Những ngày đầu thành lập Hội, còn biết bao khó khăn, từ in ấn, phát hành, đến công bố tác phẩm. Tạp chí có khi vài tháng mới có một số, không đủ dung lượng để đăng tải, rồi khó khăn về cuộc sống. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, nhiều tác giả thơ vẫn đứng nơi tuyến đầu.
Vượt qua muôn vàn gian khó ấy, các tác giả thơ Yên Bái vẫn lao động miệt mài, hy sinh thầm lặng, dấn thân để cho ra đời những bài thơ, tập thơ, trường ca còn sống mãi với thời gian.
Chúng ta không thể quên lớp thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho thơ Yên Bái, như: Nguyễn Tất Đợi với tập: Cảm xúc mùa thu…; Lê Anh Quốc với tập: Tháng năm trốn tìm, Khoảng trời thắp lửa…; Huyền Sâm với tập: Vùng quê đằm thắm…; Lâm Quý với tập: Tình thơ Cao Lan …; Vũ Chấn Nam với tập: Những mùa hoa, Về Pác Bó, Huyền thoại Thác Bà, Đất vua Hùng, Hoàng Liên Sơn ta ơi….
Ngọc Bái với tập: Những con đường đất đã qua, Đồng vọng ngõ phố xưa, Lời cất lên từ đất, Thạch thảo miền rừng, Khoảng lặng…; Dương Soái với tập: Gửi em ở cuối sông Hồng, Đất lạ, Giao mùa…
Ngọc Chấn với tập: Vĩ thanh người lính, Nơi dòng sông gặp biển..; Bùi Hồng Sính với tập: Tiếng tơ lòng, Mấy nẻo đường; Hoàng Bảo với tập: Hoa vẫn cháy, Biển và bờ, Bông gạo trắng còn bay, Bóng thời gian, Đầy vơi cung đàn…; Hiền Phong với tập: Khát, Dáng mẹ, Gọi thu…; Đinh Hội với tập: Mùa nhãn đợi, Tình không cô đơn, Nhẹ như tiếng khèn, Thao thức một vầng trăng, Lao xao bến cũ…; Trịnh Thoại với tập: Giã từ, Giọt sáng trong mơ…
Ngọc Loan với tập: Gửi về quê mẹ, Quê hương giữa độ xuân về; Lê Ngân với tập: Nghiêng nghiêng bóng núi, Thao thức một miền quê, Lau thưa xào xạc mãi; Địch Ngọc Lân với tập: Mùa sim; Phạm Đức Hảo với tập: Nụ đầu mùa, Hương cốm; Hán Trung Châu với tập: Trông ngọn rau tần… và một lực lượng tác giả hội viên thơ hùng hậu kế tiếp, mỗi tác giả là một thế giới của đa thức, tạo nên sự đa sắc, sinh động của thơ Yên Bái, nhiều tập thơ để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả.
Có thể kể đến một số tập, như: Muốn nói cùng em, Trái thu… của Hà Ngọc Anh; Tìm nắng trong mưa, Ký ức mưa bay, Trò chuyện với dòng sông… của Nguyễn Ngọc Trìu; Khoảng trời lặng gió… của Đoàn Đức Bình; Đếm mưa, Trăng sáng mùa yêu, Vẫn xanh màu áo lính… của Đăng Lộc; Hạt mưa xuân… của Nguyễn Thế Chửng; Lời cây hoa dại… của Kiều Ngọc; Lặng lẽ mùa thu… của Tường Vy; Sáo Mông, Mường Lò… của Thế Quynh; Hai mươi bốn tiếng một ngày… của Hồng Thanh Tâm… và rất nhiều những tác giả khác nữa.
Có những tác giả hội viên đã xuất bản trên 10 tập thơ, như: Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Trần Thị Nương, Lê Văn Lộc, Lê Vân... Kế tục các thế hệ đi trước, thơ của các tác giả trẻ như: Phạm Quỳnh Loan, Vũ Thu Hương, Mai Oanh, Lưu Khánh Linh, Lê Văn Cường, Nguyễn Tiến Kiều, Nguyễn Thu Phong, Lò Thị Én Xuân, Đào Thu Hương, Lê Xuân Hiện… đem đến sự tươi mới, trẻ trung, với nhiều giọng điệu, khai thác nhiều mảng, nhiều góc cạnh của cuộc sống bằng cách nhìn, cách cảm, cách tư duy mới, nhiều phá cách. Một số cây bút tuy mới xuất hiện nhưng cho thấy sự chững chạc, điều đó đã góp thêm một làn gió mới cho thơ Yên Bái.
Bốn mươi năm, gần 80 hội viên thơ các thế hệ, hơn 200 tập thơ được xuất bản, công bố, hầu hết các tập đều do tác giả tự bỏ tiền ra in, tự phát hành, đó là cố gắng không nhỏ của các hội viên thơ Yên Bái. Ngoài các tập thơ do tác giả tự công bố, một số tập và tuyển tập Hội đứng ra xuất bản thì thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái cho độc giả hình dung rõ hơn về diện mạo thơ Yên Bái.
Phong phú về phong cách, bút pháp, thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái có sự góp mặt nhiệt thành, hồn hậu của tất cả các hội viên và cộng tác viên thơ. Nhiều hội viên đang ở độ chín trong sáng tạo, nhiều hội viên tuổi đã cao nhưng vẫn sung sức. Nhiều cộng tác viên tham gia sáng tác, đáng mừng là trong lực lượng đó có khá nhiều cộng tác viên trẻ, như: Hà Ngọc, Lệ Hằng, Vi Thị Dung, Bùi Thu Thủy, Lâm Đại Lộc…
Nhằm thúc đẩy hoạt động và nâng cao hơn nữa chất lượng sáng tác, nhiều năm gần đây, Hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho chuyên ngành thơ. Ba năm liền, Hội tổ chức Cuộc thi "Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” động viên, khích lệ và tạo sức bật cho thơ.
Hiện nay, Hội có 46 hội viên thơ đang hoạt động sáng tác, khoảng trên 20 hội viên ở các chuyên ngành khác cũng tham gia viết thơ cùng đông đảo đội ngũ cộng tác viên ở toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ đông nhất so với các chuyên ngành khác của Hội.
Các hội viên, cộng tác viên thơ có buổi sinh hoạt thơ vào ngày 12 hàng tháng tại trụ sở Hội. Thân tình, bình đẳng, cầu thị, các tác giả chia sẻ những sáng tác mới, góp ý cho nhau từng câu thơ, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm sáng tác. Đây thực sự là những buổi sinh hoạt nghiệp vụ đầy ý nghĩa, hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng thơ Yên Bái.
Bốn mươi năm nhìn lại, thấy sự nỗ lực của cả đội ngũ những người làm thơ, đánh dấu thành quả một chặng đường thơ Yên Bái, có đóng góp cho nền thi ca cả nước. Thơ Yên Bái đã tạo được chỗ đứng. Nhiều tác giả thơ Yên Bái có thơ xuất hiện trên Báo Văn nghệ Việt Nam và các báo lớn, như: Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Nguyễn Ngọc Trìu, Nông Quang Khiêm…
Nhiều bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc, vang lên cùng thời gian, như: Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái; Đêm Mường Lò của Vũ Quý; Anh có vào Nghĩa Lộ với em không của Hoàng Thị Hạnh… Nhiều tập thơ của các tác giả hội viên thơ Yên Bái đoạt giải thưởng của Trung ương, như: Tiếng vỡ của ngày của Nguyễn Ngọc Trìu, Bão tím của Trần Thị Nương, Phiên bản của Đặng Thị Thanh Hương, Lời yêu không để trong túi áo của Vũ Mai Oanh, Giọt núi của Nông Quang Khiêm… Tiêu biểu là Giải thưởng Nhà nước của nhà thơ Ngọc Bái năm 2012 đã khẳng định vị thế của thơ Yên Bái.
Lao động nghệ thuật là lao động đặc thù, đối mặt với trang giấy là cuộc sống, là nỗi niềm nhân thế, là sự khát khao hoài vọng của mỗi tác giả thơ về chân- thiện- mỹ. Càng tự hào về những gì đã đạt được, chúng ta càng trân trọng công lao, nghị lực sáng tạo, tình yêu nghề, tận tụy, thầm lặng với thơ của các thế hệ tác giả thơ Yên Bái. Những gì đã đạt được sẽ là hành trang cho các tác giả thơ Yên Bái hiện nay tiếp tục lao động, sáng tạo, cống hiến và cho chúng ta kỳ vọng vào những thế hệ tiếp theo.
Nông Quang Khiêm