Bảo tồn di tích Cổng Đục - Đồn Cao:

Nên phục dựng lại mặt bằng di tích!

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2014 | 2:28:30 PM

YBĐT - Di tích lịch sử Cổng Đục - Đồn Cao nằm trên địa bàn phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái). Di tích vừa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vì đây là một trong hai di tích trên địa bàn thành phố liên quan đến cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Yên Bái tháng 2 năm 1930 do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo.

Cổng Đục vừa được xếp hạng di tích hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cổng Đục vừa được xếp hạng di tích hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện nay, di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, mặt bằng di tích Đồn Dưới thuộc khu di tích này thì dân cư đã xây dựng nhà ở từ lâu, còn mặt bằng di tích Đồn Cao nằm trên đỉnh đồi khá hoang phế. Dấu vết kiến trúc duy nhất còn lại là Cổng Đục thuộc Đồn Cao cũng đang xuống cấp nghiêm trọng do ẩm thấp, cỏ cây xâm lấn và có lúc đã trở thành nơi đổ rác thải sinh hoạt của dân trong vùng.

Tuy nhiên, đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng vì Yên Bái giữ vị trí chiến lược quan trọng với tuyến đường sắt nối Hà Nội sang Vân Nam (Trung Quốc) nên Việt Nam Quốc dân Đảng đã chọn Yên Bái nằm trong chuỗi các tỉnh: Phú Thọ, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh… là một điểm của cuộc khởi nghĩa vũ trang. Đồn Cao cũng là vị trí ghi dấu một trong những sự kiện đấu tranh vũ trang lớn nhất trên địa bàn thành phố Yên Bái trong lịch sử đấu tranh chống Pháp.

Tại đây, vào tối mùng 9/2/1930, lực lượng của Việt Nam Quốc dân Đảng đã phối hợp với binh lính người Việt trong đồn tiêu diệt được 6 sỹ quan, hạ sỹ quan Pháp và làm bị thương nhiều sỹ quan chỉ huy đồn này. Đồng thời, sự kiện nổi dậy tấn công Đồn Cao cùng với việc Pháp đưa một số lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học từ Hà Nội lên Yên Bái xử tử nên Yên Bái rất vinh dự được mang tên của cuộc khởi nghĩa đã từng vang dội toàn cầu năm 1930.

Từ ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, bên cạnh việc xếp hạng di tích, thành phố Yên Bái cũng như phường Nguyễn Phúc đang rất trăn trở cho việc trùng tu, tôn tạo di tích này thành điểm nhấn lịch sử - văn hóa của thành phố đồng thời tạo gạch nối giữa di tích Cổng Đục - Đồn Cao với Di tích cấp quốc gia khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong Công viên Yên Hòa. Bảo tồn, tôn tạo thế nào cho hiệu quả và xứng đáng với tầm vóc lịch sử của di tích, ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc cho biết, UBND thành phố và phường Nguyễn Phúc cùng một số cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu.

Trao đổi ý kiến với nhiều người dân, nhất là bà con phố Phúc Tân cũng như người dân phường Nguyễn Phúc đều bày tỏ mong muốn trong tương lai, di tích này được đầu tư tôn tạo lại cơ bản nguyên trạng để trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ mai sau về tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp của nhân dân Yên Bái.

Còn ông Mã Đình Hoàn - Giám đốc Ban Quản lý Di tích, Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, trong vai trò cơ quan chuyên môn khi lập hồ sơ di tích, những thông tin về hiện trạng di tích được thu thập khá đầy đủ từ văn bản, hình ảnh được lưu lại; từ nguồn cung cấp thông tin của lớp người cao tuổi đã luyện tập quân sự ở đây từ năm 1945 như cụ Đặng Ngọc Chi và thực tế thập niên 70 của thế kỷ XX thì di tích này vẫn còn khá nguyên vẹn với những hầm ngầm, đường hào, chỗ ở của binh lính… nên việc trùng tu, tôn tạo hiện trạng di tích sẽ không khó ngoài việc khu Đồn Dưới hiện dân cư đã ở đông đúc.

Ông Hoàn cho biết thêm, Ban Quản lý cũng đã đề xuất ý kiến với các cấp, ngành chức năng nên nghiên cứu, đầu tư vừa tôn tạo di tích vừa xây dựng ở đây một công viên văn hóa. Bởi vì khu vực Đồn Cao nếu di dời được một số hộ dân thì có thể quy hoạch mặt bằng khoảng 3.000m2. Vị trí Đồn Cao quan sát được toàn bộ khu vực phía ngoài của thành phố Yên Bái và các vùng lân cận. Mùa hè rất thoáng mát nên công viên văn hóa này chắc chắn sẽ thu hút nhiều người qua lại, vui chơi, hóng mát, ngắm cảnh, thăm quan di tích cũng như có thể kết hợp phát triển tốt các hoạt động dịch vụ.

Từ ý kiến của người dân và cơ quan chuyên môn, mong rằng đây sẽ là những gợi mở với các ngành chức năng để hướng tới tu bổ, tôn tạo di tích Cổng Đục - Đồn Cao trở thành một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa thiết thực trong đời sống của nhân dân thành phố.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Buổi công bố tư liệu Hán Nôm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí.

Sáng 3/6, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông.

Phương Mỹ Chi đón nhận giải Bài hát yêu thích tháng 5

Với ca khúc Quê em mùa nước lũ, Phương Mỹ Chi lần thứ 3 liên tiếp giành giải Bài hát yêu thích của tháng, lập kỷ lục trong chương trình này.

Hàng ngàn bức ảnh lấy đề tài từ Việt Nam (do các nhiếp ảnh gia nhiều nước thực hiện) đã được gửi về cuộc thi ảnh lớn nhất thế giới.

YBĐT - Đang nghiền ngẫm tiểu thuyết “Thuốc phiện và Lửa”của nhà văn- nhà báo Hoàng Thế Sinh (Nhà xuất bản Công an Nhân dân – Quý I, năm 2013) thì hay tin một kẻ thủ ác vừa bị bắt vì chuyên chở hơn nửa tấn heroin và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp từ Mộc Châu (Sơn La) về xuôi tiêu thụ. Lại nghe thông tin về người nông dân ven thành phố trồng cả sào cần sa sắp đến kì ra hoa bị phát giác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục