"Cô Sao" làm nức lòng khán giả Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2014 | 8:02:41 AM

Qua gần 50 năm, vở nhạc kịch vẫn có tính thời sự mà gần gũi, giá trị nghệ thuật của "Cô Sao" vẫn đủ sức chinh phục khán giả.

Một cảnh trong vở nhạc kịch
Một cảnh trong vở nhạc kịch "Cô Sao".

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), lần đầu tiên vở nhạc kịch “Cô Sao” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được đưa lên diễn tại tỉnh Sơn La.


Nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”... Ông cũng là người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. Những thể nghiệm đầu tiên của ông là các ca kịch ngắn như “Cả nhà thi đua”, “Sóng cả không ngã tay chèo”… sau đó là các vở nhạc kịch rồi đến các tác phẩm khí nhạc.

Nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận có lẽ là vở nhạc kịch “Cô Sao” – vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc các mạng Việt Nam, sáng tác năm 1965. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Cô Sao” được  Đỗ Nhuận “thai nghén” trong thời gian bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Sơn La.

Sinh thời, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có mong muốn vở “Cô Sao” được trình diễn trên vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở Sơn La. Đây không chỉ là nơi ông giam cầm mà cũng là nơi Đỗ Nhuận giác ngộ cách mạng, về ý thức giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Sơn La cũng là nơi giúp ông biết đến những câu chuyện dân gian đầy màu sắc của vùng đất Tây Bắc.

“Cô Sao” được viết dựa trên một câu chuyện dân gian về cô gái Thái xinh đẹp mang tên A Sao. Cô mồ côi cha mẹ, sau đó bị kẻ xấu vu oan hãm hại là có ma trong người, A Sao phải một mình vào rừng sống. Tại đây cô gặp Hà và Vân, hai chiến sĩ đã giúp A Sao có thêm niềm tin, nghị lực vượt lên số phận.

Trong tác phẩm có hình ảnh của nhạc sĩ – chiến sĩ cách mạng Đỗ Nhuận và có những chi tiết thực của xã hội trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945. Tuy nhiên, do điều kiện lúc bấy giờ, vở “Cô Sao” không thể trình diễn trên vùng Tây Bắc.

“Cô Sao” lần đầu tiên được dựng và công diễn tại Hà Nội vào năm 1965 với hơn 150 nhạc công và quy mô rất đồ sộ. Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vở nhạc kịch được dàn dựng lại với một phiên bản mới, ngắn gọn hơn của đạo diễn Văn Hà.

Sau đó, lực lượng làm nhạc kịch dần bị mai một và mãi đến năm 2012, với nỗ lực khôi phục lại kịch bản của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mới giới thiệu đến công chúng một phiên bản hoàn toàn mới của “Cô Sao”.

Đến đầu năm 2014, vở nhạc kịch đã hoàn thành được ước vọng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là đưa lên công diễn ở Sơn La vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Phủ. Ngoài việc giới thiệu, công bố vở diễn có tính nghệ thuật, giá trị về tư tưởng, đoàn diễn cũng nhằm tri ân các thế hệ chiến sĩ cách mạng và trong đó có các chiến sĩ từng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La.

Là một trong những người theo sát quá trình đưa vở “Cô Sao” đến với Sơn La với vai trò đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho biết, để đưa được vở diễn lên Sơn La cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất và kinh tế.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân với vai trò đạo diễn âm nhạc (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sơn La không có một nhà hát đủ tiêu chuẩn, mà chỉ có một hội trường với sức chứa khoảng 500 người. Do đó, đoàn diễn đã phải làm gọn lại từ trang trí, hệ thống ánh sáng, cải tạo sân khấu đến dàn nhạc và lực lượng diễn viên, từ 150 đã phải rút xuống 80 người. Đồng thời, cũng phải điều chỉnh lại tất cả về nghệ thuật, từ dàn hợp xướng đến dàn nhạc và nhạc cụ.

“Kinh phí để dàn dựng lại và di chuyển đoàn diễn từ Hà Nội lên Sơn La là không nhỏ. Hội nhạc sĩ Việt Nam kết hợp với Dàn nhạc giao hưởng và Nhà hát nhạc vũ kịch đã phải tự túc về mặt diễn viên, bồi dưỡng và một phần về mặt đi lại. Rất may, UBND tỉnh Sơn La đã lo chỗ ăn ở của đoàn trong 5 ngày. Với quyết tâm của rất nhiều bên, “Cô Sao” đã chính thức được công diễn vào 2 ngày 25 và 26/3 vừa qua” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.

Việc phục dựng và đưa được vở diễn về nơi sinh ra có ý nghĩa rất lớn bởi đây cũng là lần đầu tiên, đồng bào dân tộc được xem một loại hình nghệ thuật có tính chất quốc tế như Opera. Thế nhưng, cả 2 đêm diễn của đoàn đều đông kín khán giả. Thậm chí, nhiều người còn phải ra về vì không có chỗ ngồi.

Đây là một tín hiệu rất mừng bởi theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, khán giả có thể tiếp nhận và hiểu được một loại hình âm nhạc hoàn toàn xa lạ. Điều đó cho thấy, qua gần 50 năm, vở “Cô Sao” vẫn có tính thời sự mà lại gần gũi, giá trị nghệ thuật của vở nhạc kịch vẫn đủ sức chinh phục khán giả, xứng đáng là đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc thời kỳ cách mạng kháng chiến.

(Theo VOV)

Các tin khác
Festival Huế 2014 hứa hẹn mang đến nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. (Trong ảnh: Festival Huế 2002)

Festival Huế 2014 diễn ra từ ngày 12-20/4 với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Liên hoan âm thanh Hà Nội từng khiến khá giả thích thú khi có sự hòa trộn cả âm nhạc dân tộc lẫn âm nhạc điện tử.

Trong hai ngày 11 và 12-4, sự kiện âm nhạc điện tử được đón chờ nhất trong năm – “Liên hoan âm thanh Hà Nội 2014” sẽ diễn ra với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đương đại.

Lễ hội Hạn khuống ở Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ).

YBĐT - Lễ hội mùa xuân còn bộc lộ những bất cập như việc có nơi lễ hội còn để cho tư nhân tổ chức các trò chơi có bóng dáng cờ bạc như trò tôm, bầu, cua, cá; có người lợi dụng thi đá gà để cá cược hoặc trong hội chọi trâu vẫn có những nhóm người tự cá cược với nhau…

Công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện đang tập trung thi công gói thầu số 5, đã đạt 80% khối lượng

Thật tuyệt vời khi gắn bó với mảnh đất lịch sử, thể hiện sức sáng tạo bằng những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Điện Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục