Festival Huế 2016: Đêm Hoàng Cung Huế 2016 mở rộng trên nhiều không gian, hoạt cảnh
- Cập nhật: Chủ nhật, 17/4/2016 | 9:19:59 AM
Đó là khẳng định của ông Lê Quý Dương, Tổng đạo diễn lễ hội Đêm Hoàng Cung trong Festival Huế 2016 trao đổi với báo chí khi lễ hội này đã đi đến kỳ thứ 6.
Đêm Hoàng Cung Huế.
|
Chương trình lễ hội “Đêm Hoàng cung” do tác giả kịch bản - đạo diễn Lê Quý Dương sáng tạo, dàn dựng và phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lần đầu tiên tại Festival Huế 2006. Qua các kỳ Festival Huế 2 năm một lần, đến năm nay “Đêm Hoàng cung” đã lần thứ 6 được triển khai và được xem là 1 trong số những lễ hội điểm nhấn tại Festival Huế 2016. Hiện “Đêm Hoàng cung” đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và Quốc tế.
So với các “Đêm Hoàng cung” trước, lễ hội năm nay sẽ được mở rộng trên nhiều không gian và hoạt cảnh tại Hoàng thành Huế trong 2 đêm 1/5 và 3/5.
Cụ thể, sẽ có 15 hoạt động văn hóa nghệ thuật trong Đêm Hoàng cung trải dài từ cửa Ngọ Môn cho đến cửa Hòa Bình, lầu Tứ Phương Vô Sự. Du khách sẽ được chứng kiến Lễ Đổi gác với hoạt cảnh tái hiện đoàn cấm vệ quân đổi gác tại Ngọ Môn. Tiếp đến là Lễ Mở cổng với hoạt cảnh đón khách vào tham dự. Tại Điện Thái Hòa sẽ là chương trình Âm sắc cung đình gồm các tiết mục kể chuyện múa hát cung đình xưa kết hợp với nghệ thuật trình chiếu không gian ba chiều.
Sau điện Thái Hòa là điện Cần Chánh - nơi diễn ra Dạ yến tiệc cung đình rất đặc biệt với chương trình nghệ thuật và ẩm thực cung đình xưa kết hợp với nghệ thuật trình chiếu không gian ba chiều. Các món ăn của buổi yến tiệc xưa mà vua Nguyễn tại Huế dùng đãi thượng khách sẽ được tái hiện lại, cho khách cảm nhận sự đặc biệt hiếm có này.
Dạ yến tiệc cung đình Huế
Ở khu bãi cỏ từng là Tam cung lục viện xưa nay đã không còn do chiến tranh (đi vào từ phía sau điện Cần Chánh hay từ phía cung Diên Thọ đi sang) sẽ là chương trình biểu diễn đặc biệt đời sống cung nữ xưa mang tên Ký ức cung nữ.
Tại không gian văn hóa lầu Tứ phương vô sự sẽ có trình diễn trang phục cung đình và áo dài truyền thống Huế, kết hợp biểu diễn các tình khúc truyền thống về Huế xưa.
Không gian văn hóa Tứ phương vô sự sẽ diễn ra nhiều hoạt cảnh đặc biệt
Một Lễ Niêm hương tưởng niệm các triều đại nhà Nguyễn kỷ niệm 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân tại Thế Miếu. Cạnh đó tại cung Diên Thọ là chương trình Âm Sắc Việt với các tiết mục ca hát truyền thống đặc biệt các vùng miền và giới thiệu các loại bánh mứt Huế truyền thống.
Sẽ có những hoạt cảnh rất thú vị trong Đêm Hoàng cung là Đám cưới công chúa, tái hiện lại cảnh đám cưới công chúa xưa với đoàn rước đi vòng quanh Tử Cấm Thành qua Đại Cung Môn, dừng lại 5 phút trước Dạ yến tiệc. Tiếp theo là hoạt cảnh múa tứ linh và hoàng tử công chúa vui chơi trong vườn ngự uyển ở Ngự viên cơ hạ. Và Cấm vệ quân luyện võ tái hiện đội cấm vệ của triều đình luyện võ ở phủ Nội Vụ.
Đám Cưới Công Chúa
Nếu muốn một không gian khác thì có thể đến điện Kiến Trung xem trưng bày mặt nạ tuồng truyền thống và múa Trình tường lập khánh. Hay chơi các trò chơi cung đình như Đầu hồ, Xâm hường, Bài vụ ở 2 lầu Bát Giác ngay trước điện Kiến Trung (phía sau điện Cần Chánh)…
Đạo diễn Lê Quý Dương cho hay việc kết hợp trình chiếu không gian ba chiều ở một số hoạt động “đinh” trong Đêm Hoàng cung sẽ làm nổi lên những khung cảnh xưa đã từng bị mất như ngôi Điện Cần Chánh sau lưng điện Thái Hòa. Điều này sẽ làm người xem có nhiều cảm xúc khi được gợi nhớ về một thời vàng son xưa. Đặc biệt ở chương trình Ký Ức Cung Nữ sẽ có đến 20 tiểu cảnh diễn tả đời sống của 20 cung nữ khiến cho du khách như đi lạc vào Tam cung lục viện trước đây.
Hoạt cảnh Ký Ức Cung Nữ sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho du khách
Lê Quý Dương là đạo diễn tài năng với 6 kỷ lục Việt Nam, trong đó có 2 kỷ lục được lập tại Festival Huế, gồm Lễ hội “Huyền thoại sông Hương” – Xác lập kỷ lục Lễ hội được tổ chức lớn nhất trên sông tại Festival Huế năm 2008 và Lễ hội “Hành trình mở cõi” – Xác lập kỷ lục Lễ hội văn hóa - lịch sử lớn nhất tại Festival Huế năm 2010. Festival Huế 2016 là lần thứ 9 kỳ Festival đặc trưng của cố đô được tổ chức tại Huế với chủ đề “710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Đây là kỳ lễ hội mang tính chất sự kiện văn hóa – du lịch nổi vật của cả nước, là diễn đàn giao lưu và hội nhập văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Festival Huế 2016 tiếp tục quy tụ các đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Maroc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, SriLanka, Australia, Hoa Kỳ, Mêhicô, Chi Lê, Colombia... Trong 6 ngày đêm diễn ra Festival Huế 2016 Từ 29/4 đến 4/5 sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật như Lễ Khai mạc; Lễ Tế Giao; Đêm Hoàng Cung; Chương trình giới thiệu Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; Ngày hội Phật Giáo Huế và Lễ hội Đèn Quảng Chiếu; Chương trình nghệ thuật của các đoàn trong nước và quốc tế; Lễ hội đường phố“Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ La Tinh”; Lễ hội “Hương Xưa làng Cổ” (tại làng cổ Phước Tích - Huyện Phong Điền); Lễ hội “Chợ quê ngày hội” (tại cầu Ngói Thanh Toàn - thị xã Hương Thủy); Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn; Chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu”; Lễ Bế mạc... Festival Huế là một trong 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam được Tạp chí du lịch nổi tiếng The Wanderlust của Anh bình chọn giới thiệu đến độc giả. Theo mô tả của Tạp chí The Wanderlust, Festival Huế là sự kiện diễn ra 2 năm một lần nhằm phát huy những giá trị truyền thống tại cố đô. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố, ngâm thơ, các buổi trưng bày đầy màu sắc, hòa nhạc, chơi trống và xem các bộ phim lịch sử. Nằm trong danh sách bình chọn này còn có lễ hội đèn lồng (Hội An), hội Chử Đồng Tử (Hưng Yên), lễ hội chùa Thầy (Hà Nội), Ngày thống nhất đất nước, lễ Vu Lan và Tết Trung thu. |
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày hội các dân tộc Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chiều 15-4, Ban tổ chức Festival Huế tổ chức khai trương Trung tâm báo chí phục vụ Festival Huế 2016, chủ đề “710 năm Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Thọ, cho biết tính đến ngày 15-4, có hơn 5,5 triệu lượt khách về dâng hương tại Đền Hùng năm nay.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa trao giải thưởng Bảo tàng được yêu thích nhất tại Việt Nam cho Bảo tàng Dân tộc học. Đây là giải thưởng được trao trên cơ cở kết quả bình chọn của các nhà báo du lịch và của Hội đồng chuyên môn về du lịch.