Điệu Châm mơi của người Mường trong lễ hội Khai hạ

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2018 | 7:55:35 AM

YBĐT - Không phải ngẫu nhiên trong lễ hội Khai hạ (xuống đồng) của người Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ trong phần lễ lại có tiết mục Châm mơi (múa mừng xuân mới) để tiễn vong linh các thần linh, ông bà, tổ tiên về mường trời.

Múa Châm mơi trong lễ Khai hạ ở xã Nghĩa Phúc xuân Mậu Tuất 2018.
Múa Châm mơi trong lễ Khai hạ ở xã Nghĩa Phúc xuân Mậu Tuất 2018.


Đây là điệu múa truyền thống với ý nghĩa thể hiện niềm vui, sự phấn khởi, mừng cho một năm mới nhiều điều tốt lành đến với dân làng bản Mường; mong cho các thần linh, ông bà, tổ tiên về mường trời luôn dõi theo phù hộ độ trì cho dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
 
Với ý nghĩa thành kính và sự sôi nổi, nhịp nhàng tạo nên một không khí lễ hội hào hứng mà điệu múa Châm mơi đã được dàn dựng thành một tiết mục đặc sắc dâng lên thần linh, tổ tiên trong lễ Khai hạ. Thành viên trong đội múa luôn là số chẵn và tối thiểu là 6, có thể là 8 hoặc 10... là những người trung tuổi, người cao tuổi có uy tín và thường là những người múa dẻo, hát hay từ thời con gái, thường xuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội của bản làng.
 
Theo bà Đinh Thị Yêu ở thôn Ả Thượng, xã Nghĩa Phúc - người dàn dựng tiết mục Châm mơi trong lễ hội Khai hạ thì khi dàn dựng ngoài những động tác cơ bản về chân, tay, di chuyển xếp đội hình, bà và các thành viên còn đưa những nét văn hóa đặc sắc như ném còn và kéo co vào điệu múa một cách hòa quyện để mô phỏng, diễn tả được niềm vui, không khí và các hoạt động vui chơi của người dân mừng đón xuân mới để thần linh chứng giám, phù hộ độ trì cho dân bản.

Điệu Châm mơi chủ yếu là động tác chân và tay bước nhịp nhàng trên nền các nhạc cụ dân tộc gồm: trống, chiêng, tung ổng (là nhạc cụ giống như tằng pẳng của người Thái). Về cơ bản, nền nhạc điệu Châm mơi giống như xòe của người Thái Mường Lò, khác là nhịp trống gõ chậm hơn và tung ổng 3 cái thì khắc 1 lần, còn trong gõ tẳng pẳng của người Thái thì không có khắc, chỉ gõ không.
 
Đội hình múa lúc di chuyển thành 2, 3 hàng, lúc di chuyển thành vòng tròn, động tác chân bước lên và lùi về, tay tung khăn lên phía trước và chuyển về sau, chân nào tay nấy tạo cho người xem cảm nhận một sự nhịp nhàng, uyển chuyển và một không khí mùa xuân từ nhịp điệu đến trang phục váy áo, khăn thổ cẩm, hoa cài tóc của người múa.

Điệu Châm mơi không chỉ biễu diễn trong lễ hội Khai hạ mà còn phổ biến trong các lễ hội văn hóa khác, trong tiệc cưới, lên nhà mới, mời rượu của người Mường ở xã Nghĩa Phúc. Đây là điệu múa truyền thống đơn giản nên dễ truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các thành viên trong đội múa Châm mơi như bà Đinh Thị Yêu, bà Đinh Văn Ớ, Đinh Thị Tiến… mặc dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng ai cũng tích cực trong việc tuyên truyền về ý nghĩa của điệu múa và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
 
Em Đinh Thị Lý là thành viên đội văn nghệ của Đoàn xã Nghĩa Phúc là một trong những bạn trẻ rất tích cực học điệu Châm mơi. "Đây không phải là điệu múa khó, chỉ cần học một vài lần là có thể múa được nhưng để hiểu đầy đủ về ý nghĩa của điệu múa như múa trong lễ Khai hạ như thế nào, múa trong lễ cưới hay mừng nhà mới như thế nào thì không phải ai cũng biết. Vì vậy, em rất tích cực học hỏi, tìm hiểu để múa không những đúng, dẻo, đẹp mà còn phù hợp với từng hoàn cảnh mới có thể múa hay và có hồn được" - Đinh Thị Lý chia sẻ.

Cùng với duy trì và phát huy điệu Châm mơi, người Mường ở Nghĩa Phúc hôm nay còn chú trọng bảo tồn nhiều điệu múa khác như múa chai, múa quạt…. và bảo tồn nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường nơi đây để góp phần thu hút khách du lịch đến với các lễ hội, khám phá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ. 
 
Hạnh Quyên

Các tin khác
Các liền chị trong bộ trang phục truyền thống đi hội.

Đến hẹn lại lên, ngày 27/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), những người yêu mến Quan họ lại về hội Lim để được thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh mượt mà, đằm thắm.

Cảnh trong phim

Bộ phim "Touch me not” (tạm dịch "Đừng chạm vào tôi”) của đạo diễn Romania Adina Pintilie đã giành được giải thưởng cao nhất của LHP Berlin, dấy lên cơn bão chỉ trích của các nhà phê bình về lựa chọn của Ban giám khảo năm nay.

Nghi thức tổ chức lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày.

Bộ  Văn hóa- Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 266 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt 21.

Hơn 6.000 người đã tham gia biểu diễn và diễu hành trên các đường phố Singapore trong lễ hội Chingay Parade, lễ hội rực rỡ sắc màu và ánh sáng diễn ra thường niên vào đầu năm chào mừng Tết Nguyên đán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục