Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái: Hướng tới diện mạo mới
- Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2013 | 8:56:03 AM
YBĐT - Năm 2005, thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy, Đoàn Nghệ thuật chèo Yên Bái và Đoàn Ca múa nhạc Yên Bái hợp nhất thành Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Cơ cấu chuyên môn của Đoàn gồm 2 bộ phận là ca múa nhạc và nghệ thuật chèo truyền thống.
Diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh luyện tập tiết mục trống hội.
|
Mọi hoạt động của Đoàn vẫn đáp ứng được kế hoạch tỉnh giao: biểu diễn 160 buổi/năm, trong đó có 70 buổi diễn ở vùng cao, chưa kể việc biểu diễn phục vụ nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của địa phương như đại hội Đảng các cấp, chương trình "Du lịch về cội nguồn"…
Các buổi biểu diễn đều được tỉnh đánh giá tốt. Các đợt tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái vẫn khẳng định được mình là đơn vị mạnh trước các đoàn khác. Đặc biệt, trong năm 2012, Đoàn Nghệ thuật Yên Bái là đơn vị khá đặc biệt khi có tới 3 người được phong danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, trong đó có cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Hương - Minh Tuấn.
Tuy nhiên, cũng kể từ khi sáp nhập, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, nổi cộm nhất là đơn vị có tới 60 người nhưng số người đã và sắp qua độ tuổi đứng trên sân khấu chiếm tỷ lệ cao. Cơ sở vật chất của Đoàn được xây dựng từ những năm đầu của thập niên 1980 nên đã quá cũ. Trang thiết bị âm thanh, ánh sáng rất hạn chế; phòng tập không có gương, xà tập, phòng luyện thanh nhạc không có và chỉ có một xe để chở cả diễn viên đạo cụ ảnh hưởng nhiều đến những chuyến lưu diễn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài những khó khăn nói trên, một khó khăn lớn nữa là từ khi sáp nhập, lãnh đạo Đoàn liên tục thay đổi do nghỉ hưu, do thiếu sát sao với nhiệm vụ, do sức khoẻ không bảo đảm và do cả hạn chế về năng lực lãnh đạo… nên có lúc Đoàn chỉ còn duy nhất một phó đoàn... đang chờ nghỉ hưu. Tình trạng này khiến cho hoạt động chuyên môn chậm đổi mới, nhiều bộ phận hoặc cá nhân chểnh mảng công việc.
Trước thực trạng trên, năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung vào kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động nghiệp vụ của Đoàn. Trong đó, cử một đồng chí Phó giám đốc Sở kiêm trưởng đoàn và đề bạt 2 phó đoàn mới. Các bộ phận chuyên môn cũng có sự điều chỉnh gồm: phòng Hành chính- Kỹ thuật; Phòng Nghệ thuật; Đội Ca-Múa-Nhạc; Đội Nghệ thuật chèo.
Cùng với kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các phòng, ban chuyên môn, đơn vị cũng đã tuyển mới 9 diễn viên, sơ tuyển 3 và những diễn viên này đều đáp ứng được các yêu cầu hình thể, chuyên môn và chất lượng đào tạo. Các bộ phận nghiệp vụ đang dần đi vào nề nếp công việc và mang một khí thế mới trong xây dựng kế hoạch, sáng tác, luyện tập. Hoạt động nghệ thuật được lãnh đạo Đoàn khuyến khích phát huy tính sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo.
Vì vậy, nét mới từ đầu năm 2013 đến nay là các diễn viên, biên đạo, đạo diễn đã xây dựng được khá nhiều tiểu phẩm, tác phẩm chất lượng cao để phục vụ nhân dân, các chương trình biểu diễn luôn coi trọng việc đổi mới các tiết mục. Qua đó, Đoàn cũng đã phối hợp viết lại nhạc và đang tập luyện tiết mục trống hội để tiết mục này thực sự thể hiện rõ nội dung của nghệ thuật trống hội.
Đồng thời ráo riết chuẩn bị các chương trình phục vụ Hội nghị biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh; kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái; kỷ niệm 61 năm giải phóng Nghĩa Lộ và phục vụ Lễ hội Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải… Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, đời sống của cán bộ nhân viên trong Đoàn cũng được quan tâm hơn như có chế độ thanh sắc, trích tiền từ các hợp đồng biểu diễn bồi dưỡng cho anh em; khi đi diễn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều được hưởng chế độ công tác phí nên đã động viên khích lệ rất nhiều đến tinh thần của mọi người khi thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài những nỗ lực của Đoàn, thời gian qua, tỉnh cũng đã dành cho Đoàn nhiều sự quan tâm. Vì vậy, các trang thiết bị phục vụ cho luỵên tập, biểu diễn theo đề án củng cố và xây dựng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 đã được bổ sung thêm. Lãnh đạo Đoàn cũng đã có chương trình làm việc với Cục Biểu diễn nghệ thuật - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm thu hút sự quan tâm về cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, để tăng thêm các điều kiện cơ bản đáp ứng cho hoạt động chuyên môn, lãnh đạo Đoàn mong muốn tỉnh sớm có giải pháp đầu tư về trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất tại nơi làm việc hàng ngày. Cần đầu tư thêm ô tô vận tải để đáp ứng hoạt động biểu diễn tại cơ sở. Tỉnh nên tạo cơ chế ưu tiên biên chế để khi những diễn viên quá tuổi đứng trên sân khấu chuyển sang các đơn vị khác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Đoàn Nghệ thuật mới bổ sung được nguồn diễn viên trẻ.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Buổi hòa nhạc sẽ diễn ra vào 20g ngày 3-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội (số 1 Tràng Tiền) nhân kỷ niệm Ngày âm nhạc VN lần thứ tư. Những tác phẩm đi cùng năm tháng của nền âm nhạc VN sẽ được trình diễn như: Quốc ca (Văn Cao), Tổ quốc ta (Hồ Bắc), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Đất nước (Đặng Hữu Phúc), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)...
Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ VHTTDL - Ngô Phương Lan, Trưởng Ban Tổ chức LHP Việt Nam 18 cho biết năm nay các phim tham dự liên hoan không có phim hay đột biến, nhưng đây là một trong các kỳ liên hoan có nhiều phim tham gia tranh giải Bông sen Vàng nhất trong các kỳ liên hoan. Đó là thông tin mới nhất của Ban tổ chức công bố trong buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XVIII do Bộ VH,TT&DL và Cục điện ảnh tổ chức sáng (27/8).
Chỉ còn 4 ngày nữa (31/8), lễ hội khèn Mông lần đầu tiên tại Đồng Văn (Hà Giang) sẽ diễn ra. 15 gian hàng bày bán những sản vật địa phương của đồng bào người Mông, 20 bức tranh sơn dầu vẽ cao nguyên đá của họa sỹ Đỗ Đức cùng những tay khèn giỏi nhất của các bản người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn đều đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.
Nhận xét về các thí sinh Sao Mai năm thứ 9, Tùng Dương - giải nhất Sao Mai Điểm hẹn 2006 - đã dùng tới từ “bất ngờ” để nói về cảm xúc của mình.