V-League 2010 - Chỉ còn 1,5 suất rớt hạng?
- Cập nhật: Thứ ba, 20/7/2010 | 1:42:50 PM
Khi V-League sắp cán đích với cuộc vật lộn của Navibank Sài Gòn và Nam Định, bởi không ai tin 2 đội bóng có “cửa” trụ hạng. Thế nhưng, một cuộc chiến âm thầm trên bàn giấy có thể làm đảo lộn cả mùa giải 2010, bởi khả năng V-League 2010 chỉ còn 1,5 suất rớt hạng đang ngày càng hiển hiện...
Nếu các đội hạng Nhất như Tiền Giang và H.Huế cứ tà tà trong việc chuyển đổi thành CLB chuyên nghiệp, chắn chắn mùa bóng 2010 chỉ có 1,5 suất lên và xuống hạng.
|
Bỗng dưng... tái sinh
Theo kế hoạch, V-League 2010 sẽ hạ màn vào ngày 22-8, sau lượt trận vòng 26. Tuy nhiên, có điều kỳ lạ xảy ra là trừ nhà vô địch V-League 2010 và vô địch hạng Nhất 2010 có quyền ăn mừng, chắc chắn có một loạt đội bóng thấp thỏm đến tận ngày 31-8. Bởi phải sau “giờ G” ấy, phán quyết cuối cùng về số đội lên hay xuống hạng mới được chốt lại. Trong đó, 3 đội V-League gồm CS Đồng Tháp, M.Nam Định và LS Thanh Hóa có đủ “điều kiện” để… trụ hạng hay không, bất chấp thành tích cuối mùa của họ ra sao; 2 đội á quân và hạng 3 giải hạng Nhất 2010 còn chờ VFF có xem xét cho họ nhận suất thăng hạng trực tiếp (đội á quân) và dự trận play-off (hạng 3) để giành vé vớt cuối cùng dự V-League 2011.
Sự rắc rối và tạo ra cuộc chiến trên bàn giấy, khởi phát từ những quy định trong Điều lệ V-League và giải hạng Nhất 2010. Theo đó, sau giờ G vào ngày 31-8, 14 đội dự V-League 2011 buộc phải là CLB chuyên nghiệp (doanh nghiệp độc lập). Vì vậy, muốn hay không muốn, CS Đồng Tháp, M.Nam Định hay LS Thanh Hóa đều phải hoàn tất thủ tục này, một khi họ không muốn bị đánh rớt hạng.
Tuy nhiên, rắc rối lớn đang nằm ở 5 đội bóng hạng Nhất chưa hoàn tất thủ tục chuyển thành CLB chuyên nghiệp gồm: Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, H.Huế và Quảng Nam. Bởi việc họ có hoàn tất thủ tục thành CLB chuyên nghiệp hay không có quan hệ mật thiết đến suất thăng hạng mùa 2010.
Giả dụ cả 5 đội này không kịp làm thủ tục, trong khi 14 đội V-League thành công trong việc chuyển đổi, thì suất rớt hạng V-League chỉ còn 1,5 suất - đồng nghĩa với việc cũng chỉ có 1,5 suất thăng hạng cho 13 đội hạng Nhất.
Trên thực tế, trong 5 đội hạng Nhất mang phận bán chuyên nghiệp, chỉ có An Giang và Quảng Nam ngấp nghé cơ hội tranh chấp thăng hạng, còn Tiền Giang, Cần Thơ và H.Huế đang thậm thụt ở dưới đáy bảng.
Với những đội bóng “lên không nổi, xuống chẳng hề hấn chi” như vậy, họ đâu cần phải quá vội vã hoàn tất thủ tục thành chuyên nghiệp, trong khi thời hạn dành cho các CLB hạng Nhất là… mùa 2014. Vì lẽ đó, một quan chức VFF tiết lộ với SGGP Thể Thao rằng: khả năng V-League 2010 chỉ có 1,5 suất rớt hạng là cực lớn.
Bởi theo vị này, thời hạn chuyển đổi chỉ còn hơn 1 tháng, trong khi các đội hạng Nhất gần như giậm chân tại chỗ. “Khó lắm. Ngay như 3 đội V-League, trừ CS Đồng Tháp có thứ hạng tốt nên tỏ ra nhanh nhảu để chuyển đổi, chứ LS Thanh Hóa và M.Nam Định cũng đang rối như canh hẹ. Trong khi đó, các đội hạng Nhất giờ vẫn im ắng, cho nên, có đến 90% khả năng V-League chỉ có 1,5 suất rớt hạng”, quan chức trên bày tỏ với SGGP Thể Thao.
Đương nhiên, nếu xảy ra trường hợp này, cơ hội trụ hạng của M.Nam Định, đặc biệt là Navibank Sài Gòn (đội bóng đã là doanh nghiệp) được mở ra như món quà từ trên trời rơi xuống!
Bút sa, gà chết
Nếu V-League 2010 chỉ còn 1,5 suất rớt hạng, thiệt thòi nhất chính là các đội dự giải hạng Nhất 2010. Cụ thể là đội á quân và xếp hạng 3 có thể mất toi 1 suất thăng hạng trực tiếp, hoặc chí ít cũng là trận play-off để vớt vát hy vọng thăng hạng. Nên nhớ, lịch sử các trận play-off trong 5 mùa gần đây, có 2 lần các đại diện hạng Nhất là H.Huế và Đồng Tháp đã làm nên lịch sử.
Việc đối diện với nguy cơ “rút gọn” suất thăng hạng hẳn sẽ gây chấn động đối với các đội hạng Nhất. Tuy nhiên, phía VFF và BTC giải quả quyết như đinh đóng cột, sau thời hạn đã định, không có sự nhân nhượng cho bất kỳ trường hợp nào. Vả lại, các đội bóng có muốn cãi cũng không xong, bởi thực tế quy định trên đã được đưa vào điều lệ tổ chức V-League và giải hạng Nhất 2010.
Thêm vào đó, ngay trước mùa bóng 2010, 27 đội bóng dự V-League và hạng Nhất 2010 đều đã ký vào một văn bản, cam kết thực hiện mọi quy định tổ chức do VFF và BTC giải điều hành. Thế nên, có thể hiểu, việc ký kết vào văn bản ấy là bút sa, gà chết và sẽ không có “cửa” để các đội bóng bất lợi “bật” lại VFF. Tình huống này tương tự vụ Sài Gòn United đòi kiện VFF vào mùa trước, nhưng bó tay vì đuối lý, dẫu ai cũng biết đại diện đất Sài thành thiệt thòi trong vụ Quảng Ngãi bị loại khỏi giải.
Hiện tại, còn hơn 40 ngày mới đến giờ G. Tuy nhiên, nguy cơ phát nổ của quả bom hẹn giờ này đang rất dễ xảy ra, đến độ có thể làm rung chuyển cả làng bóng đá Việt Nam trong thời gian ngắn ngủi sắp tới. Hãy chờ xem!
Tỷ lệ lên - xuống hạng phân bổ ra sao? Điều lệ V-League và giải hạng Nhất 2010 đã quy định có tổng cộng 9 trường hợp xảy ra về tỷ lệ suất lên - xuống hạng và trận play-off. Theo đó, nếu tình trạng như hiện tại (11 đội V-League đã chuyên nghiệp, và 8/13 đội hạng Nhất đã thành chuyên nghiệp) thì mùa 2010 không có trận play-off, thay vào đó, 3 đội V-League chưa đủ điều kiện lập tức bị đánh rớt hạng, nhường chỗ cho 3 đội hạng Nhất có thành tích tốt nhất. Tám trường hợp còn lại được phân bổ như sau: - V-League có 12 CN, hạng Nhất có 13-14 đội CN: có 2 suất lên - xuống hạng là 1 trận play-off giữa đội xếp hạng thấp nhất V-League gặp đội xếp hạng cao thứ 3 trong số các đội CN tại hạng Nhất. - V-League có 13 đội CN, hạng Nhất có 5-9 đội CN: chỉ có 1,5 suất lên - xuống hạng và 1 trận play-off. - V-League có 13 đội CN, hạng Nhất có 10-12 đội CN: có 2 suất lên - xuống hạng, không có trận play-off. - V-League có 13 đội CN, hạng Nhất có 13-14 đội CN: V-League có 1 đội rớt hạng trực tiếp, hạng Nhất có 2 suất thăng hạng trực tiếp (2 đội chuyên nghiệp có xếp hạng cao nhất) và 1 trận play-off. - V-League có 14 đội CN, hạng Nhất 5-9 đội CN: chỉ có 1 suất lên - xuống hạng, và 1 trận play-off (đây là trường hợp dễ xảy ra nhất vào cuối mùa giải 2010). - V-League có 14 đội CN, hạng Nhất có 10-12 đội CN: có 2 suất lên - xuống hạng, không có trận play-off. - V-League có 14 đội CN, hạng Nhất có 13-14 đội CN: có 2 suất lên- xuống hạng, và 1 trận play-off (đội đứng hạng 12 V-League và xếp thứ 3 hạng Nhất). |
(Theo SGGP)
Các tin khác
Sau 6 ngày tranh tài sôi nổi, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ II đã bế mạc hôm qua (19-7) trên SVĐ bóng đá quốc gia Cheras tại thành phố Kuala Lumpur (Malaysia).
Ông Mai Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty Ximăng Hải Phòng đã chính thức trở thành Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Ximăng Hải Phòng, thay cho ông Lê Văn Thành kể từ ngày 19/7.
Tay vợt người Tây Ban Nha, Nicolas Almagro đã giành được danh hiệu vô địch giải quần vợt ATP Bastad (Thụy Điển).
Xếp hạng 6 thế giới và được chọn làm hạt giống số 1 nội dung đơn nam, không có bất ngờ khi Nguyễn Tiến Minh dễ dàng lên ngôi vô địch giải cầu lông Australia Open Grand Prix 2010 vừa kết thúc vào chiều qua tại Melbourne.