Ngắm“bức họa” ruộng bậc thang Tú Lệ sau mùa gặt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 1:33:42 PM

YBĐT - Sau mùa gặt, những làn sương mỏng hòa quyện vào cái se lạnh của thu làm cho cảnh sắc Tú Lệ (Văn Chấn) mang sắc màu mới. Đứng trên cung đường quốc lộ 32 đoạn Tú Lệ - Mù Cang Chải, phóng tầm mắt xuống thung vàng vựa lúa, một "bức họa" ruộng bậc thang vẫn quyến rũ đến mê đắm lòng người…

Chỉ cách đây hơn hai tháng, Tú Lệ tràn ngập sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa chín. Nơi đây, dưới chân những đỉnh núi cao sừng sững Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song là kỳ quan, là di sản và là kỳ công được tạo tác từ bàn tay của con người. Sau mùa gặt, tiết trời Tú Lệ lạnh hơn, đôi lúc có những cơn mưa rừng ùa về bất chợt. Không còn những sóng lúa vàng tít tắp quanh những ngọn núi cao sừng sững nhưng Tú Lệ vẫn là lời mời gọi hấp dẫn đối với những chuyến “phượt” rừng, những tâm hồn ưa khám phá.

Sau mùa gặt, ruộng bậc thang Tú Lệ mang sắc màu mới. Thời điểm này, trên ruộng chỉ còn trơ gốc rạ và những bờ ruộng xanh cỏ. Mùa này, đồng bào Thái không làm ruộng mà để "dưỡng đất" chờ vào tiết trời mùa xuân sẽ gieo cấy. Vì thế, thay cho những sóng vàng của lúa là màu nâu vừa bình dị vừa thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh triền núi. Đó là sắc màu Tú Lệ sau mùa gặt.

Thật tuyệt khi đứng trên đèo cao, thả hồn mình xuống một khoảng không thung lũng Tú Lệ. Một tấm thảm mới như "chiếc áo mới" choàng lên những "kỳ công" của người Thái. Nhìn từ trên cao, những bờ ruộng xanh cỏ như những đường viền uốn lượn tô điểm cho những bậc thang. Màu nâu pha màu vàng óng ả của gốc rạ dưới ánh nắng chiều chênh chếch sau ngọn núi làm ánh lên sắc màu tuyệt diệu.

Mùa này, tuy sau vụ gặt nhưng những thửa ruộng bậc thang Tú Lệ không vắng những tiếng nói cười. Vì đây là thời điểm đồng bào Thái sẽ đi tu sửa lại những thửa ruộng, lấy thêm đá dưới suối kè vào bờ ruộng cho vững chãi hơn. Trên mặt ruộng đã khô, những đứa trẻ tóc vàng hoe chăn trâu, đốt lửa và chơi đá bóng. Ở giữa thung, có một con suối người Thái gọi là suối nước nóng, uốn mình mang nước cho những thửa ruộng rồi chạy quanh các bản làng người Thái. Xen giữa những thửa ruộng là những con đường mòn đất đỏ, những sơn nữ Thái đeo gùi xuống chợ đông vui tấp nập. Một khung cảnh thật ấm áp và hữu tình! Phía xa xa, những làn khói dặt dìu theo làn gió se bay nhè nhẹ trên những thửa ruộng, bay cả về những căn nhà sàn chon von bên ven suối. Cảnh đó còn gì thơ mộng hơn vào mỗi chiều thu ngắm nhìn thung lũng Tú Lệ!

Đến Tú Lệ mùa này, du khách sẽ có những ấn tượng và cảm xúc mới về cảnh và người nơi đây. Có lẽ bởi sau mùa gặt, Tú Lệ mang một màu nâu vàng trầm mặc hòa vào sắc thu hanh hao và cái lạnh tỏa ra từ đá núi. Trên những đỉnh núi, mây sà xuống bao bọc nhưng không làm khuất đi những tấm thảm bậc thang. Ngắm thung vàng Tú Lệ càng phải xuýt xoa và cảm thấy thi vị hơn. Nghe đâu đây trong gió thoảng, hương nếp thơm của cốm dẻo, của xôi nếp Tú Lệ. Đất vẫn đang cựa mình khe khẽ. Suối vẫn chảy róc rách ngày đêm.

Ruộng bậc thang Tú Lệ như đang ứa tràn nhựa sống và sức sinh sôi để chuẩn bị cho mùa gieo hạt khi xuân về.

Nguyễn Thế Lượng (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ)

Các tin khác
Đây là sân khấu hoành tráng nhất trong lịch sử các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Bên cạnh các phần thi truyền thống cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc sẽ được diễn ra trên sân khấu hoành tráng nhất trong lịch sử các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Tiết mục múa khăn của phụ nữ Thái xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá riêng, việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp phụ thuộc vào chính những con người trong “cộng đồng riêng” đó. Đối với người Thái vùng Mường Lò, từ lâu, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hoá và những người đã góp phần làm nên nét đặc trưng đó chính là những người phụ nữ.

YBĐT - Bài nghiên cứu "Tiếng hát làm dâu" của dân tộc Mông do tác giả Trần Vân Hạc viết, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 184 (tháng 10/2014), giới thiệu về bản dịch "Tiếng hát làm dâu" dân tộc Mông sang thể thơ song thất lục bát của dịch giả, nhà thơ Nguyễn Khôi, in trong tập "Út Ỏ về Kinh", Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2002.

Ảnh minh họa

Hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ xem xét tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, từ ngày 24-28/11, tại Paris (Pháp).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục