Nhớ tiếng chày thì thọp
- Cập nhật: Thứ hai, 24/3/2014 | 9:11:19 AM
“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều/ Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”
Cọn nước vùng cao.
(Ảnh: Tiến Hùng)
|
Nhà thơ Tố Hữu khi xa núi rừng Việt Bắc về thủ đô Hà Nội mới nhớ cối nước, mới nặng lòng để ra câu thơ ấy. Tôi không dám so sánh với ai, sống giữa núi rừng quê hương mà cũng nhớ, còn đi tìm gặp cối nước thân thương. Thực ra, tôi cũng ở xa nhưng vẫn trong tỉnh và luôn nhớ về Nghĩa Lộ. Mỗi đêm thao thức tôi thường da diết thả hồn về miền đất ấy. Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ cả tiếng chày thì thọp, cần mẫn bên suối, bên ngòi.
Ngày còn nhỏ, đi đâu tôi cũng gặp cối nước: nào cối nước có trục với cánh đan bằng tre nứa cản nước, tạo sức nâng cần giã; nào cối có máng đón nước, tạo sức nặng nhấc cần cối lên giã; nào cối có bánh xe bằng đá, cũng quay bằng sức nước.
Với sự cần cù sáng tạo, con người quê tôi đã biết tận dụng thiên nhiên phục vụ con người, tạo sức nước chảy giúp mình xay giã, biến những bung thóc thành gạo trắng bong, thành nét đẹp văn hóa riêng của vùng đất.
Nhờ sức nước, các loại cối kẽo cọt hết ngày đến đêm, tháng này qua tháng khác. Tôi sinh ra, lớn lên trong tiếng kẽo cọt ấy, sống nơi xa càng nhớ, có lúc nhớ nôn nao. Nào cối nước ở Cang Nà, Chao Hạ, bản Sa, nào cối ở Ngòi Bùa, rồi cối ở bản Que, bản Ngoa, Tông Co, bản Đêu. Không biết bao lần qua ngòi Nung vào mùa nước cạn, tôi đi trên cầu, cầu này không phải bằng sắt, bằng bê tông như bây giờ, mà chỉ bằng những sọt đan tròn, xếp đá làm trụ, trên bắc những đoạn gỗ, đoạn tre thành cầu. Nhún nhảy trên cầu, tôi nghe tiếng nước đùa nhộn, ào ào, đứng ngắm cả dẫy cối xếp hàng theo bờ ngòi. Guồng nước quay kẽo cọt. Cần cối thi nhau nhấc lên, giã xuống. Nước chảy, guồng quay, cối giã, tất cả cùng đua nhau tạo ra âm thanh, thành âm điệu, thành bản nhạc quê hương bất tận.
Bao đêm trăng thanh gió mát, tôi cùng bạn ngồi bên ngòi, thả hồn theo dòng nước, trong bản nhạc tươi mát mà ấm tình ấy. Không biết bao buổi chiều hè, qua suối mát, tôi thường gặp những cô gái đẹp như hoa, váy mặc kín ngực, lộ trần vai và đôi cánh tay nõn nà, duyên dáng, đeo ớp thóc ra ngòi, mà nghĩ đến vàng đeo vàng. Cánh tay ngà ngọc ấy nhẹ nhàng nâng cần cối, vét lấy gạo trắng ngần. Rồi những năm bom đạn, cầu cống bị máy bay đánh, những chiếc cối vẫn cần mẫn, gan dạ. Những hạt thóc nổi tiếng của Mường Lò, nhờ cối vẫn thành gạo trắng thơm. Cối nuôi người Mường Lò, cối làm ra gạo nuôi người đi chiến đấu nơi xa. Nhờ cối mà có những bao gạo đầy, những chuyến xe lặc lè, lòa xòa lá ngụy trang ra trận.
Có những chuyện tôi chẳng bao giờ quên. Chẳng hạn chuyện về một bà mẹ chiến sĩ cao gầy, kham khổ vẫn qua lại nhà tôi, bà có tên là Bái. Ngày Nghĩa Lộ bị giặc chiếm đóng, bà chạy lên sống ở Đồng Lú. Chạy giặc nhưng nhà bà vẫn có ao, có cối. Đất nước bão dông bà đâu được no lành. Giặc về đóng đồn Nghĩa Lộ, chúng o ép, vây càn, bắt bớ… Nhà có đủ vợ chồng còn tan tác đau thương. Bà thân cô còn nặng tình nuôi đứa con gái côi cút. Bà vẫn sống, vẫn gắn bó với cối nước.
Đêm đêm bà nghe tiếng súng đoán địch vây lùng, bắt bớ và đoán việc bộ đội, du kích mình đi về gặp dân. Một lần, biết tin bộ đội về, đông tới một trung đội mà bà mừng, bà thương. Bà mừng được gặp bộ đội. Bà thương anh em ở rừng lâu, thiếu thốn. Biết giặc hay đột ngột đi lùng nhưng bà vẫn làm, làm theo mách bảo của lòng mình. Bà vét gạo nếp Tan thơm từ cối, sàng sẩy. Bà ngâm gạo, thổi xôi. Được một chõ, bà lại xôi tiếp. Có cơm thơm dẻo, bà nắm chặt, bà dùng lá dong của rừng gói lại. Được gói nào, bà xếp lại cho đầy thúng. Bà đợi làm xong sẽ đưa lên núi.
Đề phòng, bà bảo đứa con nuôi côi cút ra đứng canh. Cảnh giác của người dân vùng địch hậu quả không thừa, cả vùng yên tĩnh bỗng ầm ào máy bay. Nó thả dù. Cả một đại đội địch chốc lát xuất hiện. Tiếng giầy đinh, tiếng la hét quây lấy thôn nhỏ. Bà Bái đổ vội chõ xôi. Bà cố gói nốt. Một tay bà lúc lửa cháy nước sôi, lại còn đứa con gái nhỏ chạy vào, giục: "Lũ giặc đã kéo đến!"
Bà luống cuống. Làm thế nào để đưa đi được? Làm sao giữ được bí mật cho các chiến sĩ ở trên núi? Lũ giặc thấy nhiều gói cơm sẽ lộ còn gì? Lẽ nào cơm thơm từ đất Mường Lò, từ cối Mường Lò làm ra lại để nuôi giặc? Để chúng làm hại các con bộ đội, làm hại quê hương?
Lo cho bộ đội, thương bộ đội, bà còn một tình thương rộng lớn như cánh đồng Mường Lò. Bà dứt khoát bưng cả thúng xôi đang gói ra bờ ao sau nhà. Dù đau lòng tiếc của, tiếc công. Để bảo đảm bí mật cho các con bộ đội lúc này là mệnh lệnh trái tim cao nhất. Bà đành thả tình đất, tình người xuống ao nước đầy ăm ắp. Chiếc cối nước đứng bên vẫn kẽo kẹt đều đều...
Lũ giặc vào nhà, gặp bếp lửa, thấy chõ, thấy ninh, thấy cả mùi xôi thơm nức cũng chỉ quẩn quanh, hoạnh họe. Chúng chẳng tìm thấy gì đành đi. Sau chuyện ấy các con bộ đội biết chuyện càng quý mẹ, quý gạo thơm, tự hào về chiếc cối quê núi…
Tôi đã mấy lần về Nghĩa Lộ, lang thang theo các ngòi, các suối tìm những chiếc cối quen thuộc, thân thương mà chỉ gặp sự vắng lặng với bờ cát rậm cỏ. Hiểu nỗi lòng tôi, một bác người Mường ở bản Tông Ả nói trong tiếng thở dài luyến tiếc: “Từ ngày có máy xay xát nhiều, cối nước cứ hết dần…”.
Biết rằng cuộc sống kinh tế khá lên, khoa học công nghệ phát triển giúp con người rất nhiều nhưng lòng tôi cứ vấn vương tự hỏi: Thời hội nhập làm ăn, phát triển, đổi mới, liệu còn những gì thân thương rồi lại thành nỗi nhớ?
Trần Cao Đàm
Các tin khác
Đài MBC vừa chính thức thông báo phần 2 của bộ phim truyền hình cổ trang nổi tiếng xứ Hàn đang được sản xuất và dự kiến lên sóng vào tháng 10 năm nay.
Theo Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND TP Hà Nội vừa được ban hành, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) và các ngày lễ quan trọng khác trong năm 2014 sẽ diễn ra liên tục trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm.
Cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ năm 2014 đã khép lại với hai giải vàng dành cho Thu Thủy và Ngân Khánh với số điểm từ giám khảo và bình chọn của khán giả bằng nhau. Giải bạc thuộc về "Ốc" Thanh Vân.
Hơn 100 bức ảnh đen trắng do các nhà nhiếp ảnh Pháp chụp tại Việt Nam từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 được trưng bày tại Paris tối ngày 20-3 để giới thiệu về đời sống sinh hoạt và phong cảnh của Việt Nam những năm xưa.