Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đã có Nghệ thuật xòe Thái và Hạn khuống của người Thái được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, màn đại xòe đã được công nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam.
Để có được kết quả đó, thị xã đã xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các loại hình nghệ thuật, bảo tồn, phát triển đối với từng loại hình; quan tâm đến các nghệ nhân dân gian trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, chế độ đãi ngộ... Hiện nay, thị xã có 2 nghệ nhân được công nhận và hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước là: Lò Văn Biến và Điêu Thị Xiêng.
Bà Hoàng Thị Vân – Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Hiện nay, thị xã đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, truyền dạy các loại hình nghệ thuật được vinh danh như xòe Thái, khắp Thái; trình diễn nhạc cụ dân tộc, bảo tồn các lễ hội: Hạn khuống, khai hạ, tết Xíp xí... Đây chính là cơ sở cho việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư”.
Trên địa bàn thị xã hiện có 71/71 tổ dân phố, thôn, bản có đội văn nghệ quần chúng, các cơ quan đơn vị, trường học đều có đội văn nghệ. Ngoài việc phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ tại cơ quan, đơn vị, cơ sở, các đội văn nghệ quần chúng còn là nhân tố nòng cốt trong hoạt động của các hội diễn nghệ thuật, lễ hội, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Điển hình như Câu lạc bộ (CLB) Nhạc cụ dân tộc Thái Mường Lò. CLB gồm 21 thành viên, chủ yếu là những người am hiểu về chế tác và sử dụng khèn bè, những thanh niên trẻ có năng khiếu, đam mê khèn bè và các nhạc cụ dân tộc Thái khác.
Nghệ nhân Lò Văn Biến - Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ dân tộc Thái Mường Lò cho biết: "Ngoài việc tổ chức tập luyện, biểu diễn các tiết mục bằng nhạc cụ dân tộc, còn truyền dạy cho thế hệ trẻ học nhạc cụ dân tộc; đồng thời, nghiên cứu, phát triển các nhạc cụ dân tộc Thái trên địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương”.
Những năm qua, thị xã đã khuyến khích, động viên những người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật dân tộc tham gia sinh hoạt tại nhiều CLB, thu hút các thành phần, lứa tuổi tham gia. Ngoài ra, thị xã còn quan tâm khuyến khích, động viên các văn nghệ sỹ, những người yêu văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tham gia sáng tác, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm.
Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết về mảnh đất, con người Nghĩa Lộ có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận như: bài thơ Cỏ xanh trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ, thơ Thu Phong, phổ nhạc Kim Phụng; bài thơ Mường Lò ơi, Bài ca Xe Cáu Ké, thơ Lò Thị Huân, phổ nhạc Xuân Vinh và nhiều tác phẩm thơ, nhạc, truyện, ký... được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Nghĩa Lộ đánh giá: "Thị xã đã bước đầu kết hợp giữa phát triển sự nghiệp văn hóa công ích với phát triển các ngành kinh doanh văn hóa, thể hiện qua kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. Lấy văn hóa làm tiền đề để phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch từ văn hóa, nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân. Đây chính là cách để văn hóa được bảo tồn và phát triển trong đời sống xã hội”.
Anh Dũng