Dân tộc Khơ Mú có rất nhiều làn điệu dân ca vừa trong trẻo vừa khỏe khoắn với lối hát mang đậm tính sử thi, trữ tình, lúc du dương, êm ái, lúc rộn ràng, nhộn nhịp… Nếu được một lần đến với bản người Khơ Mú vào lúc họ đi làm nương rẫy hay xuống chợ, đi du xuân, bạn sẽ được đắm chìm trong điệu hát Tơm (hát giao duyên) ngọt ngào.
Hay trong các cuộc vui của bản như mừng nhà mới, cưới hỏi, lễ tết, mọi người lại được thưởng thức những làn điệu Tơm riêng có của dân tộc do các cụ ông, cụ bà, những người trung niên trong bản thể hiện nhằm góp phần lưu giữ một nét đẹp tinh thần của đồng bào. Như điệu "Kưn chơ” (hát đi đường) với âm vang khỏe khắn như tiếng vọng của đại ngàn.
Khi mừng đám cưới có "Tơm đường kmun”, khi làm nhà có "Tơm ơ grang mỵ”, trai, gái đi nương, đi rừng hay dự ngày vui bản làng có "Tơm cản chơ”, "Tơm muôn” (Tơm mùa xuân), "Kưn chơ” hát vào lúc đi nương rẫy và hát "Kơ le” được ví như hát đồng dao của người Kinh...
Ra đời từ trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống thường ngày, những lời hát Tơm mộc mạc, ý nhị, chân thật và mang đậm chất sử thi, trữ tình, là cách hát đối đáp vừa sáng tạo vừa thể hiện ước mong của đồng bào cho mùa màng luôn tươi tốt, cây cối nảy lộc đâm chồi, cho đôi lứa hẹn hò nên duyên chồng vợ.
Bà Lèo Thị Si ở thôn Bản Lọong năm nay đã 75 tuổi cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã nghe những điệu hát Tơm của bà, của mẹ và rồi thuộc và hát được rất nhiều làn điệu Tơm trong các cuộc vui của bản. Giờ đã có tuổi rồi thì lại hát để truyền dạy lại cho con cho cháu, như thế điệu hát Tơm của dân tộc mình sẽ được lưu giữ mãi”.
Góp phần làm nên âm hưởng đắm say trong các làn điệu dân ca Khơ Mú chính là những nhạc cụ độc đáo, riêng có. Chủ yếu được làm ra từ chất liệu tre nứa với những âm sắc vừa thăm thẳm như rừng xanh vừa vui nhộn như chính tâm hồn đôn hậu, thủy chung, chan hòa với thiên nhiên và yêu thích nhảy múa, hát ca của đồng bào.
Trong kho tàng nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú như: đàn trống (mbring rơ bang), sáo nhiều ống (ho rơ), đàn môi, đàn dây (bring tơ hếch) thì không thể không nói đến cây Pí tơm – loại nhạc cụ gắn bó với đời sống văn hóa của đồng bào Khơ Mú từ bao đời. Đây là loại sáo dọc với âm sắc độc đáo như bản hòa âm của tiếng suối reo, tiếng gió đại ngàn, tiếng chim rừng gọi bạn. Đó chính là tiếng lòng của người Khơ Mú, một dân tộc dù còn gặp nhiều khó khăn song tâm hồn luôn phơi phới một niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Là niềm tự hào của bà con dân tộc Khơ Mú bởi luôn tâm huyết, miệt mài tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống từ những nhân chứng còn lại cùng dày công sưu tầm các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian và nghiên cứu để phục dựng những lễ hội truyền thống của đồng bào, nghệ nhân Vì Văn Sang ở thôn Nậm Tộc 1 luôn trăn trở làm sao để lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc mình: "Phong tục tập quán chính là cái gốc của con người, do đó, từ nhiều năm qua, tôi cũng như nhiều người già trong xã luôn cố gắng đi tìm lại những giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện nên thời gian qua, địa phương đã khôi phục được một số lễ hội, phong tục tập quán, các điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc cũng như một số trò chơi dân gian. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã thành lập một câu lạc bộ văn hóa liên thế hệ từ các cháu thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên đến người trung tuổi, phụ nữ, phụ lão mong muốn truyền dạy để thế hệ trẻ nối tiếp, lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc”.
Theo em Vì Thị Khánh, 16 tuổi thì việc tham gia các buổi sinh hoạt trong câu lạc bộ văn nghệ ở bản là cơ hội tốt để em thêm hiểu và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Qua đó, cũng giúp em thuộc nhiều hơn các bài hát, điệu múa do các nghệ nhân, các bà, các mẹ truyền dạy để tham gia vào ngày vui trong bản.
Nghĩa Sơn đã và đang ngày càng thay da đổi thịt, đời sống tinh thần, nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của người dân ngày càng cao, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú được khơi nguồn, tuôn chảy, hòa vào không gian văn hóa của vùng Văn Chấn - Mường Lò.
Thanh Chi