nga.
Điểm tương đồng của Nga và Hà Lan chính là việc họ có một trạm luân chuyển bóng rất hiệu quả. Trong vai trò của người dẫn dắt lối chơi, Van der Vaart luôn thể hiện được tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng điểm khác biệt là các phương án tấn công của Hà Lan thường được dồn lên 2 cánh nhiều hơn. Sự cơ động của các tiền đạo cánh chính là một thứ vũ khí lợi hại của đội bóng áo da cam. Trong 9 bàn thắng mà các chân sút của Marco van Basten ghi được ở vòng đấu bảng, có tới 6 bàn được thực hiện sau các pha tấn công biên.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Lan là cái nôi sản sinh ra những tiền đạo cánh đẳng cấp thế giới. Việc lựa chọn lối chơi 4-3-3 với 2 tiền đạo chơi dạt biên như những cầu thủ chạy cánh giúp cho đội bóng màu cam thực hiện những miếng chồng cánh sở trường. Khi đã có được vị trí thuận lợi, bóng sẽ được căng ngang hay tạt bổng vào trong (tùy theo vị trí của các cầu thủ bên trong). Nhiệm vụ của người kết thúc cuối cùng là chọn vị trí, chiếm lĩnh không gian và dứt điểm.
Có một điểm khác biệt nhất đến từ cách bố trí đội hình của Basten. Nếu như sơ đồ yêu thích của Hiddink là 4-4-2 (thực chất là 4-5-1) vì Arshavin thường chơi lùi hơn so với Pavlyuchenko, trong khi Basten lại tin dùng 4-2-1-3. Trong hai trận đấu đầu tiên của Hà Lan trước Italia và Pháp, cựu cầu thủ của AC Milan sử dụng hai tiền vệ cơ bắp là Engelaar và De Jong. Thể hình cùng khả năng tranh chấp của hai tiền vệ phòng ngự này luôn tạo ra một bức tường phòng ngự từ xa tương đối hiệu quả trước hàng thủ 4 người ở phía sau. Khi sự chắn chắn được tạo ra, các hậu vệ cánh sẽ có cơ hội dâng cao chơi tấn công nhiều hơn nên những pha tấn công của Hà Lan vì thế cũng có nhiều đột biến.
Hà Lan có Sneijder, có Van der Vaart, Nistelrooy hay Persie, những ngôi sao sáng của bóng đá thế giới. Nga có Arshavin, Zhirkov và đặc biệt là Guss Hiddink, người luôn biến cái không thể thành có thể. ĐKVĐ và ĐK Á quân thế giới đều đã tan tác trước sức công phá của "bão da cam". Trước mắt thày trò Hiddink sẽ là một chuyến đi đầy bão táp, nhưng biết đâu, với kinh nghiệm của người Hà Lan chính thống, "Ngài có thể" lại tìm ra cách khắc chế được cơn bão lớn? Một trận đấu, hay nói đúng hơn là một bữa tiệc của lối đá tấn công hứa hẹn hấp dẫn và kịch tính đã chuẩn bị được mở ra.
Đội hình dự kiến:
Hà Lan: Van der Sar, Boulahrouz, Ooijer, Joris Mathijsen, Gio van Bronckhorst, de Jong, Engelaar, van der Vaart, Kuyt, Nistelrooy, Sneijder
Nga: Akinfeyev; Anyukov, Kolodin, Ignashevich, Zhirkov;Semak, Zyryanov, Semshov, Bilyaletdinov ; Arshavin, Pavlyuchenko
Dự đoán: Hà Lan thắng 3-2
(Theo Bóng đá 24h)
Các tin khác
Vắng 7 vị trí vừa chấn thương, vừa thẻ phạt, lại bị đánh giá “dưới cơ” so với đội bóng từng đá bại “ứng viên số 1” của chức vô địch, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã chơi một cách cân bằng, ăn miếng, trả miếng, sẳn sàng pressing đối phương khi cần thiết. Thống kê sau 20 phút đầu tiên, người Thổ đã có 4 cú sút (1 trúng mục tiêu), trong khi Croatia thấp hơn 1 chút, với 3 cú sút (1 trúng mục tiêu).
Các trận vòng đấu bảng Euro 2008 đã qua, chúng ta đã nhận diện được sức mạnh cũng như tiềm lực của từng đội bóng. Trong số này, các đội như Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Croatia tiến vào vòng tứ kết một cách khá thuyết phục với vị trí đầu của mỗi bảng.
Sau Cannavaro, ĐKVĐ thế giới lại mất thêm một hậu vệ nữa vì chấn thương và còn quá ít lựa chọn đủ tin cậy cho trận tứ kết Euro 2008.
Những cỗ xe tăng đã trình diễn lối đá tấn công sắc sảo, nhuần nhuyễn khi đánh bại Bồ Đào Nha 3-2 trong trận tứ kết Euro 2008 đầu tiên diễn ra rạng sáng 20/6.