Ra mắt cuốn sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí"

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/5/2019 | 5:08:46 PM

Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về sứ mệnh của báo chí, về cách làm báo, cách sử dụng từ ngữ, giữ gìn văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo.

Nhà báo, Nhà văn lão thành Phan Quang, tác giả của cuốn sách 'Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí' phát biểu tại Lễ ra mắt.
Nhà báo, Nhà văn lão thành Phan Quang, tác giả của cuốn sách 'Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí' phát biểu tại Lễ ra mắt.

Sáng 15/5, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ra mắt ba cuốn sách.

Đây là sự kiện được tổ chức hướng tới kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019); 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người (1969-2019).

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa, văn nghệ, báo chí, tuyên truyền trong quá trình hoạt động cách mạng. Người coi văn hóa, văn nghệ, báo chí tuyên truyền là vũ khí sắc bén để soi đường, tập hợp các tầng lớp nhân dân làm cách mạng.

Với việc cho ra đời Báo Thanh Niên vào ngày 21/6/1925, tờ báo cách mạng của những người yêu nước Việt Nam theo xu hướng cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người sáng lập, còn là người cầm bút xuất sắc, là người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ mốc son ấy, báo chí Việt Nam đã lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, đồng hành cùng dân tộc. Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về sứ mệnh của báo chí, về cách làm báo, cách sử dụng từ ngữ, giữ gìn văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo Việt Nam.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã cho ra mắt ba cuốn sách để giới thiệu với công chúng và người làm báo cả nước. Đó là các tác phẩm "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bộ sách "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam biên tập, trình bày; sách "Tiếng nói cùng năm tháng" do các nhà báo, phát thanh viên, nhà nghiên cứu của Đài Tiếng nói Việt Nam biên soạn, in ấn, phát hành.

Cuốn sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" có khổ 16x24 cm, 252 trang do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, là tác phẩm thứ 53 của nhà báo, nhà văn Phan Quang.

Cuốn sách là sự lựa chọn kỹ càng, sắp đặt khéo léo 35 bài báo, bài viết ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật, qua đó khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo, nhà văn hóa lớn - qua cách nhìn của nhà báo, nhà văn Phan Quang.
 

Ra mat cuon sach 'Bac Ho - Nguoi co nhieu duyen no voi bao chi' hinh anh 2

Các tác phẩm mới được ra mắt. 

Là người thông thạo tiếng Pháp, trong cuốn sách, tác giả tự chuyển ngữ, sử dụng một số bài viết của các nhà báo, sử gia, nhà văn hóa có tiếng của nước ngoài, giúp độc giả có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về hình tượng của Người.

Bộ sách 2 tập "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành tháng 5/2019, được tập hợp từ 100/235 tham luận của các nhà báo, nhà ngôn ngữ học, nhà quản lý trong cả nước trình bày hoặc gửi đến Hội thảo khoa học cùng tên do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức năm 2017.

Bộ sách giới thiệu các tham luận, bài viết về việc sử dụng tiếng Việt, về sự phát triển của ngôn ngữ trong đời sống hiện đại, tiếng Việt với giao lưu, hội nhập với bên ngoài, nhất là việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong đời sống hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sách "Tiếng nói cùng năm tháng" giới thiệu, tôn vinh nghề phát thanh viên và những "giọng vàng" Phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam 74 năm qua. Sách do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành.

Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những vất vả, hy sinh, niềm vui, nỗi buồn của các "giọng vàng" sau cánh sóng, những khoảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc, những phút nghẹn ngào rưng rưng của người phát thanh viên-nghệ sỹ-chiến sỹ. Đây là lần đầu tiên có cuốn sách về nghề phát thanh viên tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá cao ba cuốn sách được ra mắt và khẳng định đây là những tài liệu quý góp phần giúp độc giả tìm hiểu, học tập phong cách báo chí, phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; học tập và làm theo những lời dạy của Người trong hoạt động báo chí.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Tượng Nữ thần Tự do.

Bảo tàng Nữ thần Tự do mới gồm 3 khu trưng bày với nhiều hiện vật ấn tượng giúp người xem ngược dòng lịch sử hiểu thêm về bức tượng nổi tiếng do nhà điêu khắc Frederic-Auguste Bartholdi chế tác.

Triển lãm trưng bày nhiều kỷ vật và những câu chuyện xúc động về những nữ chiến sĩ đã dành cả thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc.

Trong chiến công vĩ đại trên đường Trường Sơn, lịch sử luôn ghi nhớ hơn 2 vạn nữ chiến sĩ đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân.

Ảnh minh họa.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019 (gọi tắt là Ngày hội) với chủ đề “Đoàn kết, hữu nghị và phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19-5 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công bố bộ phim tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phim về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đại hội Tours năm 1920 tới cuộc đấu tranh của Người chống chủ nghĩa thực dân Pháp giành độc lập dân tộc lần đầu công chiếu tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục