Thật ra, sau Puskin đã có Lécmôntốp, Gôgôn, Tuốcghênhép v.v… Những đứa con tầm cỡ của một thế kỷ văn hóa huy hoàng. Có điều, dù họ có lớn đến bao nhiêu, thì tất cả dòng thác sang tạo của những nhà văn hóa lớn sau ông cho đến tận LépTônxtôi cũng đều khởi thủy từ mạch nguồn của Puskin. Thậm chí cả những ai tranh luận với ông, bất đồng với ông đi nữa, dù những tên tuổi lừng lẫy kia có đi đâu, về đâu, đều phải đi qua đại lộ Puskin và không thể hoạt động ngoài phạm vi ảnh hưởng của ông.
Gorki viết: "Không có Puskin, thì trong một thời gian rất dài sẽ không có Gôgôn, LépTônxtôi, Tuốcghênhép, Đôtxtôiépxki. Tất cả những con người vĩ đại này của nước Nga đều công nhận Puskin là tổ tiên tinh thần của mình.”
I.A.Gôntsarốp nói: "Puskin là người cha, người khai sinh nền nghệ thuật Nga, cũng như Lômônôxốp - người cha của nền khoa học ở nước Nga”. Chính ông đã thừa nhận là mình được nuôi dưỡng bằng những vần thơ của Puskin như đứa bé được nuôi bằng sữa mẹ. Tuốcghênhép gọi Puskin là "người thầy học và lãnh tụ của mình”.
Còn LépTônxtôi đã nhiều lần gọi ông là "người thầy của chúng ta”. Puskin mất đi, Gôgôn trở nên cô đơn. Từ Pari nghe tin Puskin mất, tim ông như nhảy ra khỏi lồng ngực. Ông thấy như bầu trời xám lại và con người trở nên tàn nhẫn.
Ông cảm thấy từ nay trở đi mình trở nên côi cút: "Tất cả mọi thích thú trong đời tôi, tất cả mọi khoái cảm cao nhất của tôi đều mất đi cùng với Puskin. Không có một việc nào tôi bắt đầu làm mà thiếu lời khuyên bảo của ông. Không có một dòng nào được được viết ra mà tôi lại không hình dung ông đứng trước mình…”.
Gôgôn cảm thấy côi cút là phải. Bởi vì càng về cuối đời, ảnh hưởng Puskin càng rộng càng sâu đối với Gôgôn. Những bức tranh xã hội, những con người thừa, những viên chức bé nhỏ dưới chế độ Nga hoàng những năm 30 trong Phát súng, Người coi trạm, Tiểu thư nông dân… là tiền thân của những bức tranh và những con người bé nhỏ tội nghiệp của Gôgôn trong Chiếc áo khoác. Và đến những năm 40, thì đó là những bóng dáng vật vờ, đau khổ của nhiều nhà văn thuộc trường phái Gôgôn.
Nàng Thơ trữ tình của Lécmôntôp, thế giới thơ ca triết lý của Chútsép, những cảnh đời hiện thực, những bức tranh tố cáo xã hội xuyên qua những sự vật đơn giản nhất, những số phận cụ thể của nhiều nhà văn, nhà thơ những năm 40, 50 đều tiếp tục những đặc trưng thơ trữ tình những năm 30 của Puskin. Và chúng cũng trở thành nguyên lý thơ ca của Nêcơraxốp và trường phái của ông.
Vị trí và ảnh hưởng to lớn của Puskin đối với nhiều thế hệ về sau được Biêlinxki tổng kết bằng những lời súc tích: Trước Puskin thơ ca Nga là người học trò nhanh trí và bắt chước Nàng thơ châu Âu. Có thể nói phần lớn những tác phẩm thơ ca Nga trước Puskin là những phác thảo hoặc bản sao chép lại, hơn là những tác phẩm sinh ra từ cảm hứng độc đáo.
Krưlốp một tài năng hùng mạnh và mang tính dân tộc sâu sắc, cuối cùng vẫn không thoát khỏi kẻ phiên dịch và người mô phỏng theo La Phôngten.
Thơ Đecgiavin được dệt bằng ngôn ngữ Nga và trí tuệ Nga nhưng lại bị dìm vào những hình thức khoa trương và nhiều khái niệm xa lạ. Giucốpxki viết hai bản tình ca nổi tiếng, nhưng một cái là phỏng theo tình ca dân gian, còn cái kia miêu tả những bức tranh thi vị phong tục và thiên nhiên Nga, mà vẫn không thoát khỏi chủ nghĩa tình cảm và sức tưởng tượng theo kiểu Đức. Nàng thơ của Bachiusơcôp vĩnh viễn đi lang thang phiêu bạt dưới bầu trời xa lạ, không tìm về cội nguồn của mình là thi đàn Nga.
Với Puskin, thơ ca Nga đã từ người học trò nhút nhát trở thành bậc thầy tài năng và có kinh nghiệm. Có người nói, Puskin đã mở đầu một niên biểu là như vậy. Thời đại lịch sử 1812-1825 đã sản sinh ra Puskin.
Trong tác phẩm của ông, chủ nghĩa yêu nước được nâng cao chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh xâm lược 1812 và tư tưởng tiên tiến của Cách mạng tháng Chạp (1825) đã được thể hiện mạnh mẽ. Tư tưởng đó là sự kết tinh của tinh thần phản kháng chế độ nông nô chuyên chế với những học thuyết triết học Tây Âu và phong trào cách mạng ở đấy.
Mặc dầu nền văn học Nga mới sinh ra từ thế kỷ XVIII, nhưng chỉ trong tác phẩm Puskin thì bộ mặt nước Nga mới, thiên nhiên, con người Nga với những đặc điểm của thời đại lịch sử 1812-1825 mới được phản ánh có bề sâu và tầm cao của nó. Puskin thật sự là người sáng lập nền văn học Nga, đồng thời là nhà cải cách vĩ đại ngôn ngữ Nga.
Công nhận Puskin là bậc thầy, LépTônxtôi vẫn thường xuyên tranh luận với Puskin. Dường như con người khổng lồ này cảm thấy ở "người cha của chủ nghĩa hiện thực Nga” mà có lúc vẫn rơi vào đường vòng của sự hài hòa ước lệ, của biểu tượng. Nhân vật Tatiana là một ví dụ. Có người cho Tatiana là nhân vật bịa đặt nhất trong vấn học Nga.
Còn đối với Puskin, tình yêu của Tatiana là đạo đức và cái đẹp cộng lại. Raxkônnhikốp ở Đôxtôiépxki, Phaoxtơ ở Gớt, Katêrina ở Ôtxtrốpxki đều đã vi phạm những qui tắc đạo đức và mỗi người đi theo cách của mình, còn Tatiana thì không đi đâu hết, thậm chí cả hành động để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của mình.
LépTônxtôi đã tiếp tục câu chuyện của Tatiana trong tiểu thuyết AnnaKarenhina, nhưng với một kiểu xung đột khác, một cách giải quyết khác. Ấy thế mà cuối cùng Tônxtôi vẫn chịu ảnh hưởng lớn Puskin. Puskin là nhà thơ của trí tuệ. Nhà thơ tôn thờ trí tuệ như tôn trọng một cái gì đó rất khách quan. Tônxtôi cũng thường nói đến tư duy, trí tuệ.
Còn Puskin đã thống nhất hai người lại. Puskin thường nói: "Bóng tối cút đi”, thì LépTônxtôi coi sự thiếu ánh sáng, tình trạng không có ánh sáng là điều dở. Có lần Đôxtôiépxki nhận xét rằng, cái cơ bản trong Puskin là sự hòa hoãn tôn giáo mà hình ảnh Tatiana là một ví dụ. Nhưng Puskin nghĩ khác. Tình yêu của Tatiana là tình yêu tinh thần. Nàng là hiệp sĩ của sự trong sạch, cũng như Đôngkisốt là hiệp sĩ của sự hiền minh. Dẫu vậy, uy tín của Puskin cần thiết cho ông. Trong Người kỵ sĩ bằng đồng, Epghêni nổi loạn không chỉ chống lại trật tự của thế giới. Sự nghiệp của Epghêni được Ivan Karamađốp tiếp tục. Xalêri trong Môda và Xalêri cũng như Cain[1] không bằng lòng với sự phi nghĩa ở thiên đình đã giết Môda. Xalêri là kẻ có tội bởi vì giết thiên tài để bào chữa cho sự vắng mặt của Chúa. Puskin hiểu được sự giận dỗi của Xalêri, nhưng trước sau hắn là kẻ giết người, một "vị thiên sứ đã làm ô danh Chúa”.
Đôxtôiépxki tiếp tục tư tưởng cơ bản của Môda và Xalêri và phát triển. Ông đặt vấn đề: con người tự mình có quyền trở thành tóa án và kẻ đao phủ với người thân được không? Raxkônnhikốp là một loại của Xalêri…
Dòng thác thơ, văn chói lọi của Puskin đã tìm được nguồn mạch và thắp sáng ở thế kỷ chúng ta.
Những ngày cuối đời, A.Blốc đã kịp nhìn lại con đường thơ của mình. Ông nói rằng, suốt đời ông, dường như trước mắt lúc nào cũng hiện lên dòng chữ đậm nét: Puskin. "trước Puskin, toàn bộ cánh cửa của tâm hồn tôi đã được mở rộng - Cái khởi đầu và cái kết thúc trong sự chuyển động tâm hồn”. Puskin đối với Blốc không chỉ là hiện tượng không thể đo được của văn hóa Nga, là vinh quang cao nhất mà còn là sự kiện to lớn đối với ông.
Ông gọi Puskin là "Tình yêu đầu tiên”. Tư tưởng của Puskin trong thơ Blốc là ánh sáng cầu vồng không bao giờ tắt. Tư tưởng của Puskin là những tia sáng cầu vồng tỏa chiếu cho nhà thơ tượng trưng Nga thế kỷ chúng ta nhiều quãng đời bị sương mù bãng lãng: Nhà thơ phải sống như thế nào? Mục đích của thơ ca? v.v… Cuộc sống Blốc bắt đầu bằng Puskin, bằng những vần thơ và truyện cổ đã mở ra một thế giới tuổi thơ, vẻ đẹp của chiến công, sự thật lịch sử chân chính của Tổ quốc v.v… Ý nghĩa to lớn đối với Blốc là hình tượng người hiệp sĩ "tội nghiệp”, người bạn đường vô danh, biểu tượng toàn bộ đời sống của ông.
Một loạt nhà thơ, nhà văn thời đại Xô Viết đã dõi mắt hướng về Puskin, như tìm về một ngọn nguồn không bao giờ cạn mạch: Alếcxây Tônxtôi, X. Êxênhin, Maiakốpxki và nhiều thế hệ sau. Truyền thống của Người da đen của Pie vĩ đại, Người kỵ sĩ bằng đồng, Pôntava chắc chắn đã hỗ trợ và làm giàu kinh nghiệm cho A. Tônxtôi khi viết Pie đệ nhất.
Xécgây Exênhin mỗi lần hướng về Puskin thì người ông như cứng rắn hơn, khơi lên một sự bất bình, căm thù cái "thế kỷ tàn khốc”. Ở Mátxcơva nhiều lần ông đến tha thẩn trước tượng Puskin. Có một lần, nhà thơ tình Riadan dừng lại, nhìn vào khuôn mặt của nhà thơ bậc thầy, thở dài nặng nề. Bất thình lình ông nổi giận, nói to:
Tôi căm thù quân giết người!
Rồi ông nghiến răng, làm cho những người cùng đi lạnh toát cả người.
Puskin viết Tôi lại về thăm vào những năm ba mươi. Trước đó khá lâu Baratưnxki viết Quê hương. Ấy vậy mà người ta nhớ Puskin nhiều hơn. Chỉ có một số người biết Quê hương. Có lẽ bài thơ của Baratưnxki viết bằng kỹ xảo nhiều hơn cảm xúc. Đọc Trở lại quê hương của Êxênhin nếu không có đoạn thơ đầy kịch tính: đoạn đứa cháu lâu ngày xa quê hương trở về không nhận ra ông mình nữa, đọc lên làm tim ta thắt lại, thì những ý của bài này người ta có thể nghĩ đến những môtíp đã có trong Tôi lại về thăm của Puskin.
Cả Maiacốpxki một thời, và các nhà vị lai chủ nghĩa trong bản tuyên ngôn hung hăng Cái tát vào thị hiếu xã hội đã lớn tiếng: "Hãy quẳng Puskin, Đôxtôiépxki, Tônxtôi và những người khác ra khỏi Con Tàu hiện đại”, thế mà khi đã nhanh chóng nhận ra được tư tưởng cực đoan của mình, thì trong nhiều cuộc tranh cãi, trong nhiều bài thơ họ đã bênh vực Puskin và nói lên tình yêu chân thật của mình đối với nhà thơ vĩ đại.
Là người đồng thời với Vichto Huygô (1802-1885), với Anphơre đơ Muýtxê (1810-1857) với Gi N. G. Bairơn (1788-1824), Puskin đã gặp những nhà thơ lãng mạn nổi tiếng châu Âu vừa kể ở nhiều điểm. Nhưng đáng chú ý hơn cả là đối với Bairơn và Ađam Michkêvích (1798-1855). Có lần giới phê bình đương thời gọi Puskin là chủ tướng của chủ nghĩa lãng mạn Nga, mệnh danh ông là "Bairơn phương Bắc”. Sự so sánh đó đã bị Biêlinxki phản đối.
Có lẽ, Puskin cũng đồng tình như vậy. Thơ Bairơn đối với Puskin không phải là "cái mốt” của thời đại, Puskin tìm thấy ở Bairơn - "Prômêtê của thời đại” - một cá tính mạnh mẽ, cường tráng của phong trào giải phóng châu Âu. Trong thơ của Bairơn mạch của phong trào đó đập mạnh. Hướng về Bairơn, Puskin xác nhận sự tham gia của nước Nga vào mọi công việc của châu Âu, vào mọi tư tưởng tiên tiến của thế kỷ. Ông đã khám phá một thế giới mà thiên tài Bairơn chưa hề biết đến. Đó là thế giới Nga nhìn bằng nhà thơ Nga.
Trong Người tù Cáp-ca-dơ, Puskin đã đi theo con đường của Bairơn. Ông thích nhân vật lãng mạn của Bairơn. Lòng tự hào, khát vọng yêu tự do đã lôi cuốn Puskin. Nhưng Puskin cũng thấy được chỗ yếu của nhân vật này: thái độ thờ ở đối với con người, sự lãnh đạm đối với cuộc đời sinh động và sự già cỗi trong tâm hồn… Hướng về Bairơn là Puskin bước vào cuộc chạy đua với nhà thơ nước Anh. Ông không hài lòng với Người tù Cáp-ca-dơ chính là ông đã phê bình trường phái lãng mạn Bairơn. Puskin yêu những nhân vật có lý tưởng, có kích thước cao rộng, có chiều sâu tâm hồn, yêu tự do đến cuồng loạn… Nhưng đồng thời ông cũng chú ý đến những con người bình thường trong hiện thực xã hội Nga thời bấy giờ.
Quan hệ giữa Puskin và Michkêvích có thể bắt đầu bằng một chương của kịch thơ Kônrát Valenrốt. Vào cuối năm 1827 đầu 1828, Michkêvích viết báo, làm thơ để sống ở Mátxcơva. Bấy giờ ông rất nghèo, thuê được một căn phòng ọp ẹp ở phố vắng. Nơi ông ở thường là nơi nhiều văn nghệ sĩ lui tới. Có cả những người chủ chốt của tờ Tạp chí văn học Tin tức Mátxcơva và Điện tin Mátxcơva. Puskin thường lui tới đây và họ chơi với nhau khá thân. Michkêvích hiểu khá rõ tâm trạng của Puskin sau khi Cách mạng tháng Chạp bị thất bại: đau khổ, không được hoạt động và phải bán từng bài thơ cho các tòa soạn để sống.
Một hôm, khi đã viết xong một chương của Kônrát Valenrốt và muốn in tại Mátxcơva, Michkêvích mang đến Puskin, Puskin rất vui vẻ và yêu cầu tác giả có một bản dịch chính xác chương đó. Tự tay Michkêvích dịch nó ra tiếng Pháp cho Puskin. Bài thơ cũng được dịch ra tiếng Nga. Puskin hài lòng, bỏ vào túi và gật gật đầu. Những người trong tòa soạn Tin tức Mátxcơva còn muốn dịch ra văn xuôi để in trên báo mình.
Còn Puskin thì dịch chương đó thành thơ. Ông yêu bài thơ đó. Khi Kônrát Valenrốt được công bố vào năm 1828, thì hầu hết bạn đọc Nga đều hiểu được nội dung cho đến từng chi tiết và cả vẻ đẹp của ngôn ngữ Ba Lan. Người ta đọc thuộc và yêu bài thơ chính là nhờ công phu lao động dịch thuật và sự hiểu biết văn hóa Ba Lan của Puskin vĩ đại.
"Trong nền văn hóa của chúng ta - Puskin là nguồn gốc của mọi nguồn gốc”. Cậu văn đánh giá của Gorki nói lên ý nghĩa rộng lớn của di sản bất tử của Puskin và ảnh hưởng mạnh mẽ của bậc thầy văn hóa và tác phẩm của ông đối với hầu hết các loại hình nghệ thuật: văn học, sân khấu, âm nhạc, hội họa và về sau là điện ảnh, mà chúng ta sẽ nói đến ở bài sau.
(Theo vanhien.vn)