Du xuân trên một vùng thơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/3/2014 | 2:31:19 PM

YBĐT - Kể cũng thú vị khi chỉ những ngày xuân mày mò sách vở văn chương lại bắt gặp được hơn 40 gương mặt thi nhân, trong đó có những tên tuổi lớn của văn chương nhân loại và đất Việt qua Một vùng thơ chân dung phác thảo (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2011) của nhà thơ Ngọc Bái.

(Ảnh: Thanh Ba)
(Ảnh: Thanh Ba)

Cuốn sách có độ dày vừa phải, khổ nhỏ, xinh xắn, đặc biệt bìa của Thi Nguyễn rất công phu với màu sắc tinh tế hài hòa, có hồn và hàm chứa sâu sắc, ăn ý với 136 trang ruột. Đủ rõ tác giả tập sách là một nhà thơ ưa thẩm mỹ và kỹ tính.

Khác với nhiều tác phẩm cùng loại, Ngọc Bái không ghi thể loại nhưng người đọc ai cũng hiểu Một vùng thơ chân dung phác thảo có dạng một cuốn giới thiệu phê bình, tuyển chọn các tác giả thơ ở một phạm vi không gian và thời gian nhất định với những tiêu chí riêng, từ đó anh phác thảo chân dung nghệ thuật của họ. Việc làm đầy thiện chí như vậy, chắc sẽ giúp nhiều cho công chúng độc giả yêu thơ nói chung.

Trong tác phẩm này, Ngọc Bái đề cập đến thơ của 44 tác giả, trong đó có 38 tác giả của địa phương, 6 tác giả khác là những thi sĩ đã định danh của thơ Việt Nam đương đại như Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Lê Đạt, Phạm Tiến Duật, đặc biệt, rất đặc biệt là nhà thơ Hồ Chí Minh và Louis Aragon, nhà thơ cộng sản lỗi lạc Pháp.

Trong 6 tác giả này, thật ra chỉ có 4 người trực tiếp viết về Yên Bái, trong 38 tác giả thơ người địa phương cũng chỉ có dăm người lấy Yên Bái làm đề tài cho sáng tác của mình, số còn lại viết về các đề tài khác của thơ nói chung. Sở dĩ tôi phải “thống kê” tỉ mỉ như vậy vì lúc đầu cứ nghĩ một vùng thơ đây là thơ về đất nước, con người Yên Bái hoặc là thơ của các tác giả sống và viết ở vùng này. Nhưng rồi cả hai cách hiểu như vậy đều không phải, có chăng chỉ đúng phần nào!

Thêm một bước, nhìn vào tên các tác giả, tác phẩm được chọn bình trong sách, đã biết được tác giả của nó là người có tầm nhìn vừa cao vừa rộng, có tri thức phong phú trên nhiều phương diện và tâm huyết sâu sắc với nền thơ Việt Nam đương thời. Hồ Chí Minh với bài Nhị vật, Người ghi lại một nét tình cảm tươi vui, dí dỏm trong đời sống sinh hoạt của mình. Bài thơ chứng tỏ bản lĩnh phi thường của một bậc vĩ nhân có tâm hồn thi sĩ. Ngay cả việc viết bài thơ cũng là một nét trong sinh hoạt tinh thần thường nhật của Người.

Ở đây Ngọc Bái muốn ca ngợi một sự hài hòa tuyệt vời giữa lý trí và tình cảm, giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc, nêu một tấm gương mình vì mọi người của Bác. Nhà thơ Louis Aragon, tác giả xếp ở vị trí danh dự ngay sau Bác Hồ với ý nghĩa là một nhà thơ lớn viết về Yên Bái ở tầm cao lịch sử của nhân loại bị áp bức. Bằng hai câu súc tích, cô đọng, vừa ngợi ca khởi nghĩa Yên Bái vừa hiệu triệu các dân tộc bị áp bức hãy đứng lên tự giải phóng dù phải hy sinh xương máu.

Với sự từng trải cuộc sống và bề dày kinh nghiệm sáng tác trên 30 năm, lại nắm vững các nguyên lý, quy luật phát triển của văn chương nói chung và thơ nói riêng, Ngọc Bái đã chọn được những câu thơ hay, bài thơ hay của hơn 40 tác giả. Mức độ đậm nhạt có khác nhau, mỗi người một vẻ nhưng đều rất ấn tượng.

Chẳng hạn:

Hữu Thỉnh với Xuân về. Thật ra, đây chưa phải bài thơ hay nhất của anh nhưng nó rất tiêu biểu cho tính chất của thơ, rất tiêu biểu cho chất lãng mạn của thi sĩ. Những câu thơ bỏ lửng của Hữu Thỉnh vốn đã có trong thơ Việt Nam từ trước, nhưng ở đây Hữu Thỉnh dùng để diễn tả một kẻ si tình thì lại trở thành độc đáo:

Nhớ ai như là nhớ…
Áo ai như là áo…
Tiếng ai như là tiếng…

Trần Thị Nương với Sóng khát. Con người có tình cảm, có ý chí không ai không có ít nhiều khát khao, ước vọng một điều gì nhưng khát và khao khát thì không ai khô cháy bằng Trần Thị Nương. Chỉ riêng cái tên của tập thơ chị đặt, đã thấy nông nổi, nguồn cơn mức độ và thôi thúc đến đâu - Khát. Có lẽ chân dung Trần Thị Nương do chính chị họa bằng thơ - Sóng khát - là bức chân dung nét nhất của đời thơ chị mà Ngọc Bái tinh đời phát hiện.
Lâm Quý với Tình thơ Cao Lan. Thơ mộng nhưng không kém phần mãnh liệt phải kể đến Tình thơ Cao Lan trong Lâm Quý. Người ta bảo dịch cũng là sáng tạo.

Nhà thơ Lâm Quý có công sáng tạo trên cái nền sáng tạo của chính dân tộc mình… chuyển ngữ từ ngôn ngữ dân tộc, vừa giữ được hồn cốt và vần điệu chuyện kể, vừa đảm bảo tính công phu nghệ thuật trong việc huy động vốn tiếng Việt trong tác phẩm. Đó cũng là sự am hiểu của nhà thơ với một nhà thơ và tác phẩm đặc sắc của dân tộc Cao Lan.

Vũ Chấn Nam với Về Pác Bó. Riêng với Vũ Chấn Nam, Ngọc Bái có cách tuyển chọn riêng, anh lẩy ra mảng lớn nhất, sâu đậm nhất trong thơ Vũ Chấn Nam: Thơ về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ở trường hợp này một lần nữa Ngọc Bái thể hiện rõ tài năng thẩm thơ của mình. Anh đã phát hiện âm hưởng chủ đạo trong thơ Vũ Chấn Nam là ngợi ca và trong đó ngợi ca lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh là hào sảng nhất, Về Pác Bó là tiêu biểu. Mọi phẩm bình về tác giả này đều rất xác đáng.

Nguyễn Thế Chửng với Hồ Thác Bà. Thủy điện Thác Bà, nhà máy thủy điện đầu tiên của ngành điện miền Bắc xã hội chủ nghĩa do Liên Xô giúp xây dựng đã có từ hơn nửa thế kỷ nay. Nó là đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn thơ. Ba đôi lục bát của Nguyễn Thế Chửng và cả anh nữa, đã lẫn vào đám đông như rừng cây, sóng bể. Nhưng không, bằng con mắt nghệ thuật nhà nghề, Ngọc Bái đã nhận thấy và chỉ ra cái giọt nước nhân bản thăng hoa trong đôi lục bát kết bài thơ:

Qua hồ vốc nước trên tay
Giọt thành điện sáng
Giọt cay mắt mình

Câu tám ngắt thành hai dòng cũng là một sáng tạo khá thông minh. Bạn đọc ngày xuân tất phải thốt lên lời thán phục người viết ra câu thơ, đã hẳn, còn thán phục cả người phê bình tìm được hạt vàng trước mắt người đời.

Ngoài ra, trong Một vùng thơ chân dung phác thảo, Ngọc Bái có hai bài in cuốn sách. Bài Nhận dạng thơ đến định dạng một tổ chức có dụng ý bổ trợ làm sáng tỏ thêm quan điểm của tác giả về các vấn đề của thơ hiện nay. Tất nhiên, những quan điểm, quan niệm và cơ sở lý luận đó đã được thể hiện trong sự phẩm bình và phác thảo các chân dung thơ ở phần trên. Bài thứ hai, Những vần thơ bi hùng, Ngọc Bái giới thiệu một nguồn tư liệu phong phú, quý giá - nguồn thơ về Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông trong khởi nghĩa Yên Bái với một tấm lòng thành kính, trân trọng. Bài viết nhấn mạnh thêm, tô đậm thêm những dòng thơ quý hiếm, vô giá của Louis Aragon - Yên Bái.

Rồi, Nguyễn Thế Quynh với Sáo mông, Hiền Phong với Vô đề, Dương Soái với Gốc khế bạn xưa, Nguyễn Ngọc Trìu với Lời khấn chưa khô...

Ngọc Bái có một phong cách phê bình riêng rất rõ rệt, mang dấu ấn một nhà thơ. Anh không đứng ở vị trí người phê bình nhìn vào đối tượng - tác giả và tác phẩm - để phân tích, bình phẩm, đánh giá, mà cùng rung động với họ, suy nghĩ với họ, từ đó nhận chân giá trị của tác phẩm. Ở đây người thưởng thức phê bình và người sáng tạo có sự sẻ chia, thông cảm, sự khác biệt là mục tiêu hướng tới của mỗi bên. Chỗ mạnh của cây bút phê bình Ngọc Bái ở chỗ chính anh đã từng khổ công lao động sáng tạo thơ. Vì thế, văn phê bình của anh khá uyển chuyển, ngọt ngào, nhiều chất thơ. Thái độ khen chê tinh tế và chừng mực. Tất cả tạo nên sức thuyết phục cao đối với độc giả.

Điểm sáng của tập sách rất đáng trân trọng còn ở chỗ Ngọc Bái đã trải lòng mình trên một bình diện khá rộng về đề tài, cuộc sống. Anh đã sống với biết bao nỗi yêu thương, nhung nhớ, nuối tiếc, đợi chờ, hò hẹn! Anh đã nhìn ngắm bao nhiêu dãy núi, rừng cây, bao nhiêu mặt hồ, dòng sông, góc biển chân trời! Anh đã gặp bao nhiêu tình huống éo le cuộc đời! Rộng mà không loãng nhạt, xa mà không khuất lấp. Trong mọi mối tâm giao, anh đều có sự xúc động, sẻ chia và nhìn nhận thấu đạt, không chút áp đặt kiểu “mẹ chồng” mà ở vị trí của anh trong nền thơ, người ta có thể nghĩ tới.

Trước khi chấm hết bài viết, tôi không thể không nói ra sự băn khoăn này. Có lẽ anh Ngọc Bái hơi tham, cùng một lúc phẩm bình hơn 40  bài thơ của hơn 40 cây bút. Và như thế tránh sao khỏi sơ sài, nhạt, dễ dãi ở chỗ này chỗ khác. Với người này thì quá tầm, với người kia còn chưa tới. Mỗi bài thơ là một sáng tạo độc đáo rất riêng, do đó bài phê bình cũng phải cá thể hóa, không thể na ná, chứ chưa nói gì giống nhau về kết cấu cách rung động thơ và lời văn…

Hán Trung Châu

Các tin khác

Bộ VHTT & DL vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Nhờ làm tốt công tác quản lý, nên tình trạng rải tiền lẻ ở các đền chùa, lễ hội đã hạn chế đáng kể.

Năm nay, Bộ VHTTDL đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cũng như đốc thúc ban quản lý lễ hội địa phương nhằm hạn chế tình trạng rải tiền phản cảm khắp nơi trong di tich.

Liên hoan nghệ thuật đường phố lần thứ 1.

Liên hoan nghệ thuật đường phố khai mạc vào ngày 23/3 tới đây hứa hẹn giúp các bạn trẻ được thử thách, được sống và vui hết mình với những trào lưu giải trí lành mạnh.

Vào 20h ngày 15-3, tập đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế "Ngôi sao Việt - Lotte VK Pop Super star" chính thức lên sóng VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục