Rực sáng Cố đô Huế trong đêm bế mạc Festival Huế 2016
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2016 | 8:32:24 AM
Tối 4/5, Lễ bế mạc Festival Huế 2016 đã diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội, Huế, thu hút hàng vạn người dân và du khách trong và ngoài nước tham dự.
Biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival Huế 2016.
|
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2016 nhấn mạnh Festival Huế 2016 diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của đất nước, của quê hương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định Thừa Thiên-Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa-du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Festival Huế lần thứ 9 - 2016 đã thành công tốt đẹp, thương hiệu Festival Huế tiếp tục được khẳng định và khó phai mờ trong lòng người dân và du khách.
Sau một thời gian tổ chức các hoạt động, đặc biệt trong 6 ngày cao điểm từ ngày 29/4 đến ngày 4/5, Festival Huế lần thứ 9 - 2016 với sự tham gia của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên (trong đó 271 nghệ sỹ quốc tế, gần 900 nghệ sỹ, diễn viên trong nước) và hàng ngàn nghệ sỹ, diễn viên quần chúng đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ đã mang lại cho công chúng và du khách 53 chương trình nghệ thuật và lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế và văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Festival Huế 2016 đã thực hiện thành công các chương trình chính như: Đêm hoàng cung, lễ Tế Giao, Chương trình Áo dài, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế, Hội thảo khoa học quốc tế về ẩm thực dân gian và cung đình Huế, Lễ hội Quảng chiếu, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế, Lễ hội Hiphop quốc tế, chương trình nhạc rock Lửa Cố đô, chương trình Huế dịu dàng về miền Hương Ngự, âm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội đường phố, Festival thơ, Festival diều Huế, Festival y học cùng nhiều hội thảo khoa học, triển lãm nghệ thuật...
Sự trình diễn mang tính chuyên nghiệp của các đoàn, nhóm nghệ thuật hay sự ngẫu hứng của những diễn viên quần chúng tuy có khác biệt nhưng tựu chung đều hướng về mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển đã đem lại cho Thừa Thiên-Huế, cố đô Huế một diện mạo mới, sức sống mới, là thành phố Festival đặc trưng, thành phố du lịch, thành phố di sản.
Festival Huế thực sự là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị của các quốc gia, dân tộc qua giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, lượng du khách đến Huế đạt 250 ngàn lượt tăng 23% so cùng kỳ, trong đó có 68.200 khách lưu quốc tế, tăng 5% so 2015, nội địa 126.800 tăng 12% so năm 2015. Thị trường khách quốc tế chủ yếu đến Huế trong những ngày qua, dẫn đầu vẫn là Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Australia, Thái Lan, Đức, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha...
Chương trình bế mạc Festival Huế 2016 được nối tiếp bằng các hoạt động nghệ thuật với tiết mục múa hát "Huế ngời sáng tương lai," "Yến thắm đưa chàng về dinh," "Trúc xinh sân đình," "Hát múa-Hò giã gạo: Đối đáp ân tình"; hát múa "Việt Nam ơi," "Huế! Mời bạn về thăm"... và màn pháo hoa rực sáng Cố đô Huế, thay gửi lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại tại Festival Huế lần thứ 10...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Lễ cưới của đồng bào Dao đỏ xã Viễn Sơn không có trống, chiêng, khèn rầm rộ như đám cưới của dân tộc Dao ở các địa phương khác nhưng lại rất sâu sắc và ý nghĩa.
Huyện Văn Yên có 27 xã, thị trấn, gồm 11 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Riêng đồng bào dân tộc Dao đỏ sống tập trung theo dải đất qua dãy núi Con Voi và dòng sông Hồng sang các xã phía Tây của huyện như: Phong Dụ, Xuân Tầm, Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng. Trong đó, lễ cưới của người Dao đỏ ở Viễn Sơn hết sức độc đáo và mang ý nghĩa sâu sắc.
Tối 2/5, tại đình làng Kim Long, thành phố Huế đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Về miền Hương Ngự" mang nét đặc trưng rất Huế, hấp dẫn, cuốn hút người dân và khách du lịch.
Tối 30/4, Lễ hội áo dài với chủ đề “Nơi huyền thoại bắt đầu,” một điểm nhấn trong Festival Huế 2016 đã diễn ra tại Sân khấu Bia Quốc học, thành phố Huế.
Tối 30-4, tại sân khấu Sen Hồng (Công viên 23-9, quận 1, TPHCM) đã diễn ra chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng, kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2016).