Chị Đỗ Thị Hoa ở thành phố Yên Bái đã đam mê với hoa lan từ rất nhiều năm nay. Chị Hoa tâm sự: "Tôi thích vẻ đẹp của hoa lan cho nên cứ cây nào đã cho hoa đẹp là tôi mua về trồng mà không hiểu gì về nó. Một thời gian sau, hết đợt hoa ấy, cây không cho ra hoa nữa, thậm chí là chết dần mà không biết nguyên nhân. Từ khi tham gia vào Hội, được các thành viên hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cũng như phổ biến các kiến thức về việc bảo tồn các loài lan quý, khả năng phân bố, thích nghi, tôi đã hiểu ra rằng đam mê cái đẹp của lan không chỉ là đưa chúng về nhà mình để sở hữu mà đó là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn chúng trước việc khai thác quá mức loài hoa này ở rừng”.
Từ khi Hội Hoa lan Yên Bái được thành lập, đây không chỉ là nơi hội tụ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của những người yêu thích lan rừng mà còn là nơi truyền đạt, thay đổi tư duy, cách chơi lan đơn thuần sang nhân giống, bảo tồn, phát triển. Đặc biệt, thông qua các cuộc triển lãm, thi hoa lan do Hội tổ chức và tham gia ở trong và ngoài tỉnh, thương hiệu lan kiều tím của Yên Bái đã được xây dựng và công nhận.
Khi tham gia Hội, các thành viên không đơn thuần chỉ để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn phải tuân thủ các quy định do Hội đặt ra, trong đó có việc nhân giống, bảo tồn và di thực. Mỗi thành viên được trang bị các kiến thức, hiểu biết mang tính khoa học về từng loại lan từ cách trồng, chăm sóc, khả năng thích nghi để chọn lọc các loại lan phù hợp với điều kiện khí hậu, có khả năng sinh trưởng ở vườn nhà.
Anh Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch Hội Hoa lan Yên Bái cho biết: "Phần lớn những người chơi lan mà không thực sự hiểu về lan mà chỉ có tư tưởng sở hữu cái đẹp của chúng. Có những loài hoa rất đẹp nhưng không phù hợp để trồng trong vườn nhà. Nếu người chơi hiểu về lan, biết trước, lan sẽ chết thì sẽ không mua về. Và khi không có cầu thì sẽ không còn cung. Việc bảo tồn còn được thực hiện bằng cách hướng dẫn cách trồng, tách chiết, nhân giống; đồng thời, tích cực di thực các giống lan quý mà tỉnh không có từ tỉnh khác, đất nước khác về Yên Bái, góp phần làm phong phú hệ sinh thái”.
Được biết, Hội thành lập từ năm 2014 với 7 thành viên. Song đến nay, đã nâng lên 55 thành viên ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2017, Hội đã bắt đầu tổ chức trưng bày triển lãm, thi hoa lan, mỗi năm thu hút khoảng gần 70 đơn vị đến từ trên 30 tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm tại các tỉnh bạn, nhờ đó mà thương hiệu lan kiều tím của Yên Bái được công nhận. Trong giới chơi lan có những khái niệm riêng về thương hiệu như: trầm tím Điện Biên, hoàng thảo kèn Lai Châu hay quế lan hương Hòa Bình… tức là loài hoa ấy ở các vùng đất ấy cho bông đẹp hơn hẳn các tỉnh khác để làm nên một thương hiệu cho tỉnh.
Và kiều tím Yên Bái đã được ghi danh thương hiệu trong giới chơi lan có một phần không nhỏ nhờ những hoạt động của Hội Hoa lan Yên Bái. Ngoài ra, các thành viên trong Hội còn tích cực tổ chức tham gia các hoạt động xã hội như: trồng gần 300 giò lan tại một số địa điểm tâm linh, làm đẹp cảnh quan cho quê hương; huy động những người chơi lan tổ chức đấu giá các giò lan để quyên góp, ủng hộ giúp đỡ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, bà con vùng lũ… tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hoài Anh