Phim tài liệu "Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời": Tư liệu quý giá

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2015 | 7:42:06 AM

Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa cho ra mắt bộ phim tài liệu dài 5 tập Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời (kịch bản và đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Lâm Thành Quý). Bộ phim đã được thực hiện trong 3 năm, đoàn phim đã đến 9 quốc gia trên thế giới để thu thập tư liệu, gặp gỡ một số nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam lẫn thế giới, để có những bằng chứng khách quan, thuyết phục gửi đến người xem.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa phải) trong bộ phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa phải) trong bộ phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời.

Giá trị đặc biệt

Được trình bày có hệ thống, bộ phim đã cho khán giả được tiếp cận với những tài liệu sớm nhất của Việt Nam ghi nhận và khẳng định chủ quyền hợp pháp của các nhà nước phong kiến Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như: Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự là Công Đạo, biên soạn vào khoảng năm 1686 (thời Hậu Lê); Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776; các bộ Chính sử của nhà Lê cho đến nhà Nguyễn và nhất là tấm bản đồ hành chính chính thức của vương triều Nguyễn là Đại Nam nhất thống toàn đồ vào năm 1838.

Cũng từ những tài liệu quý giá này, chúng ta mới biết thêm rằng, ở thế kỷ 16, 17, do điều kiện đo đạc còn khó khăn nên chưa có sự phân biệt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà chỉ gọi chung là Bãi Cát Vàng - Paracels và cách thể hiện trên bản đồ cũng còn khá đơn giản. Nhiều tư liệu và nhân vật có mặt trong bộ phim đã góp phần rất lớn trong việc làm cho bộ phim có một giá trị đặc biệt về sự thuyết phục không chỉ với chính người Việt Nam mà còn là với bạn bè quốc tế; về lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.

Đó là những phát biểu xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông của Giáo sư Monique Chemillier - Gendreau (người Pháp, tác giả cuốn sách nổi tiếng Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); Giáo sư Furata Motoo - chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Đại học Quốc gia Tokyo. Chính những tài liệu của Trung Quốc, như tập hồi ký Hải ngoại ký sự của tăng nhân Thích Đại Sán viết năm 1696, có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa; Địa dư đồ do Chu Tư Bản vẽ vào thời Nguyên; Vũ bị chí (thời Minh); Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ; Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (thời Thanh); đặc biệt là 4 cuốn atlas do các nhà nước Trung Quốc trước đây xuất bản, là: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và tái bản có bổ sung (1933), đều thể hiện rõ cương vực phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Thực hiện công phu

Cho đến hôm nay, tuy nhiều thế kỷ đã trôi qua, nhưng dấu ấn của kỷ nguyên bùng nổ thương mại và hoạt động hải thương giữa phương Tây và phương Đông đã được lưu dấu trong các thư tịch và là những tài liệu vô cùng quý giá cho đoàn làm phim. Ở tập 5 là những hình ảnh về việc xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa ngay sau những ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Trường Sa được đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, vừa đảm bảo đời sống dân sinh trên đảo, vừa thực hiện việc bảo vệ chủ quyền. Đối với Hoàng Sa, mặc dù đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm hoàn toàn vào năm 1974, nhưng Việt Nam vẫn không ngừng các hoạt động nhằm xác định chủ quyền đối với quần đảo này.

Đây cũng là tập phim tập hợp nhiều hình ảnh, sự kiện quan trọng: vụ việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép các đảo đá trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa (năm 1988); việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để thăm dò dầu khí; bản đồ đường lưỡi bò 10 đoạn... và những ý kiến phản đối của bạn bè thế giới về những hành động sai trái này của Trung Quốc.

Đặc biệt là hình ảnh toàn văn Nghị quyết H.Res - 714 của Hạ viện Mỹ. Trong nghị quyết này nhấn mạnh việc Mỹ ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế tại các vùng biển trên.

Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời với sự công phu khi thực hiện đã thật sự mang một giá trị lịch sử rất lớn. Ngay trong buổi chiếu ra mắt phim, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM đã đề nghị Bộ GD-ĐT chiếu phim này tại tất cả các trường học để làm tư liệu lịch sử bắt buộc. Phim cần được phát đi phát lại nhiều lần trên các đài truyền hình trong cả nước. Có mặt trong buổi chiếu lần đầu tiên này, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết: “Ngay sau khi bộ phim có phiên bản tiếng Anh, phim sẽ được chiếu tại các trường đại học Đông Bắc Hoa Kỳ”.

                                                                     (Theo SGGP)

Các tin khác
Sân khấu lễ hội áo dài lộng lẫy Festival Huế 2014

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch tổ chức Festival Huế 2016.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng 6 - đại hội

''Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định,'' sáng tạo là tên bộ phim tài liệu sẽ được trình chiếu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư (1/7/2015).

6 bộ phim truyện Việt Nam sẽ được trình chiếu tại các thành phố: Hawaii, Washington DC và New York trong Tuần lễ Phim Việt Nam tại Hoa Kỳ (từ ngày 4-18/7).

Văn hóa mẫu hệ của vùng Trường Sơn - Tây Nguyên được giới thiệu trong dịp này (Ảnh minh họa)

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Trường Trung cấp Đam San tỉnh Đắk Lắk tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục