Hội Nhà văn Việt Nam, dấu ấn lịch sử và vị trí hiện nay
- Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2014 | 8:21:11 AM
Từ những trang viết của các thế hệ nhà văn cách mạng, nhà văn kháng chiến, người đọc bây giờ và mai sau vẫn có thể tìm thấy những lý giải sinh động về những nguồn lực, năng lượng tiềm ẩn và vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Hội Nhà văn Việt Nam chính thức thành lập năm 1957 nhưng đóng góp của những người cầm bút vào sự nghiệp giải phóng đất nước phải tính từ trước đó hàng chục năm. Sau khi Ðảng ra đời (3-2-1930) đã xuất hiện những nhà văn, nhà thơ cách mạng tự nguyện lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, như Tố Hữu, Xuân Thủy... và Hồ Chí Minh trong lao tù tăm tối của Tưởng Giới Thạch đã viết "tuyên ngôn" nền văn học mới: Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cuộc đấu tranh vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc muôn vàn gian khổ hy sinh của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn mang tầm vóc thời đại với những mốc son lịch sử chói lọi như tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ 1954, Ðại thắng mùa xuân 1975...
Ðồng hành với các cuộc chiến tranh yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc là đội ngũ nhà văn chân chính vừa đánh giặc vừa làm thơ như chúng ta từng biết, từng nói. Một số nhà văn, nhà thơ lãng mạn, hiện thực phê phán tài năng cũng đã sớm đi theo cách mạng, tự nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc.
Và bây giờ, mặc cho ai đó muốn đánh tráo, bôi lem, hay cố tình hạ thấp thì nhiều trang viết của đội ngũ nhà văn cách mạng, nhà văn kháng chiến vẫn được đông đảo công chúng ghi nhận về những giá trị cao cả, đẹp đẽ của nó. Từ những trang viết của các thế hệ nhà văn cách mạng, nhà văn kháng chiến, người đọc bây giờ và mai sau vẫn có thể tìm thấy những lý giải sinh động về những nguồn lực, năng lượng tiềm ẩn và vẻ đẹp của con người Việt Nam. Ðó chính là lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần xả thân cho chính nghĩa, là tình thương yêu con người, là sự thủy chung trọn vẹn, là tính lạc quan mang những nét độc đáo rất Việt Nam.
Vẻ đẹp Việt Nam ấy đã được thể hiện trong văn học cách mạng với những góc nhìn mới, ánh sáng mới, chưa nhiều lắm những tầm cao nhưng cũng không hiếm những lung linh rung động.
Chúng ta có quyền tự hào về đội ngũ nhà văn cách mạng, nhà văn kháng chiến với những tên tuổi như Tố Hữu, Nam Cao, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Ðình Thi, Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Bổng, Hồ Phương, Anh Ðức, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Hoài Thanh, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Phạm Tiến Duật, Ðỗ Chu, Hữu Thỉnh...
Hội Nhà văn Việt Nam có những cánh chim đầu đàn như thế và dấu ấn nó để lại trong lịch sử hiện đại của dân tộc không phải là những nét mờ, những mảng tối. Hội Nhà văn Việt Nam mang trong mình truyền thống tốt đẹp được xây dựng, bồi đắp, đan dệt nên bởi nhiều thế hệ nhà văn hết lòng gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân, từng trải buồn vui với số phận đất nước, không phải chỉ ngày một ngày hai mà hàng bao thập kỷ hết chiến tranh lại hòa bình, hòa bình rồi lại chiến tranh. Ai đong hết những lo toan day dứt, trăn trở trong muôn vàn dồn dập thăng trầm, sóng gió của xã hội, của cuộc đời?. Nhiều lắm những ngang trái nhiễu nhương, đôi khi tưởng chừng phải bỏ dở, phải gào thét, phải thoái lui...
Trong những hoàn cảnh như vậy, phần lớn những người cầm bút vẫn bình tĩnh nhận ra giải pháp nào là tối ưu nhất cho đất nước, cho nhân dân và cho mình. Linh cảm và dự cảm nhạy bén của nhà văn là vốn quý của người cầm bút. Không ít tác phẩm nói về cái xấu, cái ác vẫn được rất nhiều người trân trọng, bởi chúng ta nhận ra ánh sáng thiện tâm của người cầm bút.
Khi làm đơn vào Hội Nhà văn Việt Nam, chắc ai cũng nghĩ tới trách nhiệm và nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân của người cầm bút. Những vấn đề ấy, đương nhiên phải được ghi trong Ðiều lệ Hội. Tuy nhiên, những khái niệm đó phải được nhà văn thể hiện bằng tác phẩm.
Hình tượng nhân vật, bản sắc ngôn ngữ, dấu ấn sáng tạo... là những tiêu chí muôn thuở của người cầm bút, là những gì họ sẽ tạo ra từ quá trình lao động đơn độc, lặng lẽ của mình. Vậy thì, trong tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của các nhà văn, Hội đã, đang và sẽ phải làm gì để gắn kết, nâng đỡ, bảo vệ những thành viên của mình?
Trước hết, Hội tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn - hội viên lao động sáng tạo và công bố tác phẩm của mình. Ðầu tư sáng tác, mở trại viết, tổ chức các cuộc thi văn học, xét giải thưởng... là những việc làm mà Hội Nhà văn Việt Nam thường xuyên quan tâm. Chính nhờ thế mà trong mấy năm qua đã có những tác phẩm khá ra đời, trong đó, theo tôi nổi bật nhất vẫn là tiểu thuyết.
Về mặt tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam cơ bản vẫn tập hợp được đông đảo những người cầm bút chân chính, thuộc nhiều thế hệ; động viên, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích họ sáng tạo theo nhiều khuynh hướng truyền thống và hiện đại nhằm xây dựng nền văn học nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quyền tự do sáng tạo của nhà văn nhìn chung được tôn trọng, những cách tân, đổi mới chính đáng trong văn học được đề cao. Không có sự xung đột, ngăn cách lớn giữa các thế hệ, các lớp nhà văn.
Hội Nhà văn Việt Nam còn đại diện cho các nhà văn Việt Nam trong quan hệ, giao lưu với các hội, các tổ chức nhà văn nước ngoài thông qua những hoạt động phù hợp, hữu ích. Thành công tốt đẹp của Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất được tổ chức tại Hạ Long, cuộc gặp gỡ với các nhà văn Á - Phi tại Hà Nội, những cuộc tiếp xúc thân thiện với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ và gần đây nhất là đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc do Chủ tịch Thiết Ngưng dẫn đầu sang thăm làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam. Chính các hoạt động đó đã góp phần tăng cường tình hữu nghị hiểu biết lẫn nhau giữa nhà văn Việt Nam với nhà văn bè bạn trên thế giới. Bằng tác phẩm, các nhà văn hướng tới hòa bình của nhân loại, những giá trị nhân văn của con người, chống chiến tranh, xóa bỏ hận thù chia cắt giữa các dân tộc, chủng tộc, sắc tộc. Trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi nhà văn là một sứ giả văn hóa dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan, khác biệt nhưng không cách biệt trên mẫu số chung là con người, là nhân loại.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn vào những khiếm khuyết trong hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Ðó là, chất lượng báo chí văn học chưa đều, có những tạp chí của Hội hiện nay bị hội viên và bạn đọc chê bai khá nhiều. Lỗ hổng thể hiện rõ từ khâu tổ chức, biên tập, quan hệ cộng tác viên và đương nhiên là cả phát hành nữa. Vì thế, chúng ta nên quan tâm củng cố và tái tổ chức cơ cấu hệ thống báo chí của Hội theo hướng gọn và hay, cũng như mạnh dạn bỏ đi những tạp chí không có chỗ đứng trên thị trường văn hóa phẩm.
Bên cạnh đó, dù đã có những cải tiến nhưng việc kết nạp hội viên và xét giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn còn những điều cần góp ý. Vẫn có những người cầm bút chưa thật sự nổi bật được kết nạp vào Hội và ngược lại. Cũng như thế, một số tác phẩm bình thường vẫn được trao giải thưởng của Hội. Trách nhiệm thuộc về ai? Nếu như không thẳng thắn chỉ ra là của các Hội đồng chuyên môn, của các thành viên Ban Chấp hành Hội...
Ðương nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có vị trí quan trọng ở nước ta hiện nay. Tạo được sự đoàn kết và tính đồng thuận cao trong Hội là nhiệm vụ hàng đầu để các nhà văn thấy rằng, đây thật sự là mái nhà chung ấm áp của họ chứ không phải là nơi "vùng vẫy" của một số người, nhóm người. Thật không dễ chút nào khi đây là nơi tập hợp của gần 1.000 con người thường có "cá tính mạnh" lại "nhiều chữ nghĩa".
Sự tác động của những diễn biến vô cùng phức tạp từ thế giới và trong nước đang diễn ra hằng ngày trên "hành tinh phẳng" dễ khoét sâu thêm những ngăn cách, bất đồng, bất phục giữa các nhà văn. Hội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ quyền tự do sáng tạo văn học của người cầm bút, thẳng thắn phê phán những biểu hiện quy chụp vô lối đối với nhà văn, còn phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, những gì không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, thể hiện trong văn chương.
Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, thì mỗi nhà văn phải gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình để diễn tả chân thực đời sống con người Việt Nam thấu tận chiều sâu triết học, con đường văn học ta luôn luôn được cầm tay nhân dân và tìm thấy tiếng nói trong nền văn hóa thế giới, như nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết vào năm 1989. Có lẽ, công việc lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là làm sao cho ước muốn ấy trở thành hiện thực sống động, để nền văn học nước nhà vừa có nền vững chãi, vừa có những đỉnh cao.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Liên hoan Diều quốc tế lần thứ 5 với chủ đề “Vũ điệu hòa bình” sẽ diễn ra từ ngày 8-12/5 tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chương trình Lễ hội Xuân 2014 với chủ đề “Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc” bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch, từ thiện nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Bánh chưng, bánh dày kỷ lục cũng như các lễ vật mang tính phô trương, nhằm quảng bá cho doanh nghiệp sẽ bị từ chối ở lễ Giỗ Tổ năm nay.
Tối 30-3, tại Đà Lạt, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã bế mạc trại sáng tác ảnh nghệ thuật “Đại ngàn Tây Nguyên”. Đây là một chương trình trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014.