Nghĩ về văn hóa đọc
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2014 | 8:42:13 AM
YBĐT - Ngày nhỏ, tôi ham đọc sách lắm. Ở nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chẳng có tiền nhiều để mua sách thành ra lũ bạn học cứ phải trao đổi cho nhau.
Mỗi trang sách hay chứa đựng tinh hoa trí tuệ nhân loại.
(Ảnh: P.V)
|
Mà cũng không có điều kiện để lựa chọn loại sách, bởi vậy vớ gì đọc nấy. Nào là sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Thanh Niên, Phổ thông, Văn học… và cả sách kiếm hiệp, trinh thám xuất bản từ thời thuộc Pháp nữa.
Lúc đi học đại học, lại vào chuyên ngành Ngữ văn, thành ra đọc sách gần như trở thành duyên nợ. Tôi cứ nhớ câu của các nhà nho phong kiến "Vạn ban giai hạ phẩm, duy ngã độc thư cao" (Mọi nghề đều thấp hèn, chỉ có đọc sách là cao quí). Dẫu không đúng trong xã hội bình đẳng, có phân công lao động song chí ít cũng phần nào cho ta thấy cái lợi của việc đọc sách, vì sách là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Do vậy nó là người thầy, là chiếc chìa khóa mở cửa kho tàng tri thức của nhân loại. Nếu không đọc sách đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự đóng cánh cửa hiểu biết và cơ hội phát triển của mình lại.
Hiện nay, số lượng sách xuất bản hằng năm khá nhiều và đa dạng về chủng loại. Hình thức xuất bản cũng phong phú, bên cạnh sách in truyền thống còn có loại hình sách điện tử. Thế nhưng việc đọc sách hình như cũng ít đi, chỉ tập trung vào những người mà nghề nghiệp buộc họ phải tiếp xúc với sách. Tỷ lệ đọc sách bây giờ của người Việt Nam theo thống kê của Vụ Thư viện thì chỉ là 0,8 cuốn sách/người/năm.
Trong khi người dân Nhật trên 30 cuốn sách/năm, người dân Israen đọc 60 cuốn sách/năm. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.
Lê Nin nói: "Học, học nữa, học mãi". Đối với chúng ta đang xây dựng xã hội học tập với phương châm học tập suốt đời thì sự học không chỉ dừng lại ở nhà trường mà phần rất quan trọng là tự học.
Trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, từ hàng mấy chục năm qua, do ảnh hưởng của chiến tranh và khó khăn về kinh tế, bây giờ lại bị tác động của kinh tế thị trường nên người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, ngay ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho con em.
Không chỉ thói quen đọc mà còn cả khả năng lựa chọn sách để đọc nữa. Ba yếu tố: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc hợp thành cốt lõi của cái gọi là văn hóa đọc. Người ta không nên chỉ biết đọc những sách chuyên ngành mà nên đọc cả những cuốn sách có khả năng giúp họ trang bị một phông văn hóa sâu rộng, để có thể hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và thế giới.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Muốn biết đọc trước hết phải ham đọc. Bởi đọc là một sở thích nhưng cũng là công việc đầy nặng nhọc. Nhiều người đọc để giải trí, một thú vui. Song, đọc không phải là một trò chơi nếu ta muốn phấn đấu thành tài. Chỉ khi chúng ta coi việc đọc như một say mê tự thân, ta mới dám vượt khó, mới ham đọc và mới hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở".
Chưa bao giờ người ta bàn nhiều về văn hóa đọc như hiện nay. Thật vui mừng khi xã hội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp của văn hóa đọc.
Ngày 21 - 2 - 2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 284 công bố Ngày sách Việt Nam là ngày 21 tháng 4 hằng năm. Một dân tộc ham đọc sách, hiếu học là một dân tộc có cơ hội để phát triển. Một dân tộc không yêu sách, không thiết tha với việc đọc sách thì đó là điều đáng lo ngại. Khi mỗi người chúng ta nhận thức được đầy đủ vai trò của sách cũng như biết cách tự tạo cho mình một kỹ năng, sở thích đọc hiệu quả thì chắc chắn rằng văn hóa đọc nói chung sẽ ngày càng phát triển bền vững
Thế Quynh
Các tin khác
Số lượng tác phẩm dự thi Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII - Năm 2013 tăng mạnh về số lượng với 1.676 tác phẩm dự thi từ 196 đơn vị là các tổ chức Hội ở trưng ương, địa phương và các cá nhân; trong đó có 1.665 tác phẩm đủ điều kiện dự giải.
Liên hoan Diều lần thứ 5 đang diễn ra tại Vũng Tàu được xem là lớn nhất từ trước đến nay với sự xuất hiện lần đầu tiên của diều chú Tễu dài 10 m và diều cô Tiên dài 12 m, rộng 2 m.
Sáng 8/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2014 đã khai mạc trọng thể tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Bộ tem Hồ Chí Minh (gồm 7 con tem) do họa sĩ Kumudu Tharaka người Sri Lanka thiết kế, thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa đặc trưng với màu sắc rực rỡ, tươi sáng.