Bóng đá Việt Nam – gần 10 năm chưa xong một chữ “chuyên”
- Cập nhật: Thứ năm, 27/8/2009 | 12:00:00 AM
Mùa giải thứ 9 bóng đá Việt Nam hoạt động dưới tên gọi “chuyên nghiệp” đã kết thúc. Nhưng còn đó nhiều vần đề cần phải giải quyết để thực sự là “chuyên”.
Vẫn còn đó vấn đề về trọng tài (Ảnh minh họa).
|
Dù vẫn còn trận chung kết cúp Quốc gia và trận tranh vé vớt một suất thi đấu ở giải vô địch quốc gia vào cuối tuần này giữa Nam Định và Cần Thơ, nhưng đến lúc này chúng ta đã có thể có cái nhìn toàn cảnh về thành công và yếu kém của bóng đá Việt Nam năm 2009. Trước hết là những ấn tượng. 2009 là một mùa bóng mà các CLB tham dự đều bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để đầu tư mà đỉnh cao là 75 tỷ đồng của Thể Công, hay các hợp đồng đình đám của T&T – Hà Nội với Lê Công Vinh, Hoàng Anh – Gia Lai với Lee Nguyễn… Gây sốc nhất là thương vụ Xi măng Hải Phòng đưa về sân Lạch Tray ngôi sao người Brazil Denilson – 1 cú PR cho cả bóng đá Việt Nam. Nhưng trong bóng đá, không phải cứ đầu tư nhiều tiền là thành công. Becamex – Bình Dương không còn thể hiện được bản lĩnh của đội hai năm liền vô địch dù cán đích ở vị trí á quân, Hoàng Anh – Gia Lai, Xi măng Hải Phòng đầu tư không ít chỉ có mặt ở tốp giữa còn Thể Công phải tới trận cuối mới chắc chắn trụ hạng.
Những hình ảnh không "chuyên" của bóng đá Việt Nam.
Trong thực tế ấy, chức vô địch mà SHB – Đà Nẵng và Xi măng The Vissai – Ninh Bình đăng quang lại càng tỏ ra xứng đáng. Đầy tham vọng, đầu tư không ít tiền của trong nhiều năm liền nhưng hai đội bóng này đã khẳng định và thành công ở giải vô địch quốc gia và giải hạng Nhất còn bởi họ đã duy trì liên tục sự ổn định, đoàn kết nội bộ, tinh thần quyết tâm giành chức vô địch. Cả hai đội đều về đích sớm. Đội bóng sông Hàn vươn lên ngôi đầu trên bảng xếp hạng từ vòng đấu thứ 6 và đứng vững cho tới khi mùa giải kết thúc.
Tính cạnh tranh quyết liệt được các đội thể hiện trong suốt mùa giải và kéo dài tới trận cuối cùng. Dù sớm xác định được nhà vô địch nhưng những vị trí còn lại của bảng xếp hạng chỉ được xác định khi các trọng tài nổi còi kết thúc các trận đấu ở vòng 26.
Một điểm nhấn đáng chú ý là Quân khu 4 và Quảng Nam tạo nên 1 cuộc “đào thoát” ngoạn mục khi “lách qua khe cửa hẹp” để trụ hạng thành công. Mùa giải năm nay cũng chứng kiến sự thụt lùi đau đớn của bóng đá thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai ngày liên tiếp, Sài Gòn United và CLB thành phố Hồ Chí Minh cũng xuống hạng và từ trung tâm một thời của bóng đá Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn đại diện nào ở giải vô địch quốc gia mùa tới.
Một nỗi buồn chưa thể nguôi ngoai trong ngày một ngày hai với người hâm mộ, những người tâm huyết với bóng đá thành phố mang tên Bác và một câu hỏi lớn chưa có lời giải giành cho những người có trách nhiệm của Liên đoàn bóng đá thành phố Hồ Chí Minh.
Ấn tượng tiếp theo là lượng khán giả đến với sân vận động trong suốt mùa bóng. Theo thống kê của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đã có gần 2 triệu lượt khán giả đến với các trận đấu ở giải vô địch quốc gia và gần 500.000 lượt khán giả theo dõi các trận đấu ở giải hạng Nhất.
Họ đã đến với đội bóng mình yêu thích và được chứng kiến nhiều bàn thắng đẹp, kết quả của những pha phối hợp tấn công hoặc sự phô diễn của trình độ cá nhân. 548 bàn thắng được ghi ở giải Vô địch (trung bình 3 bàn /trận) – cao nhất trong lịch sử giải bóng đá vô địch quốc gia kể từ khi lên chuyên nghiệp. Còn ở giải hạng Nhất là 373 bàn (trung bình 2,4 bàn/trận).
Cũng đã lâu lắm rồi, mới có 1 mùa giải vô địch quốc gia mà những chân sút nội có cuộc bám đuổi quyết liệt với những tiền đạo ngoại cho danh hiệu Vua phá lưới. Cho dù, cuối cùng dẫn đầu danh sách vẫn là Merlo Gaston của SHB – Đà Nẵng và Lazaro của Quân khu 4 nhưng Lê Công Vinh cũng chỉ chịu kém có 1 bàn và ngay sau anh là Hoàng Đình Tùng của Thanh Hóa với 13 lần sút tung lưới đối phương. Điều đó có lẽ cũng đã là yếu tố thu hút sự chú ý của người hâm mộ.
Những điểm sáng này đã làm mùa giải năm nay của bóng đá Việt Nam có vẻ có dấu ấn hơn so với những mùa giải trước. Thế nhưng nó cũng vẫn có nhiều điểm tối và qua đó phản ánh đúng thực tế bức tranh bóng đá Việt Nam. Công tác tổ chức, đảm bảo an ninh an toàn trận đấu, trọng tài, tính chuyên nghiệp trong hành xử của HLV, cầu thủ, cổ động viên… vẫn còn quá nhiều điểm phải xem xét và cũng đã có người cho rằng đây là một mùa giải kỳ lạ của bóng đá Việt Nam.
Kỳ lạ xảy ra ở ngay kết quả các trận đấu, khi 1 đội bóng phải xuống hạng như CLB thành phố Hồ Chí Minh lại từng đánh bại cả SHB – Đà Nẵng, Sông Lam – Nghệ An, T&T – Hà Nội, Đồng Tháp hay Đồng Tâm – Long An trong lúc những đối thủ này đều ở đỉnh cao phong độ. Và dường như câu hỏi bóng đá Việt Nam “sạch” hay “không sạch” đã tìm được câu trả lời.
Kèm theo đó là tình trạng “chém đinh chặt sắt” đã có phần trở nên phổ biến. Nhiều trận đấu đáng lẽ là đỉnh cao về chuyên môn nhưng lại bị cắt vụn bởi tiếng còi của trọng tài sau những pha phạm lỗi mang tính “triệt hạ” của cầu thủ của cả hai đội. Số lượng thẻ phạt vì thế cũng tăng dần đều và tính đến hết mùa, các trọng tài ở giải vô địch quốc gia đã rút ra tổng cộng 845 thẻ vàng (trung bình 4,64 thẻ/trận) và 52 thẻ đỏ (trung bình 0,29 thẻ/trận). Những con số tương ứng ở giải hạng Nhất quốc gia là 4,4 thẻ vàng và 0,18 thẻ đỏ/trận.
Và nếu tính số lượng thẻ phạt thì Quân khu 4 xứng đáng là “nhà vô địch” tuyệt đối vì các học trò của HLV Vũ Quảng Bảo đã nhận tới 9 thẻ đỏ và 84 thẻ vàng sau 26 trận đấu. Có người cho rằng, số thẻ phạt nhiều thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đội bóng, nhưng liệu đó có phải là lý giải xác đáng?
Không dừng dưới sân cỏ, bạo lực lan lên các khán đài. Nếu như cách đây vài năm, cổ động viên Thanh Hóa từng gây “khiếp sợ” cho các cầu thủ đội khách thì năm nay, được nhắc đến nhiều nhất là những cổ động viên của Xi măng Hải Phòng. Sống chết cùng đội bóng, cổ vũ nhiệt thành, không quản đường xa vượt hàng trăm km để ủng hộ đội bóng con cưng nhưng sự nhiệt tình thái quá và 1 bộ phận trở thành quá khích đã khiến cổ động viên Hải Phòng trở thành mối lo cho ban tổ chức các địa phương.
Những trận đấu có sự tham gia của Xi măng Hải Phòng tại Nghệ An, Nam Định, Hà Nội… ban tổ chức đều phải huy động hàng nghìn công an, cảnh sát cơ động, dân phòng… với hàng loạt phương án bảo vệ. Sân Vinh, Thiên Trường, Hàng Đẫy như “chiến trường” với hàng rào an ninh dày đặc, những chiếc xe đặc chủng, chó nghiệp vụ… Thế nhưng CĐV Hải Phòng vẫn “kịp” xô xát với người dân Nghệ An khi còn cách sân Vinh hàng km, vẫn ẩu đả với cảnh sát cơ động bên ngoài sân Hàng Đẫy và pháo sáng vẫn cháy trên các khán đài. Một nét buồn làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Việt Nam.
Trọng tài là một phần không thể tách rời của bóng đá. Không đến nỗi xảy ra “bẻ còi” như trên sân Chi Lăng năm ngoái nhưng có thể khẳng định trọng tài vẫn là 1 vấn đề nổi cộm ở mùa bóng năm nay. Dường như, không 1 đội bóng nào không có ý kiến này nọ về những quyết định của “ông vua sân cỏ”. Điềm tĩnh như ông Mai Đức Chung mà cũng phải lên tiếng về vấn đề trọng tài. Và những điều tiếng đó không phải là không có nguyên nhân.
Đội bóng sông Hàn SHB Đà Nẵng xứng đáng là nhà vô địch do lối chơi và văn hóa cổ vũ |
Có thể nhắc tới là trọng tài Đỗ Quốc Hoài hai vòng liền rút thẻ phạt “nhầm” cầu thủ trên sân Hàng Đẫy và Thiên Trường. Đó cũng mới chỉ là trường hợp điển hình về sự yếu kém của những trọng tài trẻ, dù được coi là có chuyên môn nhưng còn non kinh nghiệm. Vô hình trung, trọng tài trở thành một nguyên nhân mà các đội bóng thường hay viện dẫn mỗi khi lý giải cho kết quả trận đấu không được như ý muốn.
Cũng chính do phản đối trọng tài, bỏ dở trận đấu mà Quảng Ngãi trở thành đội thứ hai trong lịch sử bị Liên đoàn phạt án xuống hạng. Sau những án kỷ luật nặng về tính nhắc nhở, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã mạnh tay với Quảng Ngãi trong vụ án điểm để làm gương cho những đội bóng khác với quyết tâm để giải kết thúc an toàn. Nhưng đó cũng là một án phạt gây ra nhiều dư luận trái chiều khi xóa luôn kết quả các trận đấu trước đó của Quảng Ngãi, gây thiệt thòi cho nhiều đội bóng.
Một điều nữa không thể không nhắc tới ở mùa giải này là kỷ lục thay thế HLV ở các đội bóng. Kết thúc mùa giải, riêng ở V – League đã có 12 ông “thầy” cả nội lẫn ngoại, dạn dày kinh nghiệm hay mới vào nghề phải rời chiếc ghế HLV. Có những đội bóng thay “tướng” tới 3 lần như Xi măng Hải Phòng hay Becamex – Bình Dương.
Không phủ nhận thực tế có nhiều đội bóng đã cải thiện thành tích đáng kể dưới sự dẫn dắt của HLV mới nhưng với 1 số CLB khác, nó chỉ mang lại sự xáo trộn và quan trọng hơn, nó thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp trong làm bóng đá ở nước ta.
Hành trình đi lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam đã đi qua gần 10 năm. Có những điều tích cực và đã làm được nhưng còn đó nhiều vần đề cần phải giải quyết để thực sự là “chuyên”. Còn nhiều khiếm khuyết bộc lộ qua mỗi mùa giải cần cái “tầm” và cái “tâm” của những người làm quản lý, từng lãnh đạo đội bóng, HLV, cầu thủ và cổ động viên.
Bóng đá hiện đại cũng vận hành như một xã hội thu nhỏ. Để xã hội ấy phát triển và đi lên bền vững từng bộ phận cấu thành nên nó phải chuyên nghiệp. Người hâm mộ và dư luận đang ngóng chờ phần nào điều đó ở Đại hội của Liên đoàn bóng đá Việt Nam vào tháng 10 tới./.
(Theo VOV)
Các tin khác
Đã không có bất ngờ nào xảy ra trong trận lượt về vòng play-off Champions League khi những đội giành ưu thế trong trận lượt đi đều bảo vệ được thành quả, qua đó giành quyền đi tiếp vào vòng đấu bảng Champions League 2009-2010.
Công Vinh đã có buổi ra mắt thành công vào sáng qua (25/8), trong trận đấu tập nội bộ đầu tiên ở CLB Leixoes, với 2 bàn thắng. Anh cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và theo hết các bài tập cùng đội.
YBĐT - Vừa qua, tại Khách sạn Hồng Nhung (TP Yên Bái), Câu lạc bộ Quần vợt các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã tiến hành Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2009-2012. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt tỉnh.
Do đội hình chính Leixoes SC mới trở về từ chuyến làm khách thua Maritimo 0-1 nên tiền đạo Lê Công Vinh mới chỉ có một buổi tập với các cầu thủ dự bị. Tuy nhiên, tuyển thủ QG Việt Nam này vẫn được phía CLB Leixoes SC mời ký hợp đồng thi đấu có thời hạn bốn tháng từ chiều 24/8.