Ổi bống mùa thu
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/11/2015 | 8:35:28 AM
YBĐT - Quê tôi nằm giữa lòng thung rộng, bao quanh là những đỉnh núi: Khau Gia, núi Đỗng, Đát Dày, núi Thé… Là quê núi nên tên làng, tên bản cũng mang đậm dấu ấn núi rừng. Bản Ngõa, bản Dù, Ao Bon, Khe Diễn, Hang Hùm, Nước Mỏ, Ao Lay. Cả những địa danh phảng phất âm ngữ Tày: bản Lạn (nghĩa là cua đá rừng ) hay bản Dày (đọc chệch của từ ray, là tổ kiến ngạt)… Dòng Ngòi Lao từ thượng nguồn phía tây, chảy qua đất này như nguồn sữa mẹ trong ngần, tưới mát bao mùa ngô lúa và những soi bãi mát mịn phù sa, mỗi độ thu sang lại trĩu trịt những vạt roi suối và ngạt ngào hương ổi bống.
Cứ sau rằm tháng Bảy là bắt đầu vào mùa ổi bống. Ngày ấy, dọc các soi bãi ven Ngòi Lao, chỗ nào cũng bắt gặp loài cây làm xao xuyến tuổi thơ đất núi trong mùa trái chín. Ổi bống là loài ưa ẩm, lá nhỏ xinh, cành khẳng khiu và thường mọc thành búi. Thi thoảng cũng có những cây mọc riêng rẽ, vươn cao hơn hai mét. Trái ổi bống chỉ bằng đầu ngón tay cái, khi chín có màu trắng ngà như hạt bỏng ngô, nhưng ngọt sắc và thơm ngào ngạt.
Mùa thu nắng dịu, Ngòi Lao đã qua những ngày lũ, nước trong vắt hiền hòa reo chảy. Chiều chiều, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau ra suối tắm. Cả bày “tiên đồng” nô đùa lặn ngụp như rái cá, tiếng cười rộn cả một khúc ngòi. Thằng Thương lớn nhất trong nhóm, lượm những hòn đá to bằng quả bưởi ném ùm ùm xuống lòng thác nông, phía trên chỗ chúng tôi tắm, rồi sau đó gọi cả đám vượt lên bắt cá. Mấy bận được theo người lớn bắt cá đêm trăng, nó làm theo như thế. Tiếng va đập của đá làm lũ cá váng đầu, sợ hãi tìm nơi lẩn trốn. Tất cả chúng tôi lặn xuống vây quanh tảng đá lớn giữa ngòi. Nước trong vắt, nhìn rõ từng bầy cá nép vào các khe và hốc nhỏ. Nào là cá xỉnh, cá quất, bì sứt và cả những con tôm suối nữa. Chúng tôi dễ dàng bắt được những con bì sứt mà tiếng Tày gọi là pie đo.
Đây là loài cá nhỏ, có cái miệng như con cá dọn bể, bám chặt vào đá và rất bạo dạn. Những chú bì sứt bắt được, chúng tôi thường dán lên trán để chơi, bởi miệng của chúng cứ như miếng nam châm hút chặt vào da đầu. Đang mải mê với trò săn cá suối, bỗng đâu cơn gió thu thoảng về thơm dậy mùi hương quen thuộc. Một, hai đứa trong nhóm vội reo lên:
- Ổi bống chín rồi! Ha …ha… Quăng vội những chú bì sứt trả lại dòng thác, chúng tôi hò reo chạy về phía bờ doi, nơi ngọn gió thu vừa lướt qua. Chẳng biết được cây ổi nào, trái ổi nào khai vị đầu mùa cho bữa tiệc “mục đồng”. Mấy hôm trước, bờ soi còn êm đềm như giấc ngủ tuổi thơ, bỗng hôm nay xôn xao và ngạt ngào đầy quyến rũ.
Tất thảy những cây ổi bống cứ như ú tim sau tháng ngày lặng lẽ chắt chiu từng giọt suối nguồn và phù sa mướt mát làm đầy căng những viên “ngọc bích” mỡ màng. Để rồi nắng gió dịu dàng tinh khiết của mùa thu ướp ủ, tỏa hương dậy mật trong từng trái ổi xinh. Ổi bống ra trái rất sai và vụ chín chỉ kéo dài hơn một tháng. Có những lúc, chúng tôi hái được đầy cả chỏm mũ nan. Mỗi trái ổi bống chỉ vừa đủ một miếng, ngọt ngào và thơm lựng. Thưởng thức kỹ còn thấy cả vị ngầy ngậy như mỡ lợn quện mùi bột nếp trong nhân bánh nướng ngày rằm Trung thu. Ham hái quả, nhiều khi lũ chúng tôi phải chạy thục mạng và nhảy cả xuống suối mới thoát khỏi sự đuổi riết tấn công của đàn ong vàng làm tổ trong tán lá. Chỉ có thằng Thương là gan nhất, nó bẻ nhanh cành ổi, vung tít mù chặn bầy ong cho chúng tôi tháo chạy. Trong mắt tôi ngày đó, nó đúng là “Đại ca” của nhóm. Bãi soi cát mịn, ắp đầy hương ổi bống, chúng tôi gọi là “Hoa quả sơn” của riêng mình. Tôi còn nhớ, trên những cành ổi già còn có cả những khóm lan tóc tiên nhỏ xíu với những chùm hoa trắng xinh, thơm man mát cũng nở vào mùa thu.
No nê ổi bống, chúng tôi rủ nhau lỉn khăng (đánh khăng) nơi bãi cát dài bên suối. Một đoạn thân ổi nhỏ, dài chừng cẳng tay, đầu chặt vát và khoét một mấp nhỏ làm thành cây mẹ. Một mẩu cành ổi khoảng một gang tay, dùng làm con. Chúng tôi đào một hốc nhỏ trên mặt cát mịn, tạo lỗ đánh khăng (gọi là hốc cầy). Đây là trò chơi thể hiện sự dũng cảm của con trai, nên đứa nào cũng hào hứng. Đội chơi chia làm hai, lần lượt một bên đánh và một bên đón. Đầu tiên là “Cầy dông” rồi đánh “Mắm”, đánh “Gà”, mỗi lượt đánh, con khăng bay vèo vèo khá nguy hiểm nhưng vì ham phần thắng mà đứa nào cũng rất dũng cảm để đón bắt con khăng. Thường thì bên nào có thằng Thương nhập cuộc là hay giành phần thắng. Sau một vòng chơi, phần thưởng cho bên thắng cuộc đơn thuần chỉ là cõng đối phương chạy hai vòng quanh bãi cát, nhưng cuộc vui nhiều khi tới tận chiều tối vẫn chưa thôi. Trước khi trở về nhà, chúng tôi không quên tìm hái thêm những trái ổi bống đón tay em bé và một vài búp ổi non để mẹ kho cá suối cho bữa cơm chiều ăn với cơm nếp nương, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Nhưng rồi một dạo, những cánh đồng ven suối bên này làng tôi hai mùa cấy lúa, bên kia Ao Lay mía tốt ngút đầu, bẵng đi hoang hóa. Người ở đâu về xới tung lòng suối để đãi vàng. Dân quê tôi cứ như bị bỏ bùa, nhà nhà đổ xô đi tìm vàng, theo họ. Thằng Thương lớn trước tuổi, được bố mẹ nó cho đi theo để đãi vàng. Phải chăn hai con trâu hợp tác, nên tôi chỉ tranh thủ ra xem người ta đãi. Dòng Ngòi Lao như ngày hội, tấp nập, xôn xao. Nhà đông người và có điều kiện thì làm mảng lớn, dùng tời vục từng lớp cát sỏi giữa lòng suối đổ vào máng cầu, lọc lấy vàng.
Nhà thằng Thương cùng với nhiều gia đình khác, chỉ đào ven bờ và dọc các soi cát những cái hố sâu ngang ngực, múc đất lên đãi. Nó được ưu tiên ở trên phụ cho mẹ, dùng máng tam giác đãi vàng. Có lúc tôi thấy nó ngồi ngâm mình trong làn nước đục ngàu, kiên trì đưa máng ra phía trước rồi lại giật nhanh lại đằng sau để lùa cát ra. Nó làm như thế đến mấy chục lượt, cát mới trôi hết khỏi máng, mà vẫn chưa thấy gì. Chiếc lọ thủy tinh, nút bằng thân ổi, buộc sợi dây dù quàng ở cổ nó cứ văng ra, đập vào như con lắc đồng hồ. Bỗng phía ngoài bè đãi giữa suối, ai đó sung sướng reo lên: “ A ..ha.. bằng mày ngô rồi ”. Buông vội máng đãi, nó nhào ra xem một hồi, rồi quay lại hào hứng hơn với công việc của mình. Cả chiều hôm đó, tôi chứng kiến một lần tay nó run lên khi cầm chiếc thìa bé xíu bằng sợi dây nhôm, hớt lấy một mảy vàng chỉ nhỉnh hơn vảy nhót, ở đáy máng cho vào lọ thủy tinh. Mắt nó long lanh ánh chiều, phản chiếu dòng nước vàng nhợt chảy ra từ các hố đãi vàng. Nhiều ngày sau, khắp lòng suối như bãi chiến trường, đục ngàu và ngổn ngang đất đá.
Ven bờ và cả những soi bãi nên thơ là vậy, bỗng tan hoang, xơ xác. Dòng suối như oằn mình, rên xiết đớn đau! Chẳng thấy quê tôi ai giàu lên vì vàng, mà chỉ thấy nhiều người ốm đau, phát bệnh. Sau mùa tìm vàng, thằng Thương - thấy người ta bảo nó bị thương hàn rồi mãi xa chúng tôi cùng những mùa ổi bống xốn xang hương vị tuổi thơ.
“ Bao năm nương náu chốn thị thành
Quanh đi, quẩn lại bóng mình nhà quê …”
Công tác xa nhà bao năm mà tuổi thơ quê núi cứ thao thiết trong ký ức. Sinh ra lớn lên ở rừng, nên một trong những thú vui khi rời nhiệm sở, với tôi là chăm sóc vườn rau và một vài cây cảnh nhỏ. Nhớ quê - thương hoài những kỷ niệm tuổi thơ nơi soi bãi thuở nào, ngày nghỉ cuối tuần tôi trở lại chốn xưa, định bụng tìm lấy một gốc ổi bống mang ra thành phố trồng làm cảnh. Bởi thân dáng thanh mảnh, lá nhỏ trái thơm, ổi bống làm thành bon sai nhiều loại cây cảnh khác khó mà sánh được. Ngòi Lao khi xưa thênh thênh là vậy, giờ đây nông choèn, lội qua bên kia chưa đầy vài phút. Tàn dư của nạn đãi vàng và những đợt lũ quét đã san phẳng các bãi soi từng đơm đầy hoa trái. Bần thần, tìm kiếm cả chiều mà chẳng thấy gốc ổi bống nào sót lại. Chỉ thấy gió thu luồn qua bờ sậy xạc xào và xa vắng. Bãi soi và ổi bống không còn nữa, nhưng hương vị ngọt ngào cùng những kỷ niệm ấu thơ hồn nhiên và mơ mộng đã bám rễ thật sâu vào ký ức, tỏa mát trong tôi niềm thương nỗi nhớ tháng ngày xa.
Thanh Tửu
Thu 2015
Các tin khác
Ngày 4-11, Trung ương Đoàn tổ chức họp báo giới thiệu cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" dành cho học sinh THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn quốc.
Bộ truyện tranh "Đi cùng ánh sáng" đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với chứng tự kỉ và người mắc bệnh này.
Tác phẩm On the river (Trên dòng sông) của nhiếp ảnh gia người Nga Vladimir Proshin giành chiến thắng chung cuộc (giải cao nhất) Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Siena 2015 do Ý tổ chức (Siena International Photography Awards 2015).
Hai ấn phẩm sẽ giúp độc giả được thưởng thức các trước tác nổi tiếng của nhà văn qua từng thời kì và hiểu thêm cuộc đời, văn nghiệp của Nam Cao.