Phan Châu Trinh với văn hóa và giáo dục Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 25/3/2014 | 8:34:27 AM
Nhân lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VII vừa diễn ra tối 24/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đúng kỷ niệm 88 năm ngày mất nhà chí sỹ Phan Châu Trinh (24/3/1926-24/3/2014) báo điện tửVietnam+ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Nhà chí sỹ Phan Châu Trinh
|
Nhắc lại lý do Quỹ hình thành, Giáo sư Chu Hảo cũng phát chia sẻ nhận định của ông về những quan điểm, đóng góp của nhà chí sỹ Phan Châu Trinh đối với nền văn hóa và giáo dục của nước nhà.
Theo đó, Giáo sư Chu Hảo nhìn nhận: Từ đầu thế kỷ XX, nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh đã nêu lên khẩu hiệu “Khai dân trí-Chấn dân khí-Hậu dân sinh.” Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, khẩu hiệu ấy vẫn luôn mang tính thời sự.
Phan Châu Trinh cũng như những nhân vật kiệt xuất của thế giới như Nelson Mandela hay Aung San Suu Kyi đều là biểu tượng sáng ngời của những dân tộc với những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng cùng có số phận bi thương trong thời hiện đại.
Và họ đều đã có chung một lý tưởng: Đấu tranh vì Dân quyền và Nhân quyền cho đất nước mình bằng phương pháp ôn hòa, bất bạo động, dựa trên nền tảng văn hóa và giáo dục.
Nếu như Nelson Mandela - biểu tượng của tinh thần hòa giải yêu thương- giải Nobel Hòa bình năm 1993, khi kiên quyết rút khỏi cương vị nguyên thủ quốc gia Nam Phi khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1999, đã tuyên bố: “ Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới!”
Thì tại Việt Nam, trước đó một thế kỷ, Phan Châu Trinh (1872-1926), một chí sỹ cách mạng theo đường lối cải cách ôn hòa với chủ trương "Khai dân trí-Chấn dân khí-Hậu dân sinh," đã chọn con đường hy sinh vì dân vì nước bằng cách của riêng của mình.
Thời đó, cũng như Phan Châu Trinh rất nhiều các nhà nho yêu nước khác như Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... đều nung nấu ý chí cách mạng giải phóng dân tộc.
Vào thời gian ấy, một luồng sách báo khai sáng (gọi là Tân thư ) đã được một số nhà nho yêu nước như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ...bí mật mang từ bên Trung Quốc về Trường Quốc học Huế.
Đó là những tác phẩm kinh điển về tự do, dân chủ, quyền con người... của phương Tây đã được các học giả Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật từ thời minh trị Thiên Hoàng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ 20 các nhà duy tân Trung Hoa dịch sang tiếng Hán.
Những trang sách này đã khiến các nhà nho yêu nước thêm kiến thức, ý chí để tìm ra con đường đi, nhằm đem lại cuộc sống dân chủ cho đồng bào.
Thế nhưng, theo đánh giá của học giả Hoàng Xuân Hãn, có lẽ chỉ có một mình Phan Châu Trinh nhận thức được rằng vào thời điểm đó dân tộc ta đã lạc hậu hẳn một thời đại văn minh so với kẻ cai trị từ phương Tây tới.
Ông đau xót nhận ra là dân tộc mình dù đã không chịu khuất phục trước dã tâm đồng hóa của các thế lực bá quyền từ phương Bắc (có thể vì vẫn cùng chung với kẻ thù truyền kiếp ấy một ý thức hệ Quân chủ - Nho giáo), nhưng lại tỏ ra bạc nhược chịu kiếp lầm than trước kẻ cai trị mới tới từ nền Dân chủ - Nhân quyền.
Từ Quân chủ đến Dân chủ là cả một thời đại văn minh kèm theo sự vượt trội về vật chất kỹ thuật và các thiết chế văn hóa-xã hội.
Phan Châu Trinh tin rằng, để san bằng khoảng ngăn cách thời đại ấy không gì hơn là là phải bắt đầu từ canh tân văn hóa và giáo dục với lời kêu gọi thống thiết: “Quốc dân đồng bào ơi ! Chớ nên ỷ lại nơi người, ỷ lại nơi người tất ngu. Chớ nên ỷ mình mà bạo động, bạo động tất bại. Chi bằng học !”
“Chi bằng học!” Học để khai dân trí; dân được hiểu biết, được giác ngộ mới chấn hưng được dân khí để vùng lên phá bỏ gông xiềng và xây dựng đời sống mới.
“Khai dân trí” rồi mới “chấn dân khí” là tầm nhìn vượt trội của Phan Châu Trinh: Thấy trước rằng nếu lực lượng nòng cốt của một cuộc cách mạng là những giai tầng vô học thì chỉ có thể dùng bạo lực để lật đổ, phá bỏ cái cũ, chứ không thể xây dựng được một xã hội mới công bằng, văn minh và thịnh vượng.
Ông đã không mệt mỏi hô hào đả phá những tục lệ thô lậu và lối học hủ nho nô dịch bằng các phong trào Canh tân văn hóa và Thực học- thực nghiệp. Chỉ có mấy năm trời mà khí thế đổi mới đã bừng bừng, sôi động, lan truyền khắp nơi từ Trung ra Bắc, vào Nam, khiến chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp hoảng sợ và đàn áp dã man…
Chính bởi vậy, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã ra đời nhằm nhớ đến người đã đưa ra tinh thần “Khai dân trí-Chấn dân khí” - một tinh thần bất diệt để chúng ta tiếp bước người xưa, mở mang kiến thức, đưa tri thức vào giáo dục, văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển hưng thịnh của đất nước.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh được thành lập từ năm 2007 với tên gọi ban đầu là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, sang năm 2008, tổ chức này đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - cháu ngoại của nhà chí sỹ Phan Châu Trinh làm Chủ tịch.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc bất vụ lợi trên cơ sở kêu gọi sự hợp tác về trí tuệ cũng như sự tài trợ từ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vì sự nghiệp canh tân văn hóa Việt Nam.
Trong 7 năm qua, Quỹ đã được rất nhiều "Mạnh Thường Quân" ẩn danh tài trợ kinh phí cho giải thưởng cũng như sự ủng hộ của các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. "Chúng tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp, các nhà tài trợ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, đã đồng hành cùng Quỹ với cùng chung tiêu chí: “Khai dân trí-Chấn dân khí".
(Theo TTXVN)
Các tin khác
“56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” đã làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dựng lại hình ảnh về một chiến dịch huyền thoại trong lịch sử dân tộc lại luôn khiến các nhà làm phim Việt “bó tay”.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chấp thuận cho tỉnh Bến Tre tổ chức festival dừa Bến Tre lần thứ 4 - năm 2015 với quy mô cấp quốc gia.
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất châu Á đã được xác lập là Kỷ lục châu Á mới.