Rừng trong đời sống tâm linh một số dân tộc Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2014 | 9:50:57 AM

YBĐT - Các dân tộc sống ở vùng rừng núi từ xa xưa đã quan niệm sống chết nhờ rừng. Đúng vậy, từ thuở tổ tiên ta còn sống theo lối săn bắt, hái lượm thì tất cả mọi thứ đều nhờ ở rừng. Khi con người từng bước chế ngự và làm chủ thiên nhiên thì rừng vẫn cho con người bao sản vật và nguồn nước để sinh hoạt, trồng cấy, chăn nuôi. Đến khi con người giã từ cuộc sống thì rừng lại là nơi ký thác thân xác và hồn vía.

Phía sau những làng bản của người Thái ở Trạm Tấu, rừng già vẫn xanh tươi.
Phía sau những làng bản của người Thái ở Trạm Tấu, rừng già vẫn xanh tươi.

Chính vì rừng bao bọc cuộc sống của con người nên hầu hết các dân tộc đều coi rừng như một vị thần và thần rừng hay ma rừng là đấng linh thiêng. Ngay cả bây giờ, khi nhận thức và đời sống kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng rừng trong đời sống tâm linh của nhiều đồng bào dân tộc vẫn còn được bảo lưu rất rõ, thể hiện qua những phong tục, tập quán hay cách ứng xử đối với rừng.

Chẳng hạn, ở vùng người Thái xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu), rừng xung quanh bản vẫn là những cánh rừng già. Những cánh rừng này về ý nghĩa thực dụng thì bà con bảo tồn để giữ cho môi trường sống mát mẻ, chống nước mưa tràn vào nhà và lở đất, giữ nguồn nước cho sinh hoạt, giữ để lấy củi, nuôi gỗ…

Nhưng ở khía cạnh tâm linh, người Thái từ xa xưa đã quan niệm rừng vừa có thần (ma) rừng, vừa là chỗ của tổ tiên của họ ngụ nên trong mỗi bản làng thường có những chỗ được chọn làm rừng thiêng (đông cắm), những khu rừng này hầu như không được phép khai thác và họ có câu răn rằng: “Giữ rừng cho con người sinh sôi/Giữ rừng để cho mó nước không ngừng chảy/Ai biết điều ấy thì mới nên người”.

Cũng giống như người Thái, dân tộc Hà Nhì đen thì cho rằng con người khi chết hồn vía của họ đều tìm đến các cây rừng để trú ngụ nên trong các khu vực người Hà Nhì đen sinh sống có những khu rừng hầu như dân không được vào đó, trừ dịp bản làng làm lễ cúng tế. 

Người Mường, người Dao không có quan niệm rừng là nơi trú ngụ của tổ tiên nhưng với, họ thần rừng và ma rừng là đấng linh thiêng có khả năng ban phát cho con người mọi thứ nhưng rừng cũng đầy huyền bí, có thể gây trở ngại cho con người. Vì thế, là một tộc người sống chủ yếu nhờ canh tác nương rẫy nhưng người Dao trước đây mỗi khi phát nương họ không bao giờ phát hết lên tận đỉnh núi, bởi vì có thể do kinh nghiệm canh tác, họ để lại cây trên đỉnh núi nhằm giữ độ ẩm cho cây trồng ở bên dưới nhưng mặt khác họ có quan niệm mỗi đỉnh núi đều có những ma rừng cai quản, do đó khi làm nương phải chừa những chỗ cao nhất không được phát vì đấy là chỗ của ma rừng. Còn người Mường thì dành những rừng “động” cho ma đồi và nơi đó cũng không được canh tác, chặt phá.

Vì những lợi ích từ rừng và rừng có ý nghĩa tâm linh như vậy nên nhiều tộc người đều có nghi lễ cúng tế ma rừng. Chẳng hạn, người Thái dịp sau tết Nguyên đán có lễ Xên đông (cúng rừng). Dân làng phải mổ một trâu đen và một trâu trắng để làm lễ tế tại rừng thiêng. Bà con các bản tập trung đến đây làm lễ rồi cùng ăn uống, vui chơi. Người Mường vào dịp sát tết có lễ cúng đóng cửa rừng để ma đồi được yên tĩnh ăn tết. Sau tết, thường vào khoảng mồng 7 tháng Giêng thì có lễ mở cửa rừng để dân tiếp tục làm nương, khai thác lâm sản.

Người Dao mỗi khi vào mùa tra hạt, các gia đình chuẩn bị lễ vật mang lên cúng tế tại nương rẫy nhằm tạ ơn ma rừng đã cho phát nương và cầu mong được phù hộ mùa màng thắng lợi. Các làng, bản của  người Hà Nhì đen, vào dịp sau tết cũng đều tổ chức lễ cúng “Gạ tu” ở khu rừng cấm đầu làng. Trong nghi lễ này, người Hà Nhì đen kết hợp cúng tổ tiên, cúng thần rừng, thần nước. Người Nùng ở một số nơi cũng tổ chức cúng rừng nhưng họ chọn khu rừng nào có hai cây to mọc gần nhau, gần bản để tổ chức lễ cúng “cây bố, cây mẹ”…

Ngoài nghi lễ cúng thần rừng mang đặc thù của từng dân tộc, hầu hết các dân tộc còn có lễ cúng tạ ma rừng. Lễ cúng này có khi không được tổ chức thường xuyên hàng năm mà cúng theo định kỳ vài năm một lần hoặc đột xuất có thể cúng liên tục vài năm trong trường hợp thú dữ, thú rừng thường xuyên làm hại con người, nương rẫy, có bệnh dịch… mà người xưa cho rằng có nguyên nhân từ việc bị “động” rừng. Nhưng tựu chung lại. tất cả các nghi lễ này đều mang ý nghĩa của nghi lễ cầu mùa, cầu bình an của cư dân vùng rừng núi từ thuở xa xưa, cũng cho thấy lòng yêu rừng, quý rừng, trọng rừng của những tộc người gắn bó với rừng.

Hoàng Nhâm  

Các tin khác

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định xếp hạng 2 di tích quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi và Nghệ An.

Ca khúc

Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Hùng đã sáng tác ca khúc này trong bối cảnh cả nước cùng hướng về những người lính Biển Đông.

Họa sĩ Thu Thủy bên tác phẩm Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam

Tác phẩm tranh cổ động ghép gốm cỡ lớn: Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam vừa được khánh thành tại đảo Trường Sa Lớn.

Một tác phẩm trong bộ ảnh 12 tướng trận thời bình vừa đoạt giải tại Cộng hòa Czech.

Triển lãm cá nhân thứ 9 của nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn có tên 12 tướng trận thời bình sẽ diễn ra từ 19 - 24.5 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, nhằm chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2014), 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2014).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục