Vào mỗi lúc như thế, tôi lại lõm bõm đọc một vài câu thơ viết về đất nước, thường là thơ của các nhà thơ đẳng cấp như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên hoặc Nguyễn Khoa Điềm. Và từ những câu thơ ấy lại một mình suy tưởng.
Tôi sinh ra, đất nước đã có rồi. Đất nước của những con trâu cày lật từng sá đất trên cánh đồng vạn thuở; đất nước của những người con theo mẹ lên núi vỡ đất, cấy lúa, trồng dâu lập nên cơ nghiệp và giữ gìn bờ cõi đất Văn Lang; đất nước của những người con theo cha xuống biển, mò trai lấy ngọc, đãi cát vàng cùng gìn giữ đảo xa.
Tôi sinh ra, đất nước đã có rồi. Đất nước của những người dân mấy nghìn năm vừa đánh giặc vừa dựng xây đất nước; vai đeo gươm, tay cầm bút làm thơ. Đất nước của những người con gái, con trai đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép.
Tôi sinh ra, đất nước đã có rồi. Đất nước của những vùng quê đêm đêm rì rầm tiếng suối, tiếng chày khuya giã gạo và tiếng của những cây cọn làm bằng tre nứa, tự quay bên bờ suối, múc nước đổ xuống đồng.
Tôi sinh ra, đất nước đã có rồi. Đất nước tự do và độc lập từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn trước quốc dân và thế giới tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội.
Đất nước, niềm kiêu hãnh trong ta. Đất nước được hình thành từ những khổ đau và thách thức, từ những hạnh phúc đơn sơ và những khúc khải hoàn. Đất nước, nơi ta muốn ra đi và cũng là nơi ta khao khát trở về.
Anh bạn của tôi sinh ra từ vùng đất cằn cỗi bên bờ con sông Hồng, phía trước là sông, phía sau là núi. Anh bỏ quê đi xa, mấy chục năm những người hàng xóm lam lũ của anh không thấy mặt anh về. Anh hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nghe người ta đồn thế. Dân của làng bảo mấy anh em nhà nó giàu sang, sung sướng, nó về làm gì cái mảnh đất nghèo xơ, nghèo xác này. Nhưng rồi có một lần thật bất ngờ, tôi gặp anh trên đường đi biểu diễn. Tôi nhận ra anh trước nhưng để xem anh thế nào. Thế rồi, anh lại nhận ra tôi, anh chạy lại ôm chầm lấy tôi mà hỏi:
- Mày có phải là… ? Có còn nhận ra tao không?
Tôi trả lời anh trong rưng rưng nước mắt:
- Mày là nghệ sĩ, mày trở thành người của công chúng rồi phải không?
Lạ quá, ngần ấy tuổi đầu mà vẫn cứ mày mày, tao tao, thân thiết làm sao. Hơn 40 năm rồi nhỉ. Đúng là hơn 40 năm. Tôi hỏi lại anh:
- Mày bỏ quê rồi à?
- Trời ơi, sao lại hỏi tao thế? Phần vì say đắm nghệ thuật, phần vì vợ vì con, vả lại tao cũng không còn anh em ruột thịt ở đây. Nhưng không sao, tao thề với mày trước khi chết thế nào tao cũng phải về quê ít nhất một lần, nếu không chết tao không nhắm mắt được - anh bảo.
Thế là một thời gian sau, anh về thật. Mấy người bạn học cùng quê cũng giống như anh, tuổi đã cao cũng tìm mọi cách về quê, để được nhìn lại nơi mình sinh ra, nơi mình ra đi và cũng là nơi mình khao khát trở về.
Cùng ngồi ô tô, tôi đưa anh đi một vòng quanh thành phố. Đang trò chuyện râm ran bỗng thấy anh nói nhát gừng rồi im. Thì ra anh đang mải mê quan sát vì tất cả từ đường phố thênh thang chạy dài tít tắp, đến nhà cửa, phố xá vượt xa những gì anh đã mường tượng khi chuẩn bị trở về. Xe đưa anh qua cầu Văn Phú sang phía hữu ngạn sông Hồng để về cái làng quê cằn cỗi người dân lam lũ ngày xưa. Trên đường đi chốc chốc anh lại hỏi:
- Cái cầu tre nổi tiếng một thời ở cửa con ngòi chảy ra sông ở chỗ nào? Cái cầu 3 cây bắc qua con ngòi ở chỗ nào?
Cố lần lại mà chẳng nhận ra. Anh thú thật, không thể nào nhận ra được những con đường, những chòm xóm của cái làng cũ ngày xưa. Nhận ra làm sao được, con đường về làng anh bây giờ là con đường đôi thảm nhựa, có dải phân cách ở giữa. Ấy là con đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Cậu lái xe ô tô còn trẻ lắm, nó đưa ông đi, nó hiểu ông đang bàng hoàng trước những đổi thay quá nhanh của đất nước, của làng quê ông.
Khi trở về thành phố, cậu lái xe đi qua hết ngã tư này đến ngã ba khác, mặc dù đường chưa cắm biển, chưa có tên phố, tên đường. Loanh quanh thế nào mà xe lại ra cầu Tuần Quán ra đường Âu Cơ. Chao ôi! Vùng đất xa vắng bên hữu ngạn sông Hồng, nơi chúng tôi vẫn đạp xe đến trường trên những con đường mòn lầy lội, nay là những con đường đôi thảm nhựa rộng thênh thang, đẹp đến nao lòng. Xe đi hết ngã tư này đến ngã tư khác cứ rối tinh rối mù lên như đi giữa bàn cờ không biết đằng nào mà lần.
Đường nối với đường, phố nối với phố. Tôi cam đoan rằng, chẳng phải ông bạn của tôi mà ngay cả tôi và những người đã quen biết vùng này mà trong vòng một năm không đến đây nay cũng như con chim lạc vào rừng rậm. Vùng đất bên hữu ngạn, trải ra bao la dưới nắng thu vàng. Hôm nay, nhiều đường vẫn chỉ là đường, không lâu nữa lắp đầy dân vào ở, đường sẽ thành đường phố.
Xe chạy êm êm qua cầu Tuần Quán, gió thu từ lòng sông thổi lên. Cậu lái xe cố ý cho xe chạy chậm lại và bấm nút cho cửa kính tụt xuống để cho nắng và gió thu tràn vào. Có lẽ lâu lắm rồi, ông bạn tôi chưa có dịp được hít thở ngọn gió thu trong lành của vùng quê núi. Ông cố hít thở ngọn gió thu trong sạch vào cái lồng ngực hình như đã lép đi vì năm tháng tuổi già và cả những năm đắm say nghệ thuật.
Ông bạn của tôi bỗng thốt lên "sướng quá”. Tôi cũng không hỏi ông sung sướng được hít thở ngọn gió thu hay vì những gì ông mới cảm nhận được trước hiện thực đang diễn ra trước mắt. Bỗng dưng ông lại chỉ tay về phía trên. Kia cũng lại là cây cầu nữa à? Mà là cây cầu dây văng, nhìn rõ mồn một. Tôi bảo, ông có muốn qua cây cầu ấy không? Đấy là cây cầu dây văng Bách Lẫm - bên này là Giới Phiên, bên kia là phố Lò Vôi.
Con sông Hồng chảy vào đất Yên Bái chưa đầy 100 cây số kể từ Lăng Thíp điểm đầu và ghềnh Hạc xã Minh Quân là điểm cuối ta đã xây được 6 cây cầu bắc qua sông: cầu Trái Hút, cầu Mậu A, cầu Hợp Minh (vẫn gọi là cầu Yên Bái), cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Văn Phú và không xa nữa, cuối năm nay thôi lại có thêm cầu Cổ Phúc.
Hãy thử so sánh mà xem hơn 85 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp chỉ xây dựng được có một cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội lấy tên là cầu Đuy-me sau này gọi là cầu Long Biên, mãi đến năm 1902 mới hoàn thành - còn một tỉnh nghèo như Yên Bái, trong vòng 20 năm đã xây dựng được 7 cây cầu bắc qua sông Hồng.
Đất nước nào cũng thế, cơ sở hạ tầng bao giờ cũng phải đi trước và là khâu có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển. Từ tầm nhìn ấy chúng ta đã huy động mọi nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mà trọng tâm là cơ sở hạ tầng cho giao thông.
Có thể hình dung nổi không, trong một thời gian không dài, 1.200 cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn mới được xây dựng. Có thể nói một cách chân thực, những công trình ấy được xây dựng bằng niềm tin và khát vọng, bằng nghị lực, trí tuệ của Đảng và niềm tin của người dân. Từ khâu đột phá có tầm chiến lược ấy, Yên Bái đã trở thành tỉnh phát triển năng động, bền vững và bản sắc trong số các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Tây Bắc.
Sức nặng thời gian, đè nặng trên đôi vai của người nghệ sĩ, dù biết rằng, ông đang háo hức được đi, được đến, được nhìn thấy những thay đổi diệu kỳ của đất nước, nhưng tôi không thể đưa ông về nông thôn mà đường bê tông, điện lưới quốc gia được kéo đến từng ngõ ngách, từng gia đình người dân ở đồng bằng cũng như ở vùng cao, vùng xa đầy mây và gió. Tôi chỉ có thể nói cho ông bạn của tôi rằng, hơn một nửa trong số 160 xã của tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cả một huyện và một thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có thể nói với ông bạn của tôi một cách dễ hiểu: Nông thôn mới là nơi đã có đường từng bản, từng làng được thảm nhựa hoặc bê tông; là nơi có lưới điện quốc gia thắp sáng cho từng nhà; có môi trường sống trong lành hợp vệ sinh, nhà nhà có nước sạch để ăn, có nhà tắm, có nhà vệ sinh; có đời sống văn hóa văn minh, có mạng Internet tận đầu giường của người dân và quan trọng là có nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao...
Một nguồn lực khổng lồ của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức thế giới và của chính người đã đầu tư vào cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Trong vòng 5 năm nguồn lực đầu tư ấy là 24.600 tỷ đồng. Hơn 1.800 km đường giao thông nông thôn được trải nhựa hoặc bê tông.
Nước nổi thì thuyền lên, đời sống mọi mặt của dân được nâng cao, những giá trị văn hóa được gìn giữ và nâng cao, làm nảy nở và xuất hiện nhiều điểm du lịch có sức hấp dẫn không chỉ người trong nước mà còn cuốn hút cả người nước ngoài. Nào là điểm du lịch văn hóa Mường Lò; nào là điểm nghỉ dưỡng Tú Lệ; nào du lịch khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; nào là sân chơi dù lượn trên núi Cao Phạ.
Đất nước tôi còn nhiều điều kỳ lạ đang diễn ra. Điều kỳ lạ ấy là vật thể, phi vật thể và cả những cái mà con người chỉ có thể cảm nhận được mà không thể nói thành lời. Tôi đã từng nghỉ ở một ngôi nhà đơn sơ ở chân núi Yến của một bà mẹ nghèo.
Ngôi nhà được mọi người góp công, góp của làm cho. Ngôi nhà của mẹ chỉ là một trong mấy nghìn ngôi nhà được xây dựng bằng nghĩa tình, bằng đạo lý truyền thống của dân tộc và bằng trách nhiệm của dân, của Đảng.
Tôi cũng đã có mặt ở làng Khuôn Bổ, một ngôi làng của đồng bào Mông xã Hồng Ca, một xã vùng cao thuộc diện khó khăn, xem anh bộ đội, chị cán bộ và cả người Thái, người Tày ở nơi khác đến đây giúp dân đổ bê tông đường đi lối lại, giúp người dân láng sân xi măng, xây nhà tắm, xây hố xí, dựng chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà để Khuôn Bổ trở thành làng kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Đẹp lắm, văn minh lắm!
Từ làng của người Mông ở Khuôn Bổ, tôi lại tự hỏi mình có ở đâu văn minh như ở Việt Nam. Trong những ngày đang khốn khó vì dịch bệnh thì ở nước ta từ Nam chí Bắc, chỗ này xuất hiện cây (ATM) gạo tự động, chỗ kia xuất hiện cây quà tự động, chỗ khác xuất hiện cây khẩu trang tự động, ai cần đến đấy mà nhận, ai chưa cần xin nhường cho người khác. Trên mạng xã hội xuất hiện không biết bao nhiêu lời khen ngợi. Những lúc ấy, tôi vào mạng xã hội cũng thấy một vài người chê trách, có người còn mong được rời bỏ đất nước này.
Ta hãy theo dõi từng chuyến máy bay, xem có bao nhiêu chục nghìn người Việt Nam đi làm ăn, sinh sống, học tập ở nước ngoài được đón về nước hoặc đang khắc khoải chờ mong để được trở về, được đất nước, được đồng bào mình cưu mang, chia sẻ trong cơn bão dịch bệnh khủng khiếp đang diễn ra trên thế giới.
Ai muốn bỏ đất nước này, hãy cứ để họ đi! Đến một lúc nào đó, họ sẽ hiểu ra. Đất nước nơi ta sinh ra, nơi ta có thể muốn rời xa nhưng đất nước sẽ là nơi ta khắc khoải muốn trở về.
Đất nước ơi! Tổ quốc ơi! Đời đời yêu dấu, ta kiêu hãnh về Người.
Bội Đông